Văn minh đô thị tại TPHCM - Diện mạo từ những công trình

Bên cạnh mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội thì việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị là nhiệm vụ quan trọng được lãnh đạo TPHCM đặt ra và kiên trì thực hiện suốt nhiều năm qua. Bước sang năm 2015 và những năm tiếp theo, công cuộc xây dựng nếp sống văn minh tại TPHCM sẽ có bước chuyển lớn, thể hiện rõ qua việc đầu tư xây dựng, khai thác các công trình hiện đại…
Văn minh đô thị tại TPHCM - Diện mạo từ những công trình

Bên cạnh mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội thì việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị là nhiệm vụ quan trọng được lãnh đạo TPHCM đặt ra và kiên trì thực hiện suốt nhiều năm qua. Bước sang năm 2015 và những năm tiếp theo, công cuộc xây dựng nếp sống văn minh tại TPHCM sẽ có bước chuyển lớn, thể hiện rõ qua việc đầu tư xây dựng, khai thác các công trình hiện đại…

1. Cùng với công trình tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, Dự án Nâng cấp, cải tạo tuyến đường Nguyễn Huệ thành quảng trường đi bộ đang được gấp rút thi công để kịp hoàn thành, đưa vào khai thác trước thời điểm 30-4-2015. Người dân thành phố không khỏi nôn nao khi chẳng còn bao lâu nữa, một trong những con đường đẹp nhất thành phố sẽ đổi thay tạo sự sang trọng, văn minh hơn cho khu vực trung tâm.

Theo thiết kế, với quảng trường rộng 64m dài 670m, từ trụ sở UBND TPHCM có thể nhìn tận ra bến Bạch Đằng lộng gió với hai bên đường là những hàng cây xanh rợp bóng mát. Việc cấm xe lưu thông vào những giờ nhất định sẽ mang lại sự tĩnh lặng cho quảng trường để người dân, du khách có thể khoan thai ngắm nhìn đường phố hay sôi động với các hoạt động biểu diễn nghệ thuật của nhạc nước, của những điệu nhạc du dương, thưởng lãm hoa theo mùa trong sự tươi mát của tượng đài phun nước cùng nét lung linh của hệ thống đèn nghệ thuật phản chiếu khi đêm về. Diện mạo của một quảng trường đi bộ văn minh như những nước tiên tiến đang hình thành tại trung tâm thành phố …

Mô hình quảng trường đi bộ trên đường Nguyễn Huệ

“Chúng tôi đã có kế hoạch khai thác tốt nhất quảng trường đi bộ đúng với dáng dấp hiện đại. Đây sẽ là con đường của các hoạt động nghệ thuật để người dân thành phố, du khách có thể đến thư giãn”, ông Phạm Thành Kiên, Chủ tịch UBND quận 1, bày tỏ.

2. Bên cạnh  đó, công trình xây dựng tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) cũng đang được thi công khẩn trương để đưa vào khai thác, vận hành vào năm 2020. Mỗi ngày qua lại nhìn công trình thi công hối hả, người dân thành phố không khỏi có cảm giác nôn nao mong sớm được tiếp cận, sử dụng loại phương tiện công cộng tiện nghi, hiện đại được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế như các nước tiên tiến. Khởi công vào tháng 8-2012 với tổng vốn hơn 2,4 tỷ USD, tuyến metro đầu tiên của TPHCM vận hành từ trung tâm khu vực thương mại của thành phố đi qua sông Sài Gòn đến quận 2 và khu vực phía Đông.

Những ngày qua, Ban Quản lý đường sắt nội đô TPHCM đã vận chuyển mô hình đầu tàu metro từ Nhật Bản về Việt Nam để nghiên cứu, giới thiệu, tổ chức lấy ý kiến của lãnh đạo thành phố và nhân dân để thống nhất mẫu thiết kế. Tàu được vận hành dưới dạng tự động. Trên tàu không có nhân viên phục vụ. Phí lên tàu được thu ngay từ cửa kiểm soát của nhà ga. Việc đầu tư tuyến metro từng bước hạn chế xe cá nhân - loại phương tiện không phổ biến ở những đô thị tiên tiến, tạo ra diện mạo mới cho thành phố, văn minh hơn, hiện đại hơn và năng động hơn. 

3. Ước tính có khoảng 1 triệu người dân thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề trước tình trạng ô nhiễm trầm trọng của tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm (chảy qua địa bàn 4 quận: 6, 11, Tân Bình, Tân Phú). Ngay tại thành phố nhưng cuộc sống của những người dân ven kênh rạch vô cùng luộm thuộm, nhếch nhác. Với quyết tâm cải thiện môi trường sống của hàng triệu hộ dân, tạo mỹ quan đô thị của tuyến kênh, năm 2011, TPHCM chính thức khởi công dự án cải tạo kênh và đường dọc kênh này. Dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống cống hộp (đoạn từ đường Âu Cơ quận Tân Phú đến cầu Hòa Bình quận 11) dài 3km; cải tạo 7,4km tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm, 12km đường được làm mới. Dự án còn mở rộng kênh, nắn dòng chảy, nạo vét bùn, đắp bờ kênh, cải tạo đường rộng từ 6m đến 20m, xây mới 10 cầu qua kênh, chỉnh trang 4 khu cảnh quan dọc tuyến… Theo kế hoạch, trong năm 2015 toàn bộ công trình hoàn tất. Tuy nhiên đến thời điểm này, dòng nước kênh Tân Hóa - Lò Gốm đã trong veo, đường ven kênh thông thoáng, hình ảnh của những cuộc sống nhếch nhác ven kênh tại một đô thị lớn nhất nước giờ đây chỉ còn là hoài niệm…

Diện mạo thành phố đang thay đổi từng ngày qua những công trình hạ tầng, đô thị. Ngoài mục đích thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội thì giá trị không thể đo đếm được của những công trình này là hướng đến xây dựng nếp sống văn minh cho cư dân thành  phố. Vấn đề là người dân ứng xử như thế nào đối với những công trình này phù hợp với đô thị văn minh.

VÂN ANH

Tin cùng chuyên mục