U.23 Việt Nam và thuốc thử tham vọng

Kết quả bốc thăm môn bóng đá nam tại Asian Games 2018 (ASIAD) cho thấy đội tuyển Olympic Việt Nam có khả năng đi sâu vào giải. 
Ngoài việc nằm trong bảng đấu tương đối dễ dàng, chỉ Nhật Bản là đối thủ lớn, thì theo thể thức thi đấu của ASIAD, các đội xếp hạng 3 có thành tích tốt nhất cũng sẽ được vào vòng 2. Như vậy, về lý thuyết, thầy trò HLV Park Hang-seo chỉ cần thắng 1 trận trước các đội như Pakistan hay Nepal. 

Bốn năm trước, Olympic Việt Nam dưới sự dẫn dắt của ông Toshiya Miura đã tạo ra cơn địa chấn khi đánh bại Iran 4-1 để đứng đầu bảng vào vòng 2. Rất tiếc, thời gian sau đó, chúng ta đã không thể tạo ra một đội tuyển quốc gia mạnh từ nòng cốt của đội tuyển trẻ này, mãi cho đến khi tạo ra kỳ tích ở U.23 châu Á hồi đầu năm nay.

Liên kết 2 sự kiện, câu hỏi đặt ra: Bóng đá Việt Nam sẽ làm được gì ở ASIAD 18?
So với chức á quân ở giải U.23 châu Á, đội Olympic Việt Nam đá ASIAD sẽ mạnh hơn bởi chúng ta đem đến Indonesia đội tuyển quốc gia chính thức của mình vốn đang dựa trên bộ khung U.23 cộng thêm vài cầu thủ lớn tuổi, phù hợp với quy định U.23 + 3 cầu thủ quá tuổi của ASIAD. Chính vì vậy, áp lực thành công đã đè nặng lên thầy trò HLV Park Hang-seo khi mà âm hưởng của U.23 vẫn còn quá nhiều.
Về lý thuyết, áp lực đó là đương nhiên. Các cầu thủ U.23 không thể thoái thác trách nhiệm của một đội bóng đang là á quân trẻ của châu lục. Họ buộc phải chứng minh thành tích hồi tháng 1 của họ không phải đến từ may mắn. Mặc dù được phép bổ sung 3 cầu thủ lớn tuổi nhưng thực tế thì ASIAD vẫn là sân chơi bóng đá trẻ. Trong danh sách dự World Cup 2018 của Iran, Nhật Bản, Saudi Arabia… chỉ có vài ba cầu thủ từng đá ở ASIAD 2014. Cá biệt như Nhật Bản, họ chỉ đưa đội U.20 dự ASIAD. Như vậy, một thất bại tại đấu trường này rất khó được chấp nhận. 

Tuy nhiên, xét về lâu dài, ý nghĩa lớn nhất của ASIAD đối với U.23 Việt Nam đó là bài kiểm tra tham vọng. Cần nhớ rằng, sau giải đấu này (tháng 8) thì chỉ 2 tháng sau, cũng chính những cầu thủ ấy sẽ bắt đầu chiến dịch vàng ở AFF Cup 2018 và không lâu sau đó (khoảng 1 tháng) là sân chơi danh giá Asian Cup 2019. Với cùng một đội tuyển, dựa trên lộ trình có thời gian rất ngắn ấy, thì ASIAD được xem như một giải đấu mang tính khởi động cho các mục tiêu lớn hơn phía sau. Nói cách khác, nếu bóng đá Việt Nam thực sự có tham vọng vươn tầm thì chức vô địch AFF Cup 2018 và nhiệm vụ lọt vào vòng 2 ở Asian Cup 2019 mới thực sự là mục tiêu phải đạt được. 

Trong quá khứ, rất nhiều lần bóng đá Việt Nam thành công nhưng cũng như nhiều nền bóng đá kém phát triển khác, điểm yếu của chúng ta là không thể duy trì đẳng cấp ổn định lâu dài, có tính kế thừa trong một tầm nhìn dài hạn. Đó là lý do, chúng ta phải nghe quen điệp khúc “làm lại” mỗi khi hụt chân, thất bại. Đấy là biểu hiện của cách làm bóng đá thiếu tham vọng, không có những tính toán khoa học để giữ vững vị trí của mình trên bản đồ bóng đá thế giới. Chúng ta dễ dàng tung hô thành tích ở một giải đấu trẻ nên không hình dung ra những khó khăn ở các cấp độ lớn hơn, đẳng cấp cao hơn. Những nhà quản lý bóng đá thì thường hoạch định chính sách dựa trên dư luận, vốn dễ dãi với thành tích trước mắt và cay nghiệt với thất bại. 

Nói như vậy để thấy rằng không nên đặt quá nhiều áp lực cho thầy trò HLV Park Hang-seo ở ASIAD. Nhiệm vụ của U.23 Việt Nam là tiến càng xa, càng tốt nhưng cần phải nhớ đến mục đích lớn nhất đó là tích lũy và trải nghiệm. ASIAD không phải là giải đấu chính thức, cũng chưa phải đã đối đầu với những đội bóng chất lượng nhất. Ngay cả khi có mặt ở trận chung kết thì giá trị của nó cũng không thể hơn được chức á quân châu Á vừa qua. Điều quan trọng nhất là U.23 Việt Nam giữ được sự tự tin, thoải mái về tinh thần để chơi thứ bóng đá khao khát như 7 tháng trước, tạo đà cho những chiến dịch lớn ở ngay trước mắt họ.

Tin cùng chuyên mục