Ứng dụng CNTT tại các cơ sở khám chữa bệnh

Sáng 24-7, tại Đà Nẵng, Bộ Y tế tổ chức hội thảo tập huấn “Đánh giá mức độ ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) tại các cơ sở khám chữa bệnh theo thông tư 54/2017/TT-BYT”.
Toàn cảnh hội thảo tập huấn Đánh giá mức độ ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) tại các cơ sở khám chữa bệnh
Toàn cảnh hội thảo tập huấn Đánh giá mức độ ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) tại các cơ sở khám chữa bệnh

Từ ngày 1-3-2019, Bộ Y tế quy định, các cơ sở y tế bắt đầu thực hiện tiến trình thay thế bệnh án giấy bằng bệnh án điện tử, giúp người bệnh không phải lưu trữ và mang theo giấy tờ khi đi khám chữa bệnh; giúp quản lý thông tin sức khỏe liên tục suốt đời của người dân.

PGS.TS. Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ y tế) phát biểu tại hội thảo

Việc triển khai hồ sơ điện tử giúp ngành có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác và kịp thời. Thông tin về sức khỏe của người bệnh được thông suốt giữa các tuyến sẽ giúp việc chẩn đoán và phối hợp điều trị tốt hơn. Các bác sĩ có thể truy cập hồ sơ bệnh án điện tử từ bất kỳ nơi nào trên thế giới nếu có internet. Tiết kiệm được chi phí duy trì các kho lưu trữ hồ sơ bệnh án giấy.

Với cơ sở dữ liệu này, việc tổng hợp, phân tích thông tin sẽ giúp ngành y tế có những chỉ đạo kịp thời về phòng chống dịch bệnh nói riêng và dự báo, hoạch định chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân một cách khoa học hơn. Đặc biệt, thông tin của người bệnh được minh bạch, giúp cho việc quản lý chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế dễ dàng hơn, góp phần hạn chế việc lạm dụng thuốc và xét nghiệm nếu có.

Với việc ứng dụng CNTT tại các cơ sở, PGS.TS. Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết, qua thực tế 100% bệnh viện đã ứng dụng CNTT trong khám, chữa bệnh và triển khai phần mềm quản lý thông tin bệnh viện; 92,3% bệnh viện triển khai ứng dụng phần mềm quản lý thông tin xét nghiệm; 86,2%  bệnh viện triển khai phần mềm quản lý điều hành (văn bản điện tử, thư điện tử);… Tuy nhiên, mức độ ứng dụng CNTT còn ở mức thấp, chưa đồng đều giữa các bệnh viện, việc kết nối liên thông dữ liệu còn khó khăn.

 Đề cập việc triển khai bệnh án điện tử, ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay, việc triển khai bệnh án điện tử gặp nhiều khó khăn. Đây là vấn đề mới, vì vậy nhân viên tại các cơ sở chưa có nhiều kinh nghiệm. Lãnh đạo bệnh viện chưa quyết liệt, còn chờ cơ quan quản lý cấp trên. Triển khai hồ sơ bệnh án điện tử làm thay đổi thói quen, nề nếp làm việc từ ghi chép bằng tay trên giấy sang sử dụng máy tính. Chưa có cơ chế tài chính cho ứng dụng công nghệ thông tin y tế nói chung và triển khai hồ sơ bệnh án điện tử nói riêng chưa rõ ràng. Do đó, kinh phí triển khai bệnh án điện tử còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.

 Trước đó, ngày 23-7, tại Đà Nẵng, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị “Đẩy mạnh triển khai bệnh án điện tử hướng tới bệnh viện không sử dụng bệnh án giấy và không sử dụng tiền mặt thanh toán viện phí”. Hội nghị là nền tảng và động lực để các bệnh viện trong toàn quốc nhanh chóng triển khai thành công bệnh án điện tử, tiến tới không dùng bệnh án giấy và thanh toán viện phí không dùng tiền mặt trong thời gian ngắn nhất.

Hội thảo nhận định ứng dụng CNTT nói chung, Bệnh án điện tử nói riêng là nội dung quan trọng có ý nghĩa thực tiễn, có tính thời sự cao trong việc xây dựng y tế điện tử. Việc triển khai bệnh án điện tử là bước đột phá quan trọng để chuyển đổi số hóa ngành Y tế, từng bước ứng dụng và phát triển y tế thông minh, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, góp phần hiện đại hóa ngành y tế.

Tin cùng chuyên mục