Ước vọng về chương trình y khoa miễn phí

Các thiết bị mang tên “BSP”
Ước vọng về chương trình y khoa miễn phí

Tại hội nghị khoa học của Hội Tai - Mũi - Họng (TMH) TPHCM và các tỉnh phía Nam vào cuối tháng 1-2013, bác sĩ Nguyễn Vĩnh Phước đã báo cáo về sáng chế “Bộ súng nội soi chẩn đoán BSP 1”. Đó là một dụng cụ nhỏ, gọn, nhẹ (400gr) nhưng hiệu quả hình ảnh không kém gì các thiết bị nội soi hiện đại. Qua thông tin từ bạn đọc, chúng tôi đã tìm gặp người bác sĩ tài năng này.

Bác sĩ Nguyễn Vĩnh Phước dùng súng nội soi chẩn đoán BSP 1 khám tai cho bệnh nhân. Hình ảnh về tổn thương hiện rõ trên màn hình.

Bác sĩ Nguyễn Vĩnh Phước dùng súng nội soi chẩn đoán BSP 1 khám tai cho bệnh nhân. Hình ảnh về tổn thương hiện rõ trên màn hình.

Các thiết bị mang tên “BSP”

Say mê ngành cơ khí nhưng khi tốt nghiệp phổ thông trung học (năm 1980), Nguyễn Vĩnh Phước lại phải nộp hồ sơ thi vào Đại học Y Dược TPHCM (nay là Đại học Y TPHCM), do mẹ anh muốn người con duy nhất nối nghiệp y của cha - là liệt sĩ hy sinh tại chiến trường miền Nam vào năm 1973. Ra trường, về công tác tại Khoa TMH của Bệnh viện Thống Nhất, và nay trở thành Trưởng khoa này, bác sĩ Nguyễn Vĩnh Phước vừa tiếp tục học tập nâng cao trình độ chuyên môn, vừa thực hiện niềm say mê cơ khí từ bé của mình, nghiên cứu chế tạo các máy móc, thiết bị phục vụ cho việc khám chữa bệnh. Sau 3 năm (từ 1995 đến 1997) liên tục giành được các giải cao tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật TPHCM, bác sĩ Phước lui về “hậu trường”.

Tuy không tham gia dự thi nữa nhưng các sản phẩm mới mang tên “BSP” (viết tắt chữ bác sĩ Phước) vẫn “ra lò”, với tiêu chí giá rẻ hơn các sản phẩm cùng loại ngoại nhập mà chất lượng vẫn tương đương, nhằm giảm chi phí điều trị cho bệnh nhân. Miếng merocel BSP là một ví dụ. Với công dụng cầm máu trong phẫu thuật mũi, xoang hoặc những trường hợp bị chảy máu mũi, miếng merocel ngoại nhập đang bán trên thị trường với giá từ 120.000 đến 140.000 đồng/miếng (dùng một lần rồi bỏ). Số tiền này không phải là nhỏ, nhất là đối với người dân vùng sâu, vùng xa hoặc những ca mổ bị chảy máu nhiều, phải dùng nhiều miếng.

Merocel BSP có chất lượng gần bằng hàng ngoại nhưng giá chỉ 15.000 đồng/miếng. Hoặc bộ ống rửa mũi xoang, 10 cây với giá 700.000 đồng, thiết bị này kết hợp với nội soi đã mang lại hiệu quả điều trị cao cho những bệnh nhân bị viêm xoang mãn, viêm xoang cấp mà không cần phải phẫu thuật như trước kia.

Từ những gợi ý của thầy Huỳnh Khắc Cường, Chủ nhiệm bộ môn TMH của Đại học Y Phạm Ngọc Thạch, suốt hơn 4 năm qua, bác sĩ Phước đã nghiên cứu chế tạo bộ súng nội soi. Sau nhiều lần thất bại, “bộ súng nội soi chẩn đoán BSP 1” (nội soi được cả tai, mũi và họng) đã thành công. So với giàn máy nội soi, súng “3 trong 1” này có nhiều ưu điểm: gọn nhẹ, thích hợp để mang đi khám sức khỏe hàng loạt, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa hoặc khám cho những bệnh nhân không di chuyển được; thao tác sử dụng rất nhanh; bệnh nhân được trực tiếp nhìn thấy tổn thương… Giá của “súng 3 trong 1” khoảng 28 triệu đồng/cây (giàn máy nội soi loại rẻ hiện có giá từ 40 đến 50 triệu đồng) và chi phí khám bệnh cũng thấp hơn so với dùng máy vì không phải tiệt trùng dụng cụ (do dùng ống loa nhựa xài một lần rồi bỏ, giá chỉ 800 đồng/ống). Nhờ các ưu điểm này nên vừa mới “ra lò”, súng “3 trong 1” đã được một số bác sĩ đặt hàng.

Chương trình y học cho mọi người

Một ngày đầu tháng 4-2001, Giáo sư Võ Tấn, chuyên gia hàng đầu về TMH của y khoa Việt Nam, nhận được lá thư của học trò cũ Nguyễn Vĩnh Phước: “Kính thưa thầy, hôm lễ mừng thọ 80 tuổi của thầy, được biết ý nguyện của thầy muốn viết lại một bộ sách chuyên khoa TMH với ý nguyện được phổ biến rộng rãi kiến thức chuyên ngành TMH. Nay em đang viết chương trình vi tính “Y học cho mọi người”, chương trình này mang tính xã hội phi lợi nhuận, vì vậy em dự định đưa bộ sách “TMH thực hành” gồm 3 tập của thầy vào chương trình này, với sự đóng góp những kiến thức mới của các anh chị bác sĩ đồng nghiệp cùng bản thân em, và xin ý kiến chỉ đạo của thầy để chỉnh lại một số phần hiện nay không còn phù hợp nữa. Xin nhận được ý kiến quyết định của thầy”.

Lời đề nghị này được Giáo sư Võ Tấn vui vẻ chấp thuận. Ông còn đích thân viết thư cho từng bác sĩ giỏi của chuyên ngành TMH, mời tham gia bổ sung kiến thức mới vào chương trình vi tính nói trên. Được sự góp sức của nhiều đồng nghiệp và các sinh viên y khoa, sau 10 năm thực hiện, Ebook (sách điện tử) “Tai Mũi Họng - Võ Tấn và cộng sự” đã được đưa vào tra cứu vào cuối năm 2012 với khoảng 100 bài viết (tại trang web www.taimuihongbsp.com), cung cấp thông tin hoàn toàn miễn phí. Bác sĩ Phước cho biết, sau khi hoàn thành giai đoạn 1 vào tháng 6-2013, những người thực hiện sẽ xin ý kiến của Hội TMH và bộ môn TMH của Đại học Y Phạm Ngọc Thạch để thực hiện tiếp giai đoạn 2. Ước vọng của những người thực hiện là phổ biến rộng rãi các kiến thức về chuyên ngành TMH, không chỉ dành riêng cho ngành y mà còn phục vụ cho người dân muốn tìm hiểu thông tin về các bệnh lý TMH.

Phong Lan

Tin cùng chuyên mục