Vacxin ngừa dại nào dễ gây tai biến?

Tại nước ta, hiện có 2 loại thuốc chủng ngừa bệnh dại, một sản xuất trong nước và một là thuốc ngoại nhập với giá chênh lệch khá xa. Trong 2 tháng qua, tình trạng chích ngừa dại đã gây tai biến khiến nhiều người hoang mang. Vì sao chích ngừa dại lại bị tai biến trầm trọng?

Vacxin ngừa dại Fuenzalida (Rabivax-II): Rẻ nhưng tỷ lệ gây tai biến cao

Đó là các vacxin dạng đông khô, còn có tên là Rabivax-II do Công ty Vacxin & Sinh phẩm số II (Nha Trang-Khánh Hòa) sản xuất. Trong năm 2006, cả nước có 8 trong tổng số 400.000 ca tiêm vacxin phòng dại nội bị tai biến nặng như liệt, viêm não, viêm tủy dị ứng, mất khả năng lao động.

Vacxin Fuenzalida được bào chế từ tế bào não chuột, chích từ 4-6 lần, cách 2 ngày chích một lần, mỗi lần 0,2ml (trẻ em chích mỗi lần 0,1ml). Vacxin này có ưu điểm là rẻ (10.000đ/liều) do trong nước sản xuất,  giảm dần số lần tiêm và lượng tiêm  nhưng tỷ lệ phản ứng thuốc nhiều và tỷ lệ gây tai biến nặng cũng cao (tỷ lệ viêm não sau tiêm ngừa khoảng 1/8.000). Vì thế, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo không nên dùng Fuenzalida. Các nước Thái Lan, Philippines, Sri Lanka đã ngưng dùng vacxin này từ giữa thập niên 90 để chuyển sang dạng vacxin nuôi cấy tế bào.

Để giảm giá thành vacxin ngoại nhập sản xuất theo kỹ thuật mới, các đơn vị nhập khẩu sẽ tiến hành đàm phán nhập nguyên liệu sản xuất dạng tế bào rồi tự đóng gói trong nước để giảm giá thành, khoảng  150.000đ/liều. Thực tế cho thấy, hàng năm có khoảng 600.000-700.000 người tiêm vacxin dại nhưng chỉ có khoảng 150-200 người tiêm vacxin ngoại.

Vacxin Verorab: An toàn nhưng đắt gấp 10 lần

Là sản phẩm của Aventis Pasteur (Pháp) được bào chế từ tế bào thận khỉ, tiêm 5 lần ở cơ delta của cánh tay. Thuốc dạng đông khô chứa virus bệnh dại chủng Wistar rabies cùng với dung môi 0,5 ml. Tiêm vào các ngày 0,  3, 7, 14, 28. Giá thuốc nhập cao, khoảng 170.000đ/liều. Hiện nay, để giảm chi phí, kỹ thuật tiêm được cải tiến bằng cách sử dụng phác đồ tiêm trong da 0,1ml Verorab x 2 lần, mỗi lần một tay khác nhau vào các ngày 0, 3, 7, sau đó tiêm nhắc lại 0,1ml vào ngày 30 & 90 cũng cho kết quả tốt mà giá thành lại rẻ hơn. Dạng vacxin này hiệu nghiệm và an toàn hơn nhưng lại có giá thành đắt gấp 10-20 lần vacxin Fuenzalida.

Các nạn nhân của Fuenzalida trong hai tháng qua

-Ngày 15-6-2007, bệnh nhân T.D.H. nhập viện với chẩn đoán liệt mềm cấp do tai biến tiêm chủng ngừa dại. Tai biến gây nên tình trạng viêm não, viêm tụy, liệt toàn thân, không nói được do vacxin nội Rabivax II (vacxin Fuenzalida) gây ra.

- Tại BV Đa khoa Cần Thơ, bệnh nhân T.M.T. nhập viện ngày 15-8 với cơ thể bị liệt tứ chi do tiêm chủng phòng dại vacxin Rabivax-II dạng động khô đến mũi thứ 6. Vacxin Rabivax-II được sản xuất theo công nghệ cũ từ não chuột thường gây tai biến, trường hợp nặng gây viêm não, liệt toàn thân.

- V.T. Hồng Thắm, giáo viên Rạch Giá, sau khi chích 3 ngày, chỗ vết thương chó cắn và chỗ tiêm chích nổi nhiều vết đỏ rồi lan toàn thân, sốt li bì, tay chân có hiện tượng tê cứng.

-M.S. Quang, học sinh ở Rạch Giá, sau 7 ngày tiêm thì bị nổi mẩn đỏ, sốt, đi đứng không vững.

-P.X. Bình, ở Rạch Giá, sau tiêm 7 ngày bị nổi mẩn đỏ, nhập viện.

-Đ.N. Nhung, ở Đồng Nai, bị rối loạn tri giác sau khi chích mũi thứ 5 vacxin phòng dại.

Tại Việt Nam, ngày 2-7-2007, Bộ Y tế cũng đã rút số đăng ký sản xuất vacxin phòng dại Fuenzalida theo khuyến cáo của WHO và Ủy ban Phòng chống bệnh dại. Tuy vậy, loại vacxin này vẫn được sử dụng vì chưa có nguồn thay thế cho nhu cầu xã hội quá cao.

Vacxin là loại thuốc đặc biệt cần phải bảo quản đúng quy cách để giữ được hiệu lực tác dụng khi tiêm phòng. Một trong những yếu tố đảm bảo chất lượng vacxin là dây chuyền lạnh trong quá trình tồn trữ cũng như vận chuyển. Trong lúc tiêm chủng, vacxin lúc nào cũng luôn được giữ ở nhiệt độ thích hợp.

THẾ NGỌC
(Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục