Văn hóa giao thông

Đã có nhiều ý kiến tham gia bàn luận vấn đề văn hóa giao thông và cũng đã có nhiều hiến kế biện pháp xây dựng văn hóa giao thông, bao gồm tuyên truyền, giáo dục, phê bình, nhắc nhở, xử phạt. Tuy nhiên, dưới góc độ giáo dục thì một trong những nguyên nhân mà chúng ta thực hiện chưa tốt chính là chưa xây dựng được văn hóa giao thông từ thói quen của mỗi người. Bởi khi giáo dục, phê bình, nhắc nhở, xử phạt, mà không chuyển thành thói quen ở mỗi người thì cũng chẳng có ý nghĩa gì.

Ai cũng biết được thói quen thường bắt đầu từ việc giáo dục và tự giáo dục ở mỗi cá nhân. Một hành động tốt được lặp đi lặp lại bền vững, ăn vào lối sống, nếp sống thì gọi là thói quen (như thói quen nhường đường cho xe ưu tiên, thói quen xếp hàng, thói quen giữ gìn vệ sinh nơi công cộng...). Thậm chí, có những thói quen không cần phải giáo dục để hiểu sâu sắc bản chất, không cần phải huấn luyện một cách bài bản mà chỉ cần bắt chước, học theo người đi trước để hành động. Quan trọng là cách tác động phải tạo được ấn tượng sâu sắc, để khi bước ra đường là mọi người tự giác thực hiện. Ở địa phương nào đó, những thói quen được cộng đồng ủng hộ thì thường là những thói quen tốt, thói quen đó luôn được xã hội hưởng ứng và thường mang tính ổn định, bền vững. Có thể ví dụ bằng việc nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân TP Đà Nẵng. Khi đến TP này ai cũng phải thừa nhận ở đây có những nét rất độc đáo về văn hóa, nhất là văn hóa giao thông. Hành động đẹp đó được lan truyền trong nhiều năm qua, nó thẩm thấu trong nếp sống, lối sống của mỗi người, mỗi nhà, mỗi khu phố, và trở thành thói quen sống không thể thiếu của mỗi người. Mỗi người trong gia đình cứ hễ dắt xe máy ra đường là phải đội mũ bảo hiểm, dường như không có chuyện vội vã khi tham gia giao thông và thói quen chấp hành nghiêm giao thông đã trở thành ý thức tự giác của người dân Đà Nẵng từ bao năm nay. Khi người dân có thói quen tôn trọng pháp luật và muốn có lối sống văn hóa khi tham gia giao thông, thì những hành vi tùy tiện, coi thường pháp luật sẽ trở nên lạc lõng, dễ dàng bị nhận biết và bị lực lượng chức năng xử lý.

Tuy nhiên, muốn có được thói quen tốt này, nhất định phải thực hiện nhiều giải pháp, đó là ý thức trách nhiệm của tất cả mọi người, từ các cơ quan quản lý đến truyền thông và người dân. Mỗi người vào đúng vai, làm đúng trách nhiệm của mình một cách tự giác, tự nguyện như những nhu cầu ăn uống hàng ngày, thì văn hóa giao thông sẽ tốt hơn. Trong đó, việc tuyên truyền giáo dục kèm theo những chế tài vừa nghiêm khắc lại vừa phù hợp với văn hóa truyền thống là rất quan trọng.

Thói quen tham gia giao thông có văn hóa không phải hình thành và ổn định trong ngày một ngày hai, mà phải lặp đi lặp lại, làm triệt để ngay từ đầu, làm hàng ngày, hàng tuần và thường xuyên, liên tục. Khi thói quen này trở thành ý thức tự giác của mỗi công dân và họ coi đó là nếp sống, là nét văn hóa, là bản sắc của dân tộc thì chắc chắn văn hóa giao thông của họ cũng như của cộng đồng được nâng lên rõ rệt. Một khi thói quen tốt được mọi người tự giác thực hiện thì nó cũng chính là biện pháp để đề kháng và miễn dịch với những thói quen xấu khác.

PHƯƠNG LAN
(TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai)

Tin cùng chuyên mục