Văn học, thơ ca góp phần làm thay đổi thế giới

Ngày 16-2, Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV và Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III đã khai mạc tại Hà Nội. Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, cùng gần 200 nhà văn, nhà thơ, dịch giả đến từ 46 quốc gia và vùng lãnh thổ. 
Văn học, thơ ca góp phần làm thay đổi thế giới

Phát biểu khai mạc hội nghị, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh, những năm qua văn học Việt Nam đã có bước tiến dài với hàng loạt giải thưởng quốc tế. Năm 2018, nhà văn Bảo Ninh nhận Giải thưởng Văn học châu Á ở Hàn Quốc và tiếp tục được vinh danh với tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” từng được dịch sang tiếng Hàn (Giải thưởng Văn học châu Á - Asian Literature Award) trong khuôn khổ Liên hoan Văn học châu Á lần thứ hai, được tổ chức ở Gwangju, Hàn Quốc.

Cùng đó, tháng 9-2018, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều được trao giải thưởng văn học Changwon KC International Literary, Hàn Quốc ghi nhận những đóng góp của tác giả với văn chương quốc tế; tác phẩm “Cánh đồng bất tận” (được dịch sang tiếng Đức: Endlose Felder) của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư được trao giải thưởng Literaturpreis 2018 do Litprom, Hiệp hội quảng bá văn học châu Á, châu Phi và Mỹ Latin ở Frankfurt (Đức), bình chọn. Bước vào năm 2019, nhà xuất bản Riveneuve của Pháp xuất bản tiểu thuyết “Trí nhớ suy tàn” của nhà văn Nguyễn Bình Phương, bản dịch do Emmanuel Poisson, một nhà nguyên cứu người Pháp, thực hiện…

Không chỉ dừng lại ở các giải thưởng, danh mục các tác phẩm văn học Việt Nam vượt qua biên giới đến với bạn bè quốc tế đã ngày một dài thêm với  “Mắt biếc”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, “Mình và họ”… Điều đó đã cho thấy ngày càng rõ con đường hội nhập nền văn chương thế giới của văn chương tiếng Việt.

Song song với các hoạt động dịch thuật và xuất bản, việc trao đổi các đoàn thăm và viết về đất nước của nhau diễn ra sôi nổi, hiệu quả cao. Trong đó có nhiều cựu chiến binh Mỹ và Hàn Quốc từng tham chiến tại Việt Nam. “Họ trở lại Việt Nam lấy thêm tư liệu cho những cuốn hồi ký, những tập truyện ngắn, thơ, tiểu thuyết lên án tội ác của đội quân xâm lược, chia sẻ những đau thương mất mát không gì bù đắp được của nhân dân Việt Nam. Những giọt nước mắt thành thực và khẩn thiết đó kêu gọi toàn thế giới hãy làm tất cả những gì có thể làm được không để cho tội ác lặp lại ở bất cứ đâu”, nhà thơ Hữu Thỉnh nói.

Gắn kết với nhau bằng cầu nối thi ca, tại hội nghị, các đại biểu đến từ các quốc gia cũng bày tỏ sự vui mừng khi tham gia hội nghị, coi đây là cơ hội để các quốc gia tìm hiểu sâu hơn về văn hóa, lịch sử của nhau, cùng trao đổi sâu hơn về nghề nghiệp để phản ánh những vấn đề của nhân loại…

Nhà thơ Laura Garvaglia (Italia) cho biết: “Trước đây tôi và nhiều bạn trẻ Italia chỉ biết đến Việt Nam là đất nước nơi hòa bình và quyền con người bị quên lãng vì các thế lực thù địch và xâm lược ngoại bang. Nhưng nay, nhờ có sự kết nối của thơ ca tôi đã biết tới một Việt Nam tươi đẹp, giàu có về lịch sử và văn hóa, một Việt Nam đang phát triển. Cùng chung tin tưởng vào sức mạnh kết nối của văn học”. GS-TS Gunter Giesenfeld, Chủ tịch Hội Hữu nghị Đức - Việt cho rằng, với những người Việt Nam sống ở nước ngoài, văn học Việt Nam thực sự là cơ hội để họ hiểu biết về quê hương mình.

Với niềm tin sâu sắc rằng văn học, thơ ca có thể góp phần làm thay đổi thế giới, các đại biểu mong muốn thông qua giao lưu văn học để gắn kết mọi lương tâm, đẩy lùi hiểm họa, bắt đầu từ con người, vì con người, cho con người.

Tin cùng chuyên mục