Vai trò người đứng đầu trong phòng và chữa cháy

Nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác phòng ngừa cháy nổ, Công an TPHCM vừa phối hợp với Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và Cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) tổ chức tập huấn công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ đối với các sở - ngành, quận - huyện, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh - dịch vụ trên địa bàn thành phố. Thông qua đợt tập huấn, lãnh đạo, cán bộ các cơ quan, đơn vị, chủ các doanh nghiệp, cơ sở có dịp nhìn lại những thiếu sót trong PCCC, đánh giá đúng hơn về tính chất nguy hiểm của cháy nổ; từ đó trang bị, đầu tư các giải pháp hợp lý, hiệu quả hơn. 

Khi người đứng đầu quan tâm, sâu sát

Trong số các nội dung được tuyên truyền, thuyết giảng trong đợt tập huấn, yếu tố phát huy trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở, chủ hộ gia đình được các tuyên truyền viên, báo cáo viên nhắc đến nhiều. Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ, khẳng định nếu người đứng đầu các đơn vị, cơ sở, chủ hộ gia đình có ý thức tốt về PCCC, luôn xem cháy nổ là hiểm họa và lúc nào cũng cảnh giác cao độ, chắc chắn cháy nổ sẽ ít xảy ra. Từ thực tế trên, ông yêu cầu thủ trưởng, lãnh đạo các đơn vị cơ quan trong và ngoài nhà nước, chủ các doanh nghiệp, cơ sở, hộ gia đình phải nâng cao hơn nữa ý thức, thường xuyên quán triệt, làm việc, yêu cầu cán bộ, nhân viên cấp dưới, các thành viên trong gia đình cần phải thực hiện đúng và đủ các quy định của pháp luật về PCCC trong sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt. 

Vai trò người đứng đầu trong phòng và chữa cháy ảnh 1 Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh
 Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh cũng lưu ý, phải lấy phòng cháy làm đầu và phải phòng ngừa bằng những việc làm đơn giản nhất. Cụ thể: phải nắm rõ các kiến thức cơ bản nhất về phòng cháy (tự trang bị phương tiện chữa cháy xách tay trong đơn vị, cơ quan, nhà ở…); không chủ động tạo nguy cơ cháy trong môi trường sống (tồn trữ chất cháy, hóa chất trong nơi ở); phải nắm rõ những kỹ năng cơ bản nhất trong chữa cháy (phát hiện cháy phải báo ngay cho 114, phải biết sử dụng bình chữa cháy xách tay), đặc biệt phải biết thoát nạn, cứu nạn trong tình huống khẩn cấp… 

Ngoài vai trò là “tổ trưởng tuyên truyền”, “chỉ huy PCCC ở đơn vị”, lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, chủ hộ gia đình phải là cầu nối các hộ dân, cộng đồng lại với nhau, cùng nhau xây dựng, thành lập các mô hình PCCC tại chỗ. Chẳng hạn như mô hình “Nhà tôi có bình chữa cháy”, “Phường điểm, khu phố điểm không xảy ra cháy lớn”… Khi các mô hình tự quản, tự phòng cháy như trên được hình thành thì ý thức PCCC của mỗi cá nhân, hộ gia đình trong khu vực sẽ được nâng lên; theo đó, các vi phạm dần triệt tiêu, nguy cơ cháy nổ không tồn tại và sự cố cháy nổ sẽ không xảy ra. Để làm được như trên, người đứng đầu các cơ sở, đơn vị, chủ hộ gia đình phải là người nắm luật, ý thức tốt. 

Hoàn thiện về con người, hạ tầng, phương tiện chữa cháy

Trong đợt tập huấn, nhiều báo cáo viên và học viên đã nêu cụ thể, chỉ ra những bất cập, tồn tại trong công tác PCCC hiện nay. Nguồn nước và giao thông phục vụ chữa cháy là 2 yếu tố cần thiết, quyết định thành bại việc chữa cháy, thế nhưng hiện nay 2 vấn đề này còn nhiều bất cập. Đã có rất nhiều vụ cháy trong hẻm, trong chung cư để lại hậu quả nghiêm trọng khi xe chữa cháy không tiếp cận được vào trong, hoặc thiếu nước chữa cháy. 

Vấn đề giao thông không đảm bảo việc chữa cháy thường tồn tại trong nội thành, tập trung ở các khu dân cư đông đúc, hẻm nhỏ - hẹp và sâu; ở các chung cư mới xây dựng bị chủ đầu tư, ban quản trị lấn chiếm, trưng dụng sai mục đích lối đi, đường nội bộ. Ngược lại, ở ngoại thành, nguồn nước chữa cháy bị thiếu nghiêm trọng. Để khắc phục các tồn tại này, các ý kiến đề nghị ngành PCCC trong vai trò là lực lượng nòng cốt, sau khi kiểm tra, phát hiện vi phạm, ngoài việc xử lý hành chính, nếu chủ đầu tư, ban quản trị, đơn vị, cá nhân, tổ chức vi phạm không khắc phục, cần phối hợp với chính quyền tổ chức xử lý triệt để, thậm chí cưỡng chế nhằm đảm bảo tuyệt đối về an toàn PCCC. Đối với nguồn nước, hiện nay vẫn còn thiếu gần 1/2 số trụ nước chữa cháy, điều này rất nguy hiểm. Các ý kiến nêu ra trong đợt tập huấn đều kiến nghị thành phố cần quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện mạng lưới cấp nước chữa cháy, bởi lẽ thiếu nước chữa cháy gần đồng nghĩa với “thấy cháy ngồi chờ chết”. 

Vai trò người đứng đầu trong phòng và chữa cháy ảnh 2 Cảnh sát PCCC TPHCM tổ chức huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng PCCC tại chỗ ở Tân cảng Sài Gòn
Về yếu tố con người, chủ lực vẫn là lực lượng chuyên trách, chuyên nghiệp PCCC; cụ thể ở đây là cảnh sát PCCC, lực lượng phụ trách PCCC tại chỗ. Đối với Cảnh sát PCCC, cơ bản về trình độ chuyên môn đều đảm bảo, tuy nhiên vấn đề lưu ý được các ý kiến tham dự tập huấn đặt ra là trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp. Đâu đó vẫn còn những cán bộ buông lỏng, lơ là trong quản lý, phụ trách địa bàn; thậm chí tiếp tay cho vi phạm tồn tại. Thanh tra công an cần chặt chẽ hơn trong công tác này, đặc biệt cần nghiêm túc xử lý, loại những trường hợp cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Công an TPHCM cần đầu tư nhiều hơn cho lực lượng PCCC tại cơ sở, đây là vấn đề được đề cập nhiều lần, song đến nay về chất chưa được cải thiện bao nhiêu. Hầu hết các đội PCCC cơ sở, tại chỗ đều thiếu về số lượng, yếu về chuyên môn, nghiệp vụ. Một khi các bất cập, hạn chế này còn tồn tại, chắc hẳn nguy cơ cháy còn tăng cao, các sự cố cháy nổ hẳn còn nghiêm trọng.

“Muốn người đứng đầu các cơ quan, cơ sở, chủ hộ gia đình làm tốt như vậy, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, ngành PCCC ở đó phải làm tốt, gương mẫu, quan tâm, sâu sát đến công tác PCCC. Cuối cùng, tôi cho rằng, mỗi cán bộ, nhất là ngành PCCC phải tự soi rọi mình, bản thân mình làm tốt, làm hết trách nhiệm, gương mẫu, chắc chắn người khác sẽ nói theo và công tác PCCC sẽ đạt hiệu quả”, Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh nhắn nhủ.

Tin cùng chuyên mục