Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm có đáng tin?

Điểm mới trong đề án tuyển sinh đại học - cao đẳng (ĐH-CĐ) sư phạm năm 2018 là việc Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường phải công khai tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp, của 2 khóa gần nhất. Tuy nhiên, liệu đây có phải là con số đáng tin cậy để thí sinh làm cơ sở chọn ngành, chọn trường?  

Những con số kỳ lạ  
Nhìn vào đề án tuyển sinh năm 2018 của các viện, trường ĐH (công bố trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT) đều có phụ lục công bố thông tin tỷ lệ sinh viên có việc làm. Điều đáng nói là có những số liệu cười ra nước mắt. 
Không hiểu làm báo cáo và khảo sát như thế nào mà theo công bố của Trường ĐH Hải Phòng, số sinh viên tốt nghiệp CĐ sư phạm là 158 người,  nhưng phần thông tin có việc làm không hề có.
Đáng nói là số tốt nghiệp ĐH chỉ có 1.566 sinh viên, nhưng số có việc làm lên đến 1.683 sinh viên. Như vậy, tỷ lệ sinh viên có việc làm của trường này lên đến 107%. Đây có thể nói là con số kỳ lạ nhất so với thông tin chung của cả nước.
Trong khi đó, với Trường ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM, tỷ lệ sinh viên có việc làm đẹp như mơ: 159/159 sinh viên tốt nghiệp có việc làm. Còn Trường ĐH Phú Xuân 2 khóa gần nhất có 35 sinh viên tốt nghiệp, trong đó 34 trường hợp có việc làm (đạt 97,1%).
Trong khi đó, tỷ lệ sinh viên khối ngành sư phạm có việc làm sau khi tốt nghiệp đáng để suy nghĩ. Tại Trường CĐ Sư phạm Sơn La, số sinh viên CĐ sư phạm tốt nghiệp 2 khóa gần nhất là 1.119, nhưng chỉ có 451 sinh viên có việc làm.
Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm có đáng tin? ảnh 1 Sinh viên thực tập trong phòng thí nghiệm
Với Trường ĐH Hạ Long, sinh viên bậc ĐH chưa tốt nghiệp, nhưng tỷ lệ học viên trung cấp sư phạm tốt nghiệp có việc làm rất đáng báo động: Trong 851 trường hợp tốt nghiệp, chỉ 109 học viên có việc làm (12,8%). Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) có đến 4.926 sinh viên tốt nghiệp nhưng chỉ có 2.670 sinh viên có việc làm, đạt tỷ lệ 54,2%. 
Ngoài thông tin trên thì tỷ lệ sinh viên có việc làm có sự phân hóa rõ giữa các nhóm trường và khu vực. Với nhóm trường thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ và nhiều trường địa phương, tỷ lệ sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm thấp. Các trường như ĐH Tây Bắc, ĐH Điều dưỡng Nam Định, các trường CĐ Sư phạm, tỷ lệ sinh viên có việc làm thường dao động ở mức 30% - 75%.  
Những trường ở các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm khá cao, từ 85% - 98%. Trong khi đó, nhóm các trường tốp đầu như các trường thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Y Hà Nội, ĐH Y Dược TPHCM, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế TPHCM…, tỷ lệ sinh viên có việc làm từ 90% trở lên. 
Cần hệ thống đánh giá và kiểm chứng
Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), việc công khai là việc các trường phải làm vì trách nhiệm giải trình trước xã hội. Với những trường chất lượng đào tạo tốt, chương trình đào tạo gắn với nhu cầu người sử dụng lao động, thì đây là cơ hội để marketing cho nhà trường.
Tuy nhiên, sẽ không ít trường tìm kiếm “đối sách”, công khai số liệu thiếu tin cậy. Bộ GD-ĐT sẽ xử lý như thế nào trên cơ sở luật pháp quy định, nếu có trường nào đó báo cáo gian dối?
Mặt khác, có trường tuy đạt chuẩn kiểm định chất lượng nhưng tỷ lệ sinh viên có việc làm đúng với ngành đã học thấp, thì cũng nên xem xét chất lượng đánh giá ngoài. Do đó, cần phải có các khuyến cáo và giải pháp cụ thể nhằm đảm bảo không mâu thuẫn trong quá trình thực hiện các chủ trương của ngành. 
TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo - Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, nêu quan điểm: “Chúng ta không thể chấp nhận sự khai báo không trung thực. Do đó, phải có hệ thống tính toán, đánh giá và kiểm chứng. Điều gì hợp lý sẽ tồn tại và không có sự đối phó. Chính vì vậy, văn bản, quy định cần phải hướng dẫn sự phát triển của xã hội, chứ không phải chạy theo sự phát triển của xã hội”. 
Đánh giá về quy định công khai trong năm 2018, Th.S Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - Dịch vụ đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, cho biết: “Về vấn đề công khai, lần này có nhiều đổi mới hơn, đặc biệt là khâu giám sát từ cơ quan quản lý cũng như từ công tác kiểm định, nên có thể tin tưởng được. Tuy nhiên, để tránh tình trạng làm tốt ban đầu và dần dần bị sao nhãng thì công tác giám sát và kiểm định chất lượng cần được tăng cường, đặc biệt là với việc công khai thông tin đến từng ngành. Cho nên, vấn đề kiểm định ngành cần được đẩy mạnh hơn”.
Theo ông Sơn, những nội dung như số lượng giảng viên, cơ sở vật chất, khi công khai sẽ có cơ sở để đối chứng kiểm tra. Song, nội dung công khai tỷ lệ sinh viên có việc làm cần phải được giám sát tốt hơn. Nếu làm có cơ sở khoa học, làm thật, số liệu trung thực, thì đây sẽ là kênh để học sinh và phụ huynh có thông tin tốt trong việc chọn ngành, chọn trường.
Ông Sơn cũng lưu ý: Vấn đề tỷ lệ việc làm cũng cần có hướng dẫn để phụ huynh và thí sinh hiểu được đây là kênh để chọn trường, chứ không phải xu hướng ngành nghề trong tương lai. Có phụ huynh bị nhầm khi xem một ngành nào đó ở một trường đào tạo chưa tốt nên việc làm còn thấp, nhưng thực tế thì đó là ngành có nhu cầu nhân lực cao.
Theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, các cơ sở đào tạo phải công bố đầy đủ, chính xác các thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, tình hình việc làm, thông tin tuyển sinh. Tất cả các trường đều phải xây dựng và công khai đề án tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của trường và trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT trước khi thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia; đồng thời chịu trách nhiệm giải trình về các nội dung của đề án. Song song đó, các cơ sở đào tạo gửi đề án về bộ để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra.

Tin cùng chuyên mục