Ứng phó với phòng vệ thương mại: Doanh nghiệp cần chủ động hợp tác

Xu hướng sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại (PVTM) tại nhiều quốc gia ngày càng gia tăng nhằm tăng cường bảo hộ hàng hóa, sản xuất trong nước. Thực tế này đòi hỏi doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng và chủ động ứng phó với các vấn đề PVTM.  
Tại hội thảo “Kinh nghiệm xử lý các vụ việc điều tra PVTM của Australia” vừa tổ chức tại Hà Nội, ông Nguyễn Phương Nam, Phó cục trưởng Cục PVTM (Bộ Công thương), cho biết tính đến nay có hơn 120 vụ kiện PVTM liên quan tới hàng xuất khẩu của Việt Nam do nước ngoài khởi xướng điều tra. Các vụ kiện phòng vệ tập trung ở một số thị trường như EU, Hoa Kỳ, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Australia… Theo ông Nguyễn Phương Nam, số lượng vụ kiện PVTM áp dụng đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam những năm gần đây tăng đột biến. Cụ thể, chỉ tính riêng giai đoạn năm 2016-2017, có tới 23 vụ kiện PVTM.

Trong số các nước khởi kiện, Australia có tới 6 vụ liên quan đến chống bán phá giá, chống trợ cấp với nhôm ép, thép mạ kẽm, thép dây cuộn và tháp gió. “Đây là giai đoạn “bùng nổ” các vụ kiện từ phía Australia đối với các DN Việt. Australia cũng là một trong những quốc gia tích cực sử dụng công cụ PVTM. Tuy nhiên, Việt Nam đã xử lý tốt 2 vụ kiện đối với mặt hàng nhôm ép và thép mạ kẽm”, ông Nguyễn Phương Nam chia sẻ.
Kinh nghiệm cho thấy, bên cạnh nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc đáp ứng các yêu cầu, nghĩa vụ phòng vệ, nhưng nếu DN không chủ động phòng vệ thì vẫn thua kiện. “Ngược lại, khi chúng ta có ý định khởi kiện điều tra các sản phẩm của nước ngoài, thì cơ quan điều tra theo quy định của Việt Nam được quyền khởi xướng, nhưng cuối cùng vẫn cần có sự hợp tác, hỗ trợ từ phía DN để có số liệu”, ông Nguyễn Phương Nam nói. 

Điều mà các diễn giả tại hội thảo lo lắng là trong bối cảnh các vụ kiện ngày càng gia tăng nhưng ở trong nước nguồn nhân lực có kinh nghiệm về PVTM, cả trong lĩnh vực tư vấn pháp lý còn rất khan hiếm. Ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen, chia sẻ có ít văn phòng luật sư trong nước có kinh nghiệm ứng phó với các vấn đề PVTM, nhất là các vụ việc xảy ra ở nước ngoài. Trong khi đó, việc thuê luật sư nước ngoài rất tốn kém. Thêm nữa, trong vấn đề hợp tác với cơ quan điều tra và tuân thủ các quy định liên quan, DN thường e ngại và không cung cấp một số thông tin nhạy cảm có thể ảnh hưởng đến kinh doanh, dẫn đến bị kết luận không hợp tác và nhận biên phá giá cao nhất, không tuân thủ các thời hạn về nộp bản trả lời câu hỏi... 

Nhìn nhận về thực trạng này, Luật sư Đinh Ánh Tuyết, Công ty Luật IDVN, cho rằng có rất nhiều thách thức trong kháng kiện điều tra PVTM tại thị trường Australia. Điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đòi hỏi tất cả các nhà xuất khẩu nộp bản trả lời và có thể bị thẩm tra (tại chỗ hoặc từ xa). Cơ quan điều tra yêu cầu báo cáo số liệu nhiều, chi tiết, phức tạp và phải chứng minh được thời hạn trả lời ngắn. Trong khi đó, DN Việt Nam khá lúng túng trong công tác này, nhiều khi còn thờ ơ. 

Để có thể kháng kiện thành công tại thị trường Australia, Việt Nam cần xem xét kỹ lưỡng cáo buộc của nguyên đơn về chương trình trợ cấp và PMS (tình trạng thị trường đặc biệt); phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, hiệp hội trong việc cung cấp thông tin và giải trình chương trình bị cáo buộc cho cơ quan điều tra. Đối với DN, bà Đinh Ánh Tuyết lưu ý, cần cẩn trọng và phân tích kỹ bản câu hỏi, cáo buộc của nguyên đơn và các dữ kiện thực tế để xây dựng chiến lược thích hợp trước và trong khi chuẩn bị bản trả lời và báo cáo số liệu. Đặc biệt, cần chuẩn bị và được tư vấn về cách thức trả lời thông tin, xử lý số liệu. Bản trả lời và chiến lược biện hộ cần được thống nhất với bản trả lời, chiến lược của Chính phủ; hợp tác nhanh chóng và đầy đủ với luật sư của Chính phủ trong việc cung cấp thông tin, số liệu. 

Liên quan đến các DN, ông Nguyễn Phương Nam khẳng định việc kháng kiện các vụ điều tra PVTM rất khó, nếu DN không quan tâm sẽ rất dễ bị khởi kiện. Muốn áp dụng được công cụ PVTM, DN xuất khẩu phải có bộ phận chuyên trách về PVTM để đáp ứng kịp thời yêu cầu của cơ quan điều tra. Ngoài ra, trong quá trình hoạt động xuất nhập khẩu, các DN cần đặc biệt chú ý theo dõi hệ thống cảnh báo sớm về PVTM. Trong trường hợp hàng hóa gần đến ngưỡng cho phép hoặc tốc độ xuất khẩu nhanh, các DN buộc phải chuyển hướng thị trường để giảm bớt khả năng bị điều tra, khởi kiện cũng như áp dụng các biện pháp về PVTM nhằm giảm thiểu sự thiệt hại về kinh tế khi xảy ra vụ kiện.

Tin cùng chuyên mục