Vẫn khó truy xuất nguồn gốc thịt heo

Thịt heo chỉ mới dừng lại ở truy xuất từ khâu thu mua cho đến bàn ăn, chứ không thể biết về giống, thức ăn, thuốc tiêm…
Truy xuất nguồn gốc thịt heo tại các chợ đầu mối cần có biện pháp kiên quyết hơn
Truy xuất nguồn gốc thịt heo tại các chợ đầu mối cần có biện pháp kiên quyết hơn

Đối với trứng gà, việc truy xuất nguồn gốc có thể biết được từng khâu cho ra quả trứng, từ gà giống, thức ăn, tiêm vaccine… Từ đó, nhiều người tiêu dùng “nhờ” phóng viên giải đáp câu hỏi tại sao các thực phẩm như thịt heo chỉ mới dừng lại ở truy xuất từ khâu thu mua cho đến bàn ăn, chứ không thể biết về giống, thức ăn, thuốc tiêm… Và tại sao chưa bắt buộc toàn bộ thực phẩm ra thị trường phải đảm bảo được việc truy xuất nguồn gốc?

Qua quá nhiều khâu

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết sở này đã có văn bản báo cáo UBND TPHCM về tình hình triển khai Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo đang gặp khó khăn, do chỉ dừng lại ở mức khuyến khích, nhắc nhở, động viên, mà không có quy định bắt buộc.

Nguyên nhân chủ yếu do tập quán chăn nuôi heo ở nước ta phần lớn là hộ gia đình nhỏ, phân bổ ở nhiều khu vực, nên rất khó kiểm soát. Hiện có 2.300 trang trại nuôi heo (lớn và nhỏ) đã đăng ký với sở về vấn đề truy xuất nguồn gốc để cung cấp sản phẩm cho thị trường TPHCM. Trong khi đó, việc truy xuất nguồn gốc gia cầm thực hiện được là do nuôi theo mô hình tập trung, không qua quá nhiều khâu và được giết mổ công nghiệp.

Thứ hai, ở TPHCM, cơ sở giết mổ heo công nghiệp chỉ có một đơn vị, còn lại là bán chuyên nghiệp - vẫn phải dùng tay. Ngoài ra, các cơ sở giết mổ nằm ở các tỉnh rất nhiều. Từ đó, xuất hiện thương lái và cứ qua mỗi khâu thì lại qua tay một người, như mua heo, mua thịt mảnh, bán chợ lẻ... Điều này dẫn đến, từ con số 75% - 85% con heo được nông dân đeo vòng truy xuất có thông tin trước khi ra khỏi chuồng, nhưng cứ qua mỗi khâu thương lái thì con số giảm xuống. Bên cạnh đó, nhiều hộ chăn nuôi giao tài khoản cho thương lái kích hoạt giùm, nên thương lái dễ dàng trà trộn thêm số heo nuôi từ hộ chăn nuôi không có tài khoản. Việc kích hoạt giùm tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, do thương lái không còn mã đăng nhập trong đề án, nên nếu xảy ra sự cố về ngộ độc thực phẩm trên thịt heo thì người chăn nuôi phải chịu trách nhiệm.

Cho nên, việc truy xuất được thịt heo đang triển khai theo kiểu “từ từ”, để các thương nhân có thời gian đi vào quỹ đạo, quen dần với việc nhập thông tin, dù có thể thấy, việc truy xuất giúp nông dân, trang trại và thương lái khẳng định được thương hiệu trên thị trường đối với người tiêu dùng. 

Ban hành quy chế chợ

Vừa qua, Ban quản lý an toàn thực phẩm TPHCM đã có văn bản nêu vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện đề án, đó là thiếu cơ sở pháp lý để thực hiện việc chế tài. Trong thực tế, dù những cơ quan hữu trách đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp (từ tuyên truyền, vận động, nhắc nhở, đến lập biên bản vi phạm), nhưng đến nay, việc truy xuất nguồn gốc chỉ đạt hiệu quả cao trong hệ thống phân phối hiện đại, còn tại hệ thống phân phối truyền thống thì kết quả thấp, cụ thể như chợ Bình Điền. Hiện nay, kết quả thực hiện đề án tại các chợ đầu mối chẳng những không tăng mà còn có xu hướng giảm dần. Các địa phương phối hợp chưa tích cực và có tâm lý chờ chủ trương của Trung ương. Do vậy, nếu tiếp tục duy trì cách thực hiện chỉ thiên về tuyên truyền, vận động, mà thiếu các giải pháp kiên quyết (như chế tài, xử phạt…) thì tỷ lệ thực hiện đề án truy xuất nguồn gốc trong thời gian tới chắc chắn sẽ giảm xuống nhanh chóng.

Căn cứ khoản 1, Điều 65 Luật An toàn thực phẩm quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước của UBND các cấp, đồng thời trên cơ sở 100% thương nhân kinh doanh mặt hàng thịt heo tại chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn đã tự nguyện đăng ký tham gia, cam kết tuân thủ các quy định và yêu cầu của đề án bằng văn bản chính thức, Sở Công thương đề xuất UBND TPHCM chỉ đạo áp dụng giải pháp bắt buộc thực hiện truy xuất nguồn gốc toàn bộ thịt heo đưa vào kinh doanh tại 2 chợ này, kiên quyết không cho các sản phẩm thịt heo không thực hiện truy xuất nguồn gốc vào chợ; kiến nghị Bộ NN-PTNT sớm có văn bản chấp thuận chủ trương cho phép TPHCM được triển khai thực hiện Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo. 

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, định nghĩa “hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng” trong Luật An toàn thực phẩm đang mặc định khái niệm là chỉ cần có hóa đơn chứng từ, người mua thực phẩm chỉ biết hàng được bán ở chợ này và các khâu còn lại đều không biết. Theo thời gian, khái niệm này cần phải cụ thể hơn, để người tiêu dùng biết toàn bộ thông tin của sản phẩm. Với tình hình an toàn thực phẩm vẫn chưa cải thiện, định nghĩa “hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng” cần nâng lên là cần phải truy xuất nguồn gốc từ con giống, thức ăn, tiêm thuốc…

Rau có quá nhiều chủng loại

Ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, cho biết việc truy xuất nguồn gốc trên rau đang trong giai đoạn triển khai thí điểm. Từ đây cho đến cuối năm, sở này sẽ rà soát đánh giá toàn diện để rút kinh nghiệm. Do rau củ quả có rất nhiều chủng loại nên quy trình canh tác khác nhau, không tương đồng, Sở NN-PTNT đang phối hợp với đơn vị nghiên cứu, để người tiêu dùng có thể sử dụng một hiệu chỉnh phần mềm và dễ quét mã vạch, truy xuất nguồn gốc từ các khâu hạt giống, trồng trọt, phun thuốc…

Tin cùng chuyên mục