Ứng xử với tài nguyên nước

Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhận xét, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là “một châu thổ trẻ, rất mẫn cảm với mọi tác động lên nó”.
 Mà những tác động đến ĐBSCL - như đã được chỉ ra trong hội nghị Chính phủ về Chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu diễn ra trong 2 ngày 26 và 27-9 - sẽ ngày càng gay gắt và khó lường hơn bao giờ hết. 
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra nhận định rất rõ ràng: Tài nguyên đất - nước phải được coi là yếu tố cốt lõi, trung tâm, xuyên suốt quá trình hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển.
Không cần giải thích nhiều về tài nguyên đất, nhận thức chung của xã hội về tài nguyên nước (ở trường hợp của ĐBSCL, bao gồm cả nước ngọt, nước lợ và nước mặn) dường như vẫn còn chưa đầy đủ. Một báo cáo từ Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) mới đây đã chỉ ra rằng, Việt Nam nằm ở hạ nguồn các con sông liên quốc gia lớn, với khoảng  63% tổng lượng nước trung bình hàng năm được sản sinh ngoài lãnh thổ. Điều này có nghĩa là tài nguyên nước của ta phụ thuộc rất lớn vào việc bảo vệ, khai thác, sử dụng nước của các quốc gia thượng nguồn. 
Với khu vực ĐBSCL, cuối tháng 6 vừa qua, Bộ TNMT vừa phê duyệt Đề án “Điều tra, đánh giá việc khai thác, sử dụng nước dưới đất, tác động đến sụt lún bề mặt đất khu vực thành phố Hà Nội, TPHCM và ĐBSCL”. Đề án sẽ được thực hiện từ nay đến hết năm 2020. Nhưng không cần phải chờ đến lúc đề án này kết thúc, thực tế đã cho thấy vấn đề bảo vệ tài nguyên nước nói chung và ở khu vực này nói riêng là rất cần thiết. Năm 2017, người dân ĐBSCL đón “lũ hiền”, sau nhiều năm khô hạn gay gắt. Trong suốt khoảng thời gian 2010-2016, ĐBSCL chỉ có mùa nước nổi ở một số nơi. Mùa khô năm 2016, dòng chảy tại khu vực thượng nguồn sông Mê Công đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 90 năm qua.
Theo PGS-TS Đoàn Văn Cánh (Hội Địa chất Thủy văn Việt Nam), trữ lượng nước ngầm có thể khai thác được của ĐBSCL đã tụt giảm nghiêm trọng (xuống 15m) so với một thập kỷ trước. Ngoài nguyên nhân khách quan (diễn biến theo quy luật tự nhiên của tài nguyên nước, điều kiện khí hậu, thủy văn, tác động của biến đổi khí hậu), những nguyên nhân chủ quan (như khai thác quá mức, sử dụng lãng phí, gây ô nhiễm...) xảy ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội đã ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng, trữ lượng nguồn nước, gây ra hạn hán, xâm nhập mặn sớm... Chỉ riêng đợt xâm nhập mặn năm 2016 ở ĐBSCL đã gây thiệt hại kinh tế gần 6.000 tỷ đồng. PGS-TS Đoàn Văn Cánh nhấn mạnh, nếu như trước kia, chỉ cần đào sâu khoảng 100m đã có thể khai thác được nguồn nước ngọt đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, thì hiện nay phải đào sâu gấp đôi nhưng vẫn có một tỷ lệ lớn nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn, nhiễm hóa chất không sử dụng được, trong đó có thạch tín - một chất độc tiềm ẩn mối nguy hiểm cho sức khỏe con người.
Đã đến lúc phải sòng phẳng hơn trong việc ứng xử với tài nguyên nước. Luật Tài nguyên nước được Quốc hội khóa XIII thông qua (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013) có điểm mới quan trọng là thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước để bảo đảm công bằng trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước và nâng cao ý thức sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn nước. Theo đó, quyền khai thác tài nguyên nước được coi như là quyền tài sản và được định giá cụ thể. Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước là khoản thu của chủ sở hữu khi cho các chủ thể khác sử dụng tài sản của mình, tương tự như khoáng sản, đất đai… Và một thời gian sau đó, ngày 17-7-2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2017/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, có hiệu lực từ ngày 1-9-2017.
Như thế vẫn chưa đủ. Cần sớm có quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước ĐBSCL, từ đó thực thi các giải pháp chuyển đổi cơ cấu kinh tế, hướng tới mục tiêu sử dụng nước hiệu quả nhất. Đến nay, theo Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, bản quy hoạch này mới đang được xúc tiến xây dựng. Đề án quy hoạch hết sức quan trọng này cần đặt ưu tiên hàng đầu để có cơ chế quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên nước. 

Tin cùng chuyên mục