UNESCO công nhận Công viên địa chất non nước Cao Bằng là Công viên địa chất toàn cầu

Vào 18g ngày 12-4 giờ Hà Nội, Công viên Địa chất (CVĐC) Non nước Cao Bằng đã chính thức được UNESCO công nhận là CVĐC toàn cầu. 
Hóa thạch san hô cổ ở xã Lang Môn
Hóa thạch san hô cổ ở xã Lang Môn

 Trong hồ sơ gửi đến UNESCO, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cho biết, CVĐC Non nước Cao Bằng là một miền đất hiếm có, nơi còn lưu giữ các dấu tích là bằng chứng cho sự kiện tuyệt chủng sinh quyển. Các hóa thạch, trầm tích biển, đá núi lửa, khoáng sản, đặc biệt là các cảnh quan đá vôi, là những minh chứng tuyệt vời cho sự tiến hóa và thay đổi của Trái Đất, xứng đáng được coi là những di sản địa chất đặc sắc.

Tiến sĩ Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện khoa học, địa chất và khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhận định: “Thực tế mỗi CVĐC toàn cầu của UNESCO đều phải có những nét độc đáo riêng có thì mới có cơ hội được công nhận và mới có thể đóng góp đáng kể vào hoạt động chung của Mạng lưới CVĐC toàn cầu của UNESCO”. Trường hợp của CVĐC non nước Cao Bằng thì UNESCO còn yêu cầu chặt chẽ hơn, vì CVĐC này nằm khá gần CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang, chỉ cách đó chừng 200km), nên UNESCO yêu cầu phải chứng minh được sự khác biệt đáng kể giữa hai khu vực.

CVĐC Non nước Cao Bằng còn chứa đựng nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đặc biệt là các di tích lịch sử cách mạng, trong đó có Di tích Quốc gia Đặc biệt Pác Bó - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước năm 1941 lãnh đạo phong trào cách mạng sau hơn ba mươi năm bôn ba ở nước ngoài; Di tích Quốc gia Đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo - nơi năm 1944 Đại tướng Võ Nguyên Giáp thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay. CVĐC Non nước Cao Bằng cũng nổi tiếng với phong phú các giá trị đa dạng sinh học cùng nhiều hệ sinh thái, giống loài động thực vật đặc hữu. 

Tin cùng chuyên mục