Văn minh trong thực thi pháp luật

Cả nhà đang xem ti vi, bỗng dưng chị tôi luống cuống chạy vào, nước mắt rưng rưng, nói con chó cưng tên Mic do người yêu tặng vừa bị đội bắt chó thả rông mang đi.
Văn minh trong thực thi pháp luật

“Chị vừa mở cửa thì con Mic chạy xổ ra, chị chạy theo không kịp”, chị kể. Nghe vậy, ba tôi mắng: “Mấy ngày trước ba đã nhắc con mua rọ mõm cho nó mà không chịu làm sớm”.

Tương tự nhà tôi, nhiều gia đình nuôi chó khác cũng lúng túng khi gặp đội bắt chó thả rông. Quả thật, từ trước đến nay, chưa ai có khái niệm quản lý thú nuôi theo những điều luật. Người nuôi thú cưng theo trào lưu, thói quen. Ít ai nghĩ việc chăm sóc, quản lý vật nuôi bị ràng buộc trong những điều luật cụ thể. Muốn ứng dụng và xử lý quyết liệt thì cũng cần tập cho người dân quen dần trước đã.

Mấy ngày nay, đội bắt chó thả rông xuất hiện, bắt những con chạy ngoài đường nhưng không đeo rọ mõm. Người nuôi chó phải đóng phạt nếu chó không có rọ mõm, không thực hiện quy định về tiêm phòng. Người nuôi chó bức xúc. Người từng bị chó cắn đồng tình. Ở trạm thú y, người ôm chó đến tiêm phòng nườm nượp. Ai cũng có lập luận của riêng mình.

Thật ra, người yêu động vật ở rất nhiều quốc gia đã quen với những quy định tưởng như khắt khe khi nuôi chó. Ở Anh, các chú chó đều được chủ trang bị thẻ tên đeo trên cổ (ghi tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc của chủ). Người dân có thể nộp phạt đến 150 triệu đồng nếu để chó đi ngoài đường mà không đeo biển tên. Từ năm 2016, Chính phủ Anh ban hành đạo luật yêu cầu chủ nuôi phải mang chó đến các cơ sở để gắn microchip. Các bang lớn ở Mỹ, như Los Angeles, California… tràn ngập biển báo, khẩu hiệu “Phải dùng dây dắt cho mọi chú chó”.

Mỗi năm, nước ta có khoảng 300.000 người bị chó cắn. Không ít trường hợp tử vong do chó thả rông bị dại cắn. Có thể thấy, quy định trong quản lý thú nuôi không sai. Tuy nhiên, thi hành như thế nào cho thuyết phục mới là việc nhà chức trách cần hướng tới. Chúng tôi luôn mong mỏi sống trong môi trường văn minh, lành mạnh. Vì thế, chúng tôi không phản đối những quy định góp phần tích cực kiến thiết, xây dựng xã hội. Phải chăng, điều cần suy nghĩ là cách thực hiện quy định của cả hai bên - nhà chức trách và người dân.

Thiết nghĩ, cơ quan chức năng nên xử lý tình huống khéo léo hơn. Tương tự, người dân cần nắm thông tin kỹ hơn để bảo vệ quyền lợi của chính mình.

Tin cùng chuyên mục