Ứng phó bão số 10: cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết

Bộ GD-ĐT yêu cầu các đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; thông tin kịp thời, đầy đủ đến lãnh đạo các trường, giáo viên, học sinh; cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn nếu cần thiết...

Trước diễn biến nhanh và phức tạp của cơn bão số 10, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã có công điện gửi các sở GD-ĐT, các đại học, học viện, viện, trường ĐH-CĐ trên địa bàn các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam và Hà Nội.

Bộ GD-ĐT yêu cầu các đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; thông tin kịp thời, đầy đủ đến lãnh đạo các trường, giáo viên, học sinh; nhất là vùng ven sông, suối, hạ lưu các hồ chứa, vùng thấp trũng để chủ động các biện pháp phòng tránh. Thực hiện các phương án đảm bảo an toàn tài sản, cơ sở vật chất các công trình trường, lớp học; cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn nếu cần thiết. Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai địa phương trong công tác ứng phó bão lũ, sơ tán giáo viên, học sinh khi có yêu cầu.

Bộ GD-ĐT cũng đề nghị Sở GD-ĐT các tỉnh thành, các đơn vị có kế hoạch phòng chống các dịch bệnh, kịp thời vệ sinh trường lớp, khắc phục hậu quả, chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất trường, lớp phục vụ công tác dạy và học sau bão. Phối hợp với các tổ chức, đoàn thể nhanh chóng khắc phục hư hại về cơ sở vật chất trường, lớp học để sớm ổn định hoạt động dạy và học. Đối với các trường bị thiệt hại nặng chưa thể khắc phục được trong thời gian ngắn thì cần bố trí nơi học tạm cho học sinh để đảm bảo chương trình, kế hoạch thời gian năm học 2017-2018.

Ngành Giao thông khẩn trương ứng phó cơn bão số 10

Trước nguy cơ ảnh hưởng lớn của cơn bão số 10 đến hệ thống giao thông khu vực miền Trung, ngày 14-9, Bộ GTVT đã  ban hành Công điện khẩn số 49 yêu cầu các cơ quan, đơn vị khẩn trương chuẩn bị lực lượng ứng phó, không để bị động trước thiệt hại do bão.

Theo đó, yêu cầu Đài Thông tin Duyên hải tăng cường thời lượng phát sóng, thường xuyên cập nhật, xử lý ngay thông tin và thông báo kịp thời diễn biến, hướng di chuyển của bão số 10 cho tàu thuyền ra khỏi hoặc không đi vào vùng nguy hiểm.

Cục Hàng hải Việt Nam chỉ đạo các Cảng vụ Hàng hải nắm chắc số lượng tàu thuyền, phương tiện vận tải thủy đang neo đậu tại cảng, vùng nước neo đậu quanh các đảo, luồng lạch và hướng dẫn tàu thuyền vào khu neo đậu an toàn.

Bộ GTVT cũng yêu cầu các đơn vị có báo cáo cụ thể số lượng tàu thuyền trước 24 giờ bão đổ bộ vào bờ; Chỉ đạo Trung tâm phối hợp TKCN Hàng hải Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng để tham gia cứu nạn, cứu hộ khi có lệnh. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chỉ đạo các Chi Cục và các Cảng vụ Đường thủy nội địa hướng dẫn tàu thuyền, phương tiện vận tải thủy vào khu neo đậu an toàn trong luồng lạch, vùng thủy nội địa, kịp thời thu hồi phao tiêu, báo hiệu khi có bão, lũ về.

Đặc biệt, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam tập trung vật tư, thiết bị khắc phục hậu quả do các đợt mưa, lũ vừa qua gây ra trên các tuyến quốc lộ. Chỉ đạo các Cục Quản lý đường bộ chuẩn bị vật tư dự phòng như dầm cầu thép, rọ thép, sẵn sàng ứng cứu, đảm bảo giao thông trên các tuyến quốc lộ và quốc lộ ủy thác. 

Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam thực hiện nghiêm ngặt chế độ tuần tra, chốt gác các công trình, vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm như: cầu, đường yếu, dễ bị ngập nước; khu vực hay xảy ra lũ quét, các đoạn đường đèo dốc, đá rơi, đất sụt, các khu vực đường sắt ở phía hạ lưu đê, đập thủy lợi, hồ chứa nước..

Theo Bộ GTVT, việc chủ động ứng phó cơn bão sẽ giúp giảm nhẹ thiệt hại và rút ngắn được rất nhiều thời gian khắc phục thiệt hại để giao thông thông suốt.

Sơ tán đảm bảo an toàn cho du khách tại các khu du lịch ven biển

Ngày 14-9, Bộ VH-TT-DL vừa ra văn bản khẩn cấp gửi Sở VH-TT-DL các địa phương nhằm chủ động phòng tránh bão và ảnh hưởng của hoàn lưu bão.

Theo đó Bộ VH-TT-DL gửi đề nghị Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Binh Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam và Hà Nội theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, phối hợp với các cấp, các ngành rà soát phương án 4 tại chỗ; sẵn sàng triển khai đối phó với các tình huống mưa lớn gây lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất. Phối hợp với các ngành chức năng thực hiện lệnh cấm biển; tổ chức hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền neo đậu an toàn; đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân và khách du lịch.

Chỉ đạo phòng tránh bão và sơ tán đảm bảo an toàn cho khách tại các khu du lịch ven biển; đặc biệt những nơi đang và sắp diễn ra các chương trình, sự kiện văn hóa, thể thao, giải trí có tập trung đông người cần có phương án đề xuất các cấp thẩm quyền đình hoãn hoạt động khi có tình huống nguy hiểm. Có kế hoạch gia cố, bảo vệ các thiết chế văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn. Triển khai và rà soát ngay các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, lũ ống để chủ động sơ tán, di dời khách du lịch. Bộ cũng yêu cầu sẵn sàng lực lượng, phương tiện và sử dụng các thiết chế văn hóa cơ sở để ứng cứu khi có yêu cầu.

Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên thông tin kịp thời và báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về tình hình ứng phó cơn bão, áp thấp nhiệt đới, thiệt hại xảy ra trên lĩnh vực quản lý ngành (nếu có) và báo cáo tổng họp chung bằng văn bản sau khi cơn bão kết thúc

Tin cùng chuyên mục