Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 40% vào năm 2015

Sáng nay, 21-8, trước khi trả lời chất vấn trực tiếp trong khuôn khổ phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã có báo cáo gửi đại biểu Quốc hội về tình hình đào tạo nghề, công tác quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 40% vào năm 2015

(SGGPO).- Sáng nay, 21-8, trước khi trả lời chất vấn trực tiếp trong khuôn khổ phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã có báo cáo gửi đại biểu Quốc hội về tình hình đào tạo nghề, công tác quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Theo đó, tính đến cuối năm 2011, cả nước có 135 trường cao đẳng nghề (trong đó có 33 trường ngoài công lập), 320 trường trung cấp nghề (trong đó có 111 trường ngoài công lập); 840 trung tâm dạy nghề (trong đó có 296 trung tâm ngoài công lập) và hơn 1000 cơ sở khác (các cơ sở giáo dục - đào tạo, doanh nghiệp,…) tham gia dạy nghề.

Học viên khoa cơ khí hệ trung cấp trường Đại học công nghiệp TPHCM trong giờ thực hành trên máy phay. Ảnh: MAI HẢI

Học viên khoa cơ khí hệ trung cấp trường Đại học công nghiệp TPHCM trong giờ thực hành trên máy phay. Ảnh: MAI HẢI

Mạng lưới các cơ sở dạy nghề phân theo vùng như sau: Vùng Đồng bằng Sông Hồng có 366 cơ sở (28%); Vùng Trung du miền núi phía Bắc có 233 cơ sở (17,9%); Vùng Bắc Trung bộ và Duyên Hải Nam Trung Bộ có 263 cơ sở (20,2%); Vùng Tây Nguyên có 71 cơ sở (5,5%); Vùng Đông Nam Bộ có 193 cơ sở (14,8%); Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long có 177 cơ sở (13,6%).

Chính phủ đã lựa chọn quy hoạch 121 nghề trọng điểm (26 nghề cấp độ quốc tế; 49 nghề cấp độ khu vực ASEAN và 107 nghề cấp độ quốc gia) và các trường có nghề trọng điểm để hỗ trợ phát triển đồng bộ các yếu tố đảm bảo chất lượng đào tạo theo chuẩn và đang triển khai xây dựng Đề án 40 trường chất lượng cao đến năm 2020 theo Chiến lược phát triển nguồn nhân lực và Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011-2020.

Tuy nhiên, mạng lưới các trung tâm dạy nghề cấp huyện chưa phát triển đủ theo quy hoạch, đến nay còn 163 huyện chưa có trung tâm dạy nghề công lập cấp huyện; các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy nghề còn bất cập; đội ngũ giáo viên, giảng viên dạy nghề còn thiếu về số lượng; yếu về chất lượng.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi chất vấn tại hội trường sáng nay 21-8. Ảnh: MINH ĐIỀN

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi chất vấn tại hội trường sáng nay 21-8. Ảnh: MINH ĐIỀN

Nêu phương hướng dạy nghề giai đoạn 2012-2020, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, mục tiêu đặt ra cho công tác đào tạo nghề là nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 40%, tương đương 23,5 triệu người vào năm 2015 (trong đó trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề chiếm tỷ lệ là 20%) và 55% vào năm 2020, tương đương 34,4 triệu người (trong đó trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề chiếm tỷ lệ là 23%).

Về tuyển dụng và quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, tại thời điểm tháng 7 năm 2012 là 77.087 lao động, trong đó số người thuộc diện cấp giấy phép lao động là 74.438 (số lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động là 49.983 người chiếm 67,15% và số lao động nước ngoài chưa được cấp giấy phép lao động là 24.455 người chiếm 32,85%), số lao động không thuộc diện cấp giấy phép lao động là 2.649 người (chiếm 3,44%). Lao động nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam từ hơn 60 quốc gia, trong đó mang quốc tịch Châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan...) chiếm khoảng 58% tổng số lao động nước ngoài; lao động nước ngoài mang quốc tịch Châu Âu (Anh, Pháp...) chiếm khoảng 28,5% và các nước khác chiếm 13,5%.

Để nâng cao chất lượng quản lý lao động nước ngoài, bà Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, trong đó trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn Bộ luật Lao động (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2013). Đồng thời, hoàn thiện dự thảo Luật Việc làm để trình Quốc hội cho ý kiến trong năm 2012.

Bộ cũng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo các Sở, ban, ngành và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện một số giải pháp tăng cường quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục