Uớc mơ dạy vẽ cho trẻ em khuyết tật của người thầy câm điếc bẩm sinh

Với mong muốn giúp các em nhỏ khuyết tật có thể hòa nhập cộng đồng, vẽ nên những giấc mơ bằng hội họa, thầy Phan Minh Thông, giáo viên Trường Chuyên biệt Khiếm thính Hy vọng Bình Thạnh (quận Bình Thạnh, TPHCM) đã tận tình dạy vẽ cho các em. Là người câm điếc bẩm sinh, thầy Thông lại càng có sự sẻ chia sâu sắc với học trò của mình.

Thầy Phan Minh Thông tận tình dạy vẽ cho học trò ở Trường Chuyên biệt Khiếm thính Hy vọng Bình Thạnh
Thầy Phan Minh Thông tận tình dạy vẽ cho học trò ở Trường Chuyên biệt Khiếm thính Hy vọng Bình Thạnh

Tuổi thơ đầy khó khăn và ý chí vươn lên

Xuất thân trong một gia đình có 3 anh em, nhưng không may từ nhỏ, thầy Phan Minh Thông bị câm điếc bẩm sinh do di chứng của căn bệnh sốt rét. Có thể nói, con đường mà người thầy giáo này trải qua đầy chông gai, khó khăn, lắm lúc hoang mang, chới vơi. Thầy Thông chưa một lần cảm nhận được những âm thanh của cuộc sống, chưa một lần cất được tiếng gọi "ba ơi!", "mẹ ơi!"...

"Có phải chăng ông trời đã quá bất công với mình?" Đó là câu hỏi mà thầy Thông trăn trở suốt một thời gian dài. Bằng nghị lực, sự phấn đấu của mình, thầy Thông tìm đến Trường Chuyên biệt Khiếm thính Hy vọng Bình Thạnh. Chính nơi này đã tạo môi trường học tập và thắp lên ước mơ, khát vọng sống cho thầy.

Uớc mơ dạy vẽ cho trẻ em khuyết tật của người thầy câm điếc bẩm sinh ảnh 1 Trường Chuyên biệt Khiếm thính Hy vọng Bình Thạnh là nơi chắp cánh ước mơ cho thầy Phan Minh Thông
Cảm nhận bản thân mình có năng khiếu về mỹ thuật, từ lúc học tập tại trường, thầy Thông đã học cách giao tiếp với mọi người bằng ngôn ngữ ký hiệu và dành nhiều thời gian cho việc học vẽ. Năm 2006, thầy tốt nghiệp bằng cử nhân mỹ thuật tại Trường Đại Học Mỹ Thuật TPHCM, hoàn thành được niềm đam mê và ước mơ bấy lâu. Thầy Thông cũng chính là người câm điếc đầu tiên nhận được bằng đại học tại Việt Nam.

Ước mơ dạy vẽ cho các em khuyết tật

Sau khi tốt nghiệp tại Trường Đại học Mỹ Thuật TPHCM, thầy Phan Minh Thông được nhận học bỗng tài trợ du học tại Hàn Quốc về mỹ thuật. Tuy nhiên, thầy từ bỏ việc du học vì ước mơ dạy vẽ cho trẻ khuyết tật tại chính ngôi trường mình đã lớn lên luôn thôi thúc thầy.

Gắn bó với ngôi trường này đã hơn 10 năm nay, không lúc nào thầy Thông bỏ bê công việc của mình dù đồng lương ít ỏi. Có lẽ, cái tình, cái nghĩa sâu nặng đã khiến thầy gắn bó với nơi này cho đến tận hôm nay.

Khi nhắc đến học trò của mình, thầy Thông mỉm cười chia sẻ: "Đa phần các em học sinh ở đây đều giống như tôi, đều bị câm điếc bẩm sinh nên tôi thấy rất thương. Dạy các em thật sự rất khó, nhưng tụi nhỏ ham học quá nên tôi càng phải cố gắng. Tôi vui khi thấy các em ngoan, nhiều em còn vẽ rất đẹp nữa".

Đối với công việc dạy vẽ của mình, thầy Thông luôn cần mẫn, chu đáo. Thầy luôn tìm ra những phương pháp dạy vẽ thật gần gũi, dễ hiểu để dạy cho các em. Mặc dù trao đổi với các em bằng ngôn ngữ ký hiệu, nhưng có lẽ vẫn còn có một sợi dây vô hình gắn kết giữa thầy và trò.

Uớc mơ dạy vẽ cho trẻ em khuyết tật của người thầy câm điếc bẩm sinh ảnh 2 Thầy Thông luôn gần gũi, gắn kết với học trò
Thầy thường dặn dò những học trò của mình: "Học vẽ không khó, quan trọng là chúng ta phải cố gắng luyện tập, hãy nhìn những gì mà các em thấy rồi vẽ ra, cố gắng thì mới có thể trở thành họa sĩ được".

Và thành quả mà người thầy nhận được đó là những tác phẩm được hoàn thiện bởi chính các học trò của mình. Nhìn thấy các em ngày càng có đam mê với hội họa, thầy Thông càng dạy lại càng say sưa.

Uớc mơ dạy vẽ cho trẻ em khuyết tật của người thầy câm điếc bẩm sinh ảnh 3 Những tác phẩm được hoàn thiện bởi chính các học trò của thầy Thông
Cô Nguyễn Thị Thân, Hiệu trưởng Trường Khiếm thính Hy vọng Bình Thạnh chia sẻ: "Thầy Thông là một người rất chịu khó, tận tâm và rất thương các em. Thông từng lớn lên ở ngôi trường này nên các cô ở đây đều xem Thông như là đứa con lớn trong ngôi nhà này, rất thương và quý trọng những gì mà Thông dành cho các em nhỏ tại đây".

Gia đình, chỗ dựa tinh thần

Đối với thầy Thông, gia đình luôn là nơi cho thầy nhiều sức mạnh và niềm tin nhất. Nơi đó có người vợ luôn san sẻ cùng thầy những buồn vui trong cuộc sống. Hai vợ chồng thầy đều là người câm điếc bẩm sinh nên lại càng có sự sẻ chia, thấu hiểu.

Họ đã cùng nhau vượt qua biết bao nhiêu chông gai để tìm được hạnh phúc. Thầy Thông tâm sự: "Hạnh phúc lớn nhất của tôi là có gia đình làm chỗ dựa tinh thần. Tôi có đứa con gái nhỏ năm nay học lớp 4, may mắn khi cháu phát triển bình thường như những đứa trẻ khác. Đó là điều tôi hạnh phúc nhất".

Ngoài việc dạy học, thầy Thông còn vẽ tranh tại nhà và nhận vẽ trang trí, vẽ chân dung tại các dịp lễ hội. Đây là công việc giúp thầy mưu sinh và cũng để thỏa đam mê của mình. Có gia đình luôn ủng hộ và đồng hành nên với thầy, mọi khó khăn rồi cũng qua.

Uớc mơ dạy vẽ cho trẻ em khuyết tật của người thầy câm điếc bẩm sinh ảnh 4 Một tác phẩm tranh chân dung do thầy Thông vẽ
Thầy Thông tâm sự: "Tôi mong mình có thể dạy vẽ cho nhiều em nhỏ có hoàn cảnh giống như tôi. Tôi mong các em không mặc cảm với cuộc đời mà luôn vui tươi, lạc quan".

Tin cùng chuyên mục