Ước mơ chiếc cầu qua sông Ngàn Sâu

Có mặt tại bến đò Bình Quang (thôn Liên Hòa, xã Đức Liên, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tỉnh) chúng tôi không khỏi rùng mình trước cảnh tượng dưới sông Ngàn Sâu nước chảy xiết, những con trâu đang bơi lội kéo chiếc xe lốp chất đầy những bó lúa vừa gặt vượt sông.
Để vận chuyển nông sản về nhà, người dân Đức Liên sử dụng trâu kéo vượt sông Ngàn Sâu
Để vận chuyển nông sản về nhà, người dân Đức Liên sử dụng trâu kéo vượt sông Ngàn Sâu
Cạnh đó, trên chiếc đò ngang cũ kỹ, nhiều học sinh, người dân, xe đạp, xe máy cũng đang tròng trành vượt sông, nhưng không một ai có áo phao hay vật dụng cứu sinh... 

Bà Nguyễn Thị Vân (50 tuổi, ở thôn Bình Quang), cho biết: Đã hơn 28 năm làm nghề chèo đò trên sông Ngàn Sâu, hàng ngày bắt đầu từ 5 giờ đến hơn 19 giờ, tiền công do hợp tác xã trả 21 triệu đồng/năm. “Sông ở đây sâu, nước chảy xiết, đò lại thô sơ xuống cấp, biết là nguy hiểm, nhưng vẫn phải gắn bó thôi vì đây là con đường độc đạo. Giờ tuổi đã cao, sức khỏe yếu, cũng phải giải nghệ, nhưng lo lắng sẽ không còn ai tiếp tục chèo đò nữa. Tôi ước mơ tại khúc sông này sẽ xây dựng một chiếc cầu kiên cố để giúp dân”, bà Vân nói. Cũng theo bà Vân, đầu năm 2017, đò chở khoảng 30 người, 4 xe máy và nông cụ khi sang gần bờ bên kia thì bị lật vì quá tải. Rất may không bị xảy ra thương vong.

Xã Đức Liên có 6 thôn, gồm Liên Châu, Liên Hòa (đây là 2 thôn “ốc đảo” ở bên kia bờ sông Ngàn Sâu và nằm biệt lập hoàn toàn với trung tâm xã), Bình Quang, Tân Lệ, Đồn Thượng, Hội Trung (ở trung tâm xã). Hàng ngày người dân thôn Bình Quang, Tân Lệ phải thức dậy sớm đưa trâu, xe kéo và đi đò vượt sông sang cánh đồng Vời ở thôn Liên Châu, Liên Hòa để thu hoạch lúa, sau đó lại vất vả vận chuyển bằng xe trâu kéo vượt sông trở về nhà. Trong khi đó, gần 300 học sinh các cấp ở thôn Liên Châu, Liên Hòa hàng ngày phải đi đò sang trung tâm xã học. Còn người dân đi chợ hoặc sang trung tâm xã cũng phụ thuộc vào đò. 

Ông Trần Văn Tăng (64 tuổi, ở thôn Tân Lệ), cho biết: Hầu hết hoa màu của người dân thôn Tân Lệ, Bình Quang đều nằm ở bên kia sông Ngàn Sâu, đến vụ mùa thu hoạch quá khổ cực và nguy hiểm tính mạng, vì phải dùng trâu kéo lúa vượt sông đưa về nhà. Trước đây, nhà nào cũng có 1 con đò nhỏ để chở lúa, lạc (đậu phộng), ngô bắp… qua sông, nhưng do số lượng chở được ít vì đò dễ bị chìm và vận chuyển từ ruộng ra bờ sông vất vả, tốn thời gian với quãng đường 3-4km, nên sau này người dân chế tạo ra xe trâu kéo vượt sông vừa tiết kiệm thời gian, sức lao động, vừa chở được nhiều (300 - 500kg/chuyến); nhưng dùng xe trâu kéo cũng nguy hiểm. Đã có nhiều trường hợp bị nước cuốn lật trôi cả trâu và xe nông sản mất trắng, may mắn người bơi được vào bờ thoát nạn. 

Theo UBND xã Đức Liên, diện tích đất tự nhiên của xã là 2.662ha, trong đó đất canh tác hoa màu hơn 320ha (tập trung ở thôn Liên Châu và Liên Hòa). Dân số toàn xã là 2.662 nhân khẩu, gần 700 hộ. Trong đó, các thôn nằm giáp sông có khoảng 500 hộ với 1.800 nhân khẩu… Đức Liên là xã đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư theo Chương trình 135 của Chính phủ, thu ngân sách năm 2016 chỉ đạt 130 triệu đồng; cuộc sống người dân chủ yếu dựa vào trồng lúa, thu nhập bình quân cuối năm 2016 đạt 27 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã 16%, mới đạt 9/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới...

Theo ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Đức Liên, cho hay: Người dân thôn Bình Quang, Tân Lệ phụ thuộc hoàn toàn vào đất canh tác hoa màu bên kia sông khu vực đồng Vời và đất rừng ở thôn Liên Châu, Liên Hòa. Mùa nắng còn thuận lợi, mùa mưa lũ thì khó khăn, phức tạp, nguy hiểm vô cùng mỗi khi qua sông. Trước đây, khoảng năm 1946, tại sông Ngàn Sâu từng xảy ra lật đò làm hơn 30 người chết. Năm 2011, có 3 cán bộ Công an huyện Vũ Quang đi làm nhiệm vụ cũng bị lật đò hy sinh... Không chỉ có người dân, mà xã đã rất nhiều lần có văn bản, tờ trình kiến nghị lên huyện, tỉnh xây dựng cầu dân sinh bắc qua sông nhưng đến nay không có kết quả.

Năm 2012, có đoàn cán bộ về khảo sát đo đạc địa chất để xây cầu dân sinh, người dân phấn khởi và hy vọng, nhưng từ đó đến nay không thấy hồi âm. “Mỗi ngày phải chứng kiến cảnh người dân chen chúc nhau lên đò sang sông Ngàn Sâu đi làm đồng, làm rừng; các cháu học sinh phải vượt sông bằng đò thô sơ để đến trường đi học… mà nơm nớp lo sợ”, ông Hùng chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục