Ước mơ biến rác thành tiền

Ước mơ biến rác thành tiền

61 tuổi, mắt trái hỏng, mắt phải thị lực yếu, ông Trần Mạnh Du  (thương binh hạng 2/4), Giám đốc Công ty TNHH vệ sinh môi trường Lương Sơn, góp công đầu làm sạch đẹp môi trường ở huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Không chỉ nổi danh khi di dời “đồi rác” ở chợ Lương Sơn mà còn nổi tiếng là “vua” thồ rác từ khi là Tổ hợp vệ sinh môi trường Lương Sơn.

  • Bỏ “quan” đi gom rác

Ông không có nhiều xe thồ để chở rác mà chính công việc thồ rác hàng ngày của ông đã được mọi người yêu mến đặt cho cái tên “vua” thồ rác. Không ai như ông, đường đường cũng là một quan chức trong UBND thị trấn huyện Lương Sơn, nhưng ông xin nghỉ để ngày hai buổi cùng hai con trai đi… gom rác thải. Rác thải tận hang cùng ngõ hẻm của các chợ huyện được ông dọn sạch qua từng chuyến xe thồ.

Ước mơ biến rác thành tiền ảnh 1

Ông Trần Mạnh Du

Tháng 4-1998, ông Du đăng ký thành lập Tổ hợp vệ sinh môi trường huyện Lương Sơn. Cơ sở vật chất ban đầu chỉ có 2 chiếc xe thồ và 3 lao động (3 bố con ông Du), hằng ngày chăm chỉ “tha” đống rác lớn ngay vách chợ Lương Sơn đi đổ cách đó 5km. Ban đầu, ai cũng bảo bố con ông… khùng. Nhưng chỉ ít lâu sau, “đồi rác” biến mất, chợ sạch đẹp, đường phố khang trang đã khiến bà con nể phục.

Bố con ông được thuê làm vệ sinh cho chợ Lương Sơn, mọi người thương và gom tiền trả công. Ông Du kể: “Vợ tôi ra đi sớm để lại tôi và 5 đứa con thơ dại. Những ngày đầu làm không có tiền công nên 6 bố con không có tiền mua gạo, được bữa trưa thì thưa bữa tối. Nhưng tôi quyết không nản chí, không bỏ nghề”. Được trả công, ông vừa dè xẻn chi tiêu cho gia đình, vừa dành dụm tiền mua… xe công nông để chở rác.

Rác thải sinh hoạt gia tăng, công việc ngày càng phát triển, ông Du thuê thêm 11 lao động làm việc từ 4 đến 6 tiếng/ngày. Tất cả đều được ông lo đầy đủ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Những ngày lễ, tết, công nhân dọn rác không kịp, người ta lại thấy xắn tay áo cùng làm với công nhân. Chị Vũ Thị Khuyến tâm sự: “Bác Du rất chân thật, thẳng thắn, cởi mở nên công nhân chúng tôi ai cũng yêu quý. Nhờ bác ấy mà chúng tôi có việc làm ổn định, nhất là môi trường ở Lương Sơn sạch đẹp hơn rất nhiều”.

Mới đây, ông Du đã vay vốn ngân hàng, bạn bè được trên 1 tỷ đồng, đầu tư mua 1 xe ép rác, 1 xe tải chuyên chở rác, một máy xúc, 40 chiếc xe đẩy tay chuyên dụng để phục vụ công việc hiện đại hơn, chuyên nghiệp hơn. Tháng 4-2008, lại thêm một bước dài trên con đường lập nghiệp của ông Du khi Công ty TNHH vệ sinh môi trường Lương Sơn ra đời. Lao động công ty giờ đã lên tới 25 người, chia thành 3 tổ thu gom, 1 tổ thu phí và 1 tổ lái xe. Mỗi ngày, công nhân chỉ làm từ 4-6 tiếng, thu nhập bình quân trên 1,2 triệu đồng/người/ tháng.

Hằng ngày ông Du vẫn đi “thị sát” ở từng tuyến đường, con hẻm... để kiểm tra việc thu gom rác và lắng nghe ý kiến người dân. Bà cụ Hiên, 82 tuổi, ở khối 8 thị trấn cho hay: “Từ khi có anh qua Du thu gom rác, tôi không còn thấy cảnh rác vứt vương vãi ra đường, phố sạch đẹp hẳn lên, tôi thấy yên tâm lắm”. Đến nay, ông Du đã nhận được hơn chục bằng khen và giấy khen của Bộ TN-MT, UBND tỉnh Hòa Bình... trao tặng.

  • Đeo đuổi ước mơ 

Để mở rộng hoạt động công ty, mới đây, ông Du đã đề nghị UBND thị trấn và huyện Lương Sơn cho mở rộng địa bàn thu gom rác thải sinh hoạt và mở thêm văn phòng đại diện tại xã Trung Sơn để tiệc việc thu gom, quản lý. Nuôi ước mơ biếc rác thành tiền, ông đã cho người con thứ hai đi xuất khẩu lao động, với tâm nguyện sẽ dành dụm chút vốn sau này trở về quê hương tiếp tục thực hiện giấc mơ của ông. Con gái ông cũng theo học kế toán, để làm trợ thủ đắc lực cho cha về tài chính lâu dài.

Tháng 2-2008, đang bàn về dự án xây dựng nhà máy chế biến rác thải thì ông Du bị nhồi máu cơ tim, tưởng chừng không qua nổi. Phải mất 6 tháng điều trị, sức khỏe của ông giờ mới hồi phục phần nào. Hiện dự án xây dựng nhà máy chế biến rác thải thành chất đốt công nghiệp và phân bón tổng hợp (mức vốn đầu tư trên 70 tỷ đồng) của ông đã hoàn tất, đã trình lên UBND tỉnh Hòa Bình, đang chờ phê duyệt.

DOÃN XUÂN

Tin cùng chuyên mục