Tỷ lệ thực hiện các dịch vụ công trực tuyến rất thấp, chỉ chưa đến 7%

Có hai nội dung được đặc biệt chú trọng trong năm 2019 là “thanh toán điện tử, cung cấp dịch vụ công mức độ 4” và “phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp”. Đây là thông tin từ Hội nghị "Đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết 19 và giới thiệu Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh" do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức sáng 22-1, tại Hà Nội.
Quang cảnh buổi hội nghị
Quang cảnh buổi hội nghị

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, chỉ số thanh toán điện tử và dịch vụ công trực tuyến của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn, mặc dù nhiều yếu tố khác đã “thăng hạng” đáng kể. Chính vì vậy, có hai nội dung được đặc biệt chú trọng trong năm 2019 là “thanh toán điện tử, cung cấp dịch vụ công mức độ 4” và “phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp”.

Số liệu từ Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho thấy, tỷ trọng thanh toán không dùng tiền mặt/ tổng phương tiện thanh toán thấp, chỉ chiếm 11,49%. Tỷ lệ sử dụng tiền mặt rất cao, chiếm gần 90% chi tiêu; trong đó 99% cho các mặt hàng dưới 100.000 đồng. Gần 85% giao dịch tại ATM chỉ đơn giản là rút tiền.

Tương tự, tỷ lệ thực hiện các dịch vụ công trực tuyến rất thấp, chỉ chưa đến 7% (chính xác là 6,98%). Cổng dịch vụ công quốc gia chưa vận hành, ứng dụng được coi là chưa thuận lợi cho người dân.  

Để cải thiện tình hình, nhiều giải pháp đã được nhóm nghiên cứu CIEM khuyến nghị, trong đó Ngân hàng Nhà nước được đề xuất tiếp tục sửa đổi các quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, xóa độc quyền trong cung cấp dịch vụ chuyển mạch. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ quan chủ trì nghiên cứu, đề xuất Danh mục các giao dịch bắt buộc không dùng tiền mặt: thanh toán tiền điện, nước, dịch vụ thông tin, giáo dục, giao dịch có giá trị lớn…

Bộ Công an tập trung hoàn thiện kho dữ liệu công dân, áp dụng thu phạt hành chính không dùng tiền mặt.

Văn phòng Chính phủ được đề nghị thiết lập và đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia trước tháng 9-2019. Các bộ, địa phương vận hành Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bảo hiểm Việt Nam được đề nghị chi trả cho các đối tượng qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Tin cùng chuyên mục