Câu chuyện chủ nhật

Vai trò của di sản văn hóa

Ngày 26-11-2018, trước thềm khai mạc kỳ họp lần thứ 13 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 của UNESCO diễn ra tại nước Cộng hòa Mauritius, ủy ban đã đồng ý ghi danh di sản văn hóa phi vật thể Vật truyền thống của Hàn Quốc và Triều Tiên vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trên cơ sở nhập hồ sơ của 2 quốc gia này thành một. Quyết định này đánh dấu một bước tiến mới trong bảo tồn di sản, một minh chứng rõ ràng trong việc hàn gắn, đưa nhân loại xích lại gần nhau.

Ssrieum là một quốc võ của người dân trên bán đảo Triều Tiên, ra đời từ cách đây 2.000 năm. Lịch sử môn vật Ssrieum bắt đầu cùng thời với sự hình thành sinh hoạt cộng đồng. Trong xã hội cổ, con người phải chiến đấu để chống lại những loài thú hoang vừa tự vệ vừa tìm thức ăn. Trước đó, Hàn Quốc và Triều Tiên đã đệ đơn riêng rẽ để được UNESCO công nhận môn vật Ssrieum là di sản phi vật thể của nhân loại. Sau đó, 2 bên đã chấp nhận rút lại hồ sơ riêng để cùng nộp lại hồ sơ xét công nhận chung.
Thành tích này có được sau chuyến thăm của bà Audrey Azoulay, Tổng giám đốc UNESCO, đến Hàn Quốc vào tháng 6-2017 và cuộc gặp gỡ với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hồi tháng 11-2018 tại Paris. Trong cuộc họp đó, bà Audrey Azoulay đã đề xuất một loạt dự án cụ thể liên quan đến UNESCO nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc hòa giải giữa các nước. Các cuộc thảo luận tương tự cũng diễn ra trong những tuần gần đây với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Cam kết của UNESCO nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hòa bình giữa 2 bên đã dẫn đến việc 2 bên cùng thực hiện một hồ sơ chung trong một thời gian ngắn.

Khái niệm về di sản văn hóa đa quốc gia thực ra không phải mới mẻ bởi trước đây đã khá nhiều di sản của thế giới được UNESCO công nhận được thực hiện bởi nhiều nước. Việt Nam cũng từng tham gia xây dựng hồ sơ đa quốc gia Nghi lễ và trò chơi kéo co cùng với Campuchia, Hàn Quốc và Philippines. Và hiện nay, các nhà khoa học của Việt Nam cũng đang xúc tiến xây dựng hồ sơ đề nghị vinh danh nghề sơn mài truyền thống cùng với Hàn Quốc là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Sức mạnh hàn gắn thế giới của di sản văn hóa là không thể phủ nhận, song bởi sức mạnh nội tại của văn hóa quá mạnh mẽ vì thế đây cũng có thể là nguồn cơn gây ra nhiều mâu thuẫn sâu sắc. Điển hình như việc Vũ kịch mặt nạ dựa trên sử thi Ramayana của Ấn Độ vừa được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới, đã gây “hụt hẫng” khi có đến 2 nước khác ở Đông Nam Á cũng tuyên bố môn nghệ thuật này thuộc di sản văn hóa của riêng nước họ. Một vài di sản văn hóa phi vật thể khác trên thế giới cũng lâm vào tình trạng tương tự, có lẽ vì thế mà UNESCO cũng luôn khuyến khích các quốc gia thành viên xây dựng hồ sơ đa quốc gia về các di sản có tính tương đồng, phổ biến ở các khu vực, di sản hiện diện ở nhiều quốc gia.

Việc công nhận môn vật Ssrieum là di sản phi vật thể của nhân loại mang một ý nghĩa cực kỳ đặc biệt thể hiện sức mạnh mềm của văn hóa. Bà Audrey Azoulay tuyên bố: “Nó nhắc nhở chúng ta về sức mạnh xây dựng hòa bình của di sản văn hóa, như một cây cầu giữa các dân tộc. Điều này đánh dấu một chiến thắng cho mối quan hệ lâu dài và sâu sắc giữa 2 bên biên giới liên Triều Tiên”. Sau sự kiện này, đại diện UNESCO cũng khẳng định sẽ tiếp tục làm việc trên các dự án cụ thể với chính phủ của cả 2 nước để hòa giải trên bán đảo Triều Tiên, thông qua văn hóa, giáo dục và khoa học. Những lĩnh vực này, là trung tâm của nhiệm vụ của UNESCO, là nền tảng thiết yếu cho hòa bình lâu dài.

Phát biểu trong khóa họp lần thứ 73 Đại hội đồng Liên hiệp quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh: “Hòa bình, tự do và thịnh vượng luôn là mong mỏi, khát vọng của mọi dân tộc. Trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tiến bộ của nhân loại không chỉ được đo bằng những thành tựu của công nghệ mà trước hết phải là hòa bình và thịnh vượng và phải biết chắt chiu, nắm lấy từng cơ hội dù nhỏ nhoi cho hòa bình”. Ý nghĩa của sự chắt chiu ấy giờ đây đang hiển hiện.

Tin cùng chuyên mục