Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: “Cứ mỗi lần sửa luật lại đề nghị làm thêm giờ​“

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội nhận định, việc kéo dài thời giờ làm thêm là đi ngược lại với xu hướng tiến bộ; việc tăng thời giờ làm thêm trong điều kiện công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm còn hạn chế sẽ có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng thời giờ làm thêm khai thác sức lao động, người lao động sẽ cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với tuổi lao động.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu ý kiến.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu ý kiến.

Sáng 14-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo và cho ý kiến về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Báo cáo thẩm tra của Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, liên quan đến việc mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm (tăng 100 giờ so với quy định hiện hành) Ủy ban cho rằng, trên thực tế, nhu cầu làm thêm giờ là có thật; từ phía người lao động bản chất là do tiền lương và thu nhập chưa bảo đảm trang trải cuộc sống; từ phía người sử dụng lao động là do nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tùy theo từng thời điểm. Tuy nhiên, việc kéo dài thời giờ làm thêm là đi ngược lại với xu hướng tiến bộ; việc tăng thời giờ làm thêm trong điều kiện công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm còn hạn chế sẽ có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng thời giờ làm thêm khai thác sức lao động, dẫn đến hậu quả người lao động sẽ cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với tuổi lao động.

Ủy ban đề nghị, vấn đề này cần phải được Cơ quan soạn thảo tiếp tục làm rõ thêm và việc quy định thời gian phải làm thêm giờ phải theo hướng đảm bảo chặt chẽ, giới hạn trong một số trường hợp đối với một số ngành, nghề, công việc nhất định và phải bảo đảm các nguyên tắc như:  phải có sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động; áp dụng tiền lương lũy tiến cho thời gian làm thêm giờ; bổ sung quy định khống chế giờ làm thêm tối đa theo tháng và có cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát.

“Vấn đề này hiện nay còn có ý kiến khác nhau từ phía công đoàn, người lao động, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp, vì vậy Ủy ban kính trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chỉ đạo”, bà Nguyễn Thúy Anh báo cáo.

Về tiền lương làm thêm giờ, do còn ý kiến khác nhau của các bên, Ủy ban dự kiến 2 phương án trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Phương án 1: như dự thảo do Chính phủ trình, nghĩa là Quy định như Bộ luật hiện hành (vào ngày thường, ít nhất bằng 150%; vào ngày nghỉ hàng tuần, ít nhất bằng 200%; vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300%; làm thêm giờ vào ban đêm còn được trả thêm ít nhất 20%), đồng thời bổ sung thêm quy định: việc trả lương lũy tiến làm thêm giờ với mức lương cao hơn quy định trên thì do hai bên thỏa thuận để thực hiện.

Phương án 2: được thiết kế trên cơ sở ý kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, theo đó sẽ trả lương lũy tiến đối với thời gian làm thêm giờ tính theo số giờ làm thêm trong ngày và có sự khác biệt tương ứng với làm thêm giờ trong ngày thường, ngày nghỉ hàng tuần, ngày lễ, tết và ngày nghỉ có hưởng lương và thể hiện tại Điều 100 của dự thảo Bộ luật.

Ủy ban Về các vấn đề xã hội đề xuất lựa chọn phương án 1.         

Về tuổi nghỉ hưu, cơ quan thẩm tra yêu cầu Chính phủ bổ sung tài liệu làm rõ những kiến nghị của Ủy ban đã nêu trong Báo cáo thẩm tra số 2032/BC-UBVĐXH14 như “bổ sung dự thảo Danh mục các công việc, ngành nghề, vị trí việc làm thuộc trường hợp đặc biệt mà người lao động có thể được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn hoặc cao hơn 5 năm theo quy định”, chưa đưa ra được cơ sở, bằng chứng khoa học để quy định về khoảng cách tuổi nghỉ hưu (2 tuổi) giữa lao động nam và lao động nữ.

Tại phiên họp, các ý kiến thống nhất với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Lao động. Cụ thể, đối với bộ phận lao động phi chính thức, Bộ luật đã quy định những nguyên tắc về tiêu chuẩn, điều kiện lao động như: an toàn, vệ sinh lao động; tiền lương; bảo hiểm xã hội (BHXH)..., đồng bộ với quy định của các luật chuyên ngành đã được tách ra từ Bộ luật Lao động, cũng như phù hợp với khuyến nghị của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, với sự điều chỉnh này, Bộ luật sẽ tác động trực tiếp đến khoảng 55 triệu người trong độ tuổi lao động, do đó cần tiếp tục được đánh giá rất kỹ lưỡng, để đảm bảo tầm nhìn lâu dài, hài hòa lợi ích cả người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ).

Về việc mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm (tăng 100 giờ so với quy định hiện hành), cơ quan thẩm tra cho rằng, trên thực tế, nhu cầu làm thêm giờ là có thật; cả từ phía NLĐ và NSDLĐ, song việc kéo dài thời giờ làm thêm là đi ngược lại với xu hướng tiến bộ; việc tăng thời giờ làm thêm trong điều kiện công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm còn hạn chế sẽ có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng thời giờ làm thêm khai thác sức lao động, dẫn đến hậu quả người lao động sẽ cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với tuổi lao động.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ: “Đây là vấn đề ý kiến khác nhau nhất. Tôi thì không ủng hộ nới khung chung, mà nên quy định một số trường hợp rất cá biệt ngay trong luật; trường hợp nào được tăng, tăng bao nhiêu trong 1 tháng, 1 năm”.

Ông nói thêm, trên thế giới cũng không nhiều nước cho phép mở khung thỏa thuận giờ làm thêm lên đến 400 giờ. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải… cùng chia sẻ quan điểm này.

Nhìn nhận từ phía NSDLĐ, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc có quan điểm khác. Mặc dù ghi nhận những điểm “đột phá” quan trọng của Bộ luật (lần đầu tiên điều chỉnh toàn bộ lực lượng lao động xã hội và cho phép lập nhiều tổ chức đại diện cho người lao động). Song, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng sẽ không hợp lý nếu đặt vấn đề giảm giờ làm việc bình thường và không cho phép nới khung giờ làm thêm tại thời điểm này.

Bày tỏ quan điểm nhất trí phương án mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm lên đến 400 giờ/năm như Chính phủ đề xuất. Song, khác với phương án Chính phủ trình - Chủ tịch VCCI đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành, nghĩa là không tăng lương làm thêm lũy tiến theo giờ, vì cho rằng quy định này sẽ tạo ra gánh nặng chi phí cho DN.

“Hiện trên thế giới chỉ có 2 nước duy nhất tăng lũy tiến tiền lương làm thêm theo giờ”, ông Lộc khẳng định và đề nghị “NLĐ và doanh nghiệp đồng cam cộng khổ. Trong bối cảnh nền kinh tế đang đứng trước những thách thức vô cùng lớn, bây giờ chưa phải lúc tăng lương - giảm giờ làm”.

Dành nhiều tâm huyết nghiên cứu dự thảo Bộ luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, từng là Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho hay, vấn đề tăng giờ làm thêm luôn được đặt ra mỗi khi sửa đổi Bộ luật Lao động, nhưng cả 2 lần sửa trước, sau khi thảo luận, Quốc hội đều thống nhất giữ nguyên như bộ luật năm 1994, tức là 200 giờ/năm, trường hợp đặc biệt tối đa không quá 300 giờ/năm, và chỉ áp dụng cho một số ngành nghề do Chính phủ quy định.

“Tôi hiểu vấn đề này xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp, muốn tăng đơn hàng, doanh thu nhưng không muốn tăng chi phí đầu tư cho việc mở rộng sản xuất, thuê người lao động. Thực tế, tình trạng vi phạm quy định về giờ làm thêm là khá phổ biến ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực và trong nhiều trường hợp, người lao động làm thêm giờ nhưng không được hưởng lương làm thêm như quy định”, Chủ tịch Quốc hội trăn trở.

Cho rằng trong thời đại ngày nay, khi phương thức sản xuất, công cụ lao động có nhiều tiến bộ, lẽ ra cần phải giảm thời gian lao động xuống thì việc tăng giờ làm thêm là một nghịch lý, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Quan điểm của tôi là không đồng ý. Lần trước tôi có phát biểu đồng ý với đề xuất của Chính phủ nhưng sau khi đọc lại lịch sử quan điểm của chúng ta từ trước đến nay và đi theo xu hướng tiến bộ thì tôi đề nghị rất cân nhắc liệu chúng ta có đang đi ngược xu hướng tiến bộ hay không? Đất nước tiến bộ, phát triển, văn minh, chúng ta là nước định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng cứ mỗi lần sửa luật là tăng thêm giờ làm việc của người lao động”.

Mặc dù vậy, Chủ tịch Quốc hội nói thêm, đây là quan điểm cá nhân của bà, “chứ không phải là kết luận ý kiến của UBTVQH”.

Về tuổi nghỉ hưu, tuy cơ bản đồng tình với phương án Chính phủ trình, nhưng cơ quan thẩm tra yêu cầu Chính phủ bổ sung tài liệu làm rõ về việc bổ sung dự thảo Danh mục các công việc, ngành nghề, vị trí việc làm thuộc trường hợp đặc biệt mà người lao động có thể được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn hoặc cao hơn 5 năm theo quy định; đưa ra cơ sở, bằng chứng khoa học để quy định về khoảng cách tuổi nghỉ hưu (2 tuổi) giữa lao động nam và lao động nữ.

Các ý kiến phát biểu tại phiên họp nhất trí với đề nghị này. Ông Nguyễn Đình Khang, tân Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết, Tổng Liên đoàn đồng ý về nguyên tắc với việc tăng tuổi nghỉ hưu, nhưng lộ trình phải được thiết kế linh hoạt, cân nhắc các đối tượng đặc thù.

Tin cùng chuyên mục