Ưu tiên của AEPW

Liên minh Chấm dứt rác thải nhựa (AEPW) vừa cho biết sẽ dành nhiều ưu tiên trong quỹ 1 tỷ USD của mình cho việc xử lý rác thải nhựa tại Đông Nam Á. 

AEPW là một liên minh toàn cầu gồm 40 công ty, trong đó có những tên tuổi lớn như ExxonMobil, Chevron Phillips Chemical, Shell, Procter & Gamble... Liên minh này đã cam kết 1 tỷ USD cho quỹ chống rác thải nhựa khi quỹ này được khởi động đầu năm nay, và cam kết góp thêm nửa số tiền trên trong 5 năm tới.

Theo AEPW, sự tập trung số lượng lớn chất thải nhựa ở khu vực Đông Nam Á, một trong những nơi gây ô nhiễm biển tồi tệ nhất thế giới, là kết quả của sự thiếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng quản lý chất thải. Ước tính, khoảng 8 triệu tấn nhựa mỗi năm được thải ra đại dương. Cho nên, AEPW cho biết số tiền trên sẽ được tài trợ cho các đối tác thành phố và cơ sở hạ tầng để hỗ trợ quản lý và xử lý rác thải tại các nước Đông Nam Á. Ông Jim Seward, Phó Chủ tịch Công ty sản xuất hóa chất LyondellBasell, thành viên của AEPW, cho biết: “Chúng tôi thừa nhận rằng Đông Nam Á là một khu vực chúng tôi muốn chú ý nhiều nhất. Chúng tôi muốn chứng tỏ rằng vấn đề sẽ được giải quyết”.

Đông Nam Á đang ngập trong rác thải nhựa chuyển đến từ các nước phát triển như Mỹ, Australia và Anh kể từ năm ngoái, sau khi Trung Quốc quyết định ngừng nhập khẩu loại rác này. Theo The Asean Post, Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam đã trở thành nơi thay thế cho bãi rác thế giới ở Trung Quốc. Lệnh cấm nhập khẩu chất thải của Trung Quốc vào đầu năm 2018 đã phá vỡ một ngành công nghiệp xử lý hơn 7 triệu tấn chất thải nhựa mỗi năm. Malaysia bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi hàng loạt nhà máy tái chế rác từ Trung Quốc chuyển đến Malaysia, hậu quả của lệnh cấm trên. Theo đó, Malaysia đã tiếp quản 456.000 tấn nhựa của Trung Quốc trong năm 2016 và 316.600 tấn trong năm 2017.

Tuy nhiên, Đông Nam Á đã thức tỉnh. Tháng 6 vừa qua, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã thừa nhận rác thải nhựa là một vấn đề lớn đối với khu vực này và thông qua một tuyên bố chung nhằm chống lại rác thải nhựa trên biển. Nhiều cá voi và rùa biển đã được phát hiện chết do chứa quá nhiều rác thải nhựa trong dạ dày. Năm ngoái, Malaysia đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu rác thải nhựa. Thái Lan cũng tuyên bố sẽ ngừng nhập khẩu rác thải nhựa vào năm 2021. Ngày 27-8 vừa qua, Malaysia tuyên bố sẽ gửi trả gần 200 container được cho là chứa rác thải nhựa. Bộ Môi trường Malaysia cho biết, nước này đã gửi trả ít nhất 10 container rác thải nhựa cho nhiều nước khác nhau và đóng cửa 155 nhà máy tái chế rác trái phép. Nhưng nhà chức trách đang gặp khó khăn để xác định nguồn gốc xuất xứ của 198 container nữa đang lưu tại 3 cảng biển của nước này. Không container nào trong số này có các giấy phép cần thiết để được nhập cảnh. Nói cách khác, số rác này đã bị “bỏ rơi”.

Mặc dù Đông Nam Á có “tội” đổ nhựa vào đại dương, nhưng các ngành công nghiệp cũng phải nhận một phần trách nhiệm vì thiếu quy trình sản xuất hàng hóa thân thiện với môi trường. AEPW thông báo, từ đây những nỗ lực của họ sẽ tập trung vào quy trình chuỗi cung ứng và sản xuất tốt hơn.

Tin cùng chuyên mục