Vấn nạn tắc đường

Trong suốt gần 2 thập kỷ qua, hàng loạt những giải pháp chống ùn tắc giao thông của các cơ quan chức năng, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực giao thông đô thị đã được bàn bạc, triển khai. 
Vấn nạn tắc đường
Nhưng nhiều giải pháp không có tác dụng, hoặc chỉ giải quyết được tạm thời. 

Câu chuyện giải quyết vấn nạn tắc đường ở ngã tư Sở (Hà Nội) là một thí dụ điển hình về sự loay hoay, tốn ngân sách và công sức, mà kém hiệu quả. Khoảng hơn 10 năm trước, ngã tư Sở là điểm đen về ùn tắc giao thông. Sau đó, với khoản ngân sách khổng lồ bỏ ra, ngã tư này được mở rộng về bốn phía. Tuy nhiên, chỉ được một thời gian ngắn thì ngã tư đã mở rộng cũng không thể tải được lượng phương tiện giao thông tăng lên chóng mặt. Thế là cây cầu vượt từ đường Tây Sơn sang đường Nguyễn Trãi được xây để hạn chế ùn tắc tạm thời. Nhưng rồi cũng chỉ giải quyết được tạm bợ trong thời gian ngắn, vì tuy ngã tư mở rộng lớn phình ra nhưng đường ở bốn phía vẫn quá nhỏ hẹp. Ngân sách lại phải đổ tiền để xây đường sắt trên cao chạy qua đường Láng xuống Nguyễn Trãi về Hà Đông, đồng thời đền bù giải phóng mặt bằng để mở rộng đường Láng, Trường Chinh. Chính vì thế, ở Hà Nội đã, đang và sẽ có những con đường “đắt nhất hành tinh”, có giá đền bù mở rộng cho 1m2 lên đến cả tỷ đồng. 

Có nhiều tuyến đường khác, do không có kinh phí lớn để đền bù mở rộng thì phải dùng giải pháp xén vỉa hè, xén dải phân cách để lòng đường rộng ra. Mở rộng đường, xây cầu vượt, xén vỉa hè, xén dải phân cách… đều không giải quyết được tận gốc vấn đề và cũng chẳng được lâu dài. Thế là, song song với đó, ngành giao thông còn tung ra hàng loạt giải pháp khác, đoạn ngã tư này đang thông, bỗng mấy hôm sau đã bị bịt kín lại, rồi ở tuyến đường khác chưa có đèn giao thông bỗng được lắp thêm, chỗ kia lại phá dải phân cách, tạo ngã ba, ngã tư, lối quay đầu cho xe cộ, chỗ này lại lập dải phân cách để tạo thành 2 luồng xe… Phương án thay đổi giờ làm, giờ học ở các cơ quan, xí nghiệp, công ty, nhà trường tại các quận nội thành cũng đã từng được bàn tán rầm rộ một thời gian rồi thôi. Đến bây giờ, phương án hạn chế xe máy lại được bàn, sau khi trăm phương ngàn kế chống ùn tắc khác đã không thành. 

Xin đề xuất một số giải pháp trước mắt và lâu dài có thể thực hiện để góp phần giảm ùn tắc giao thông cho Hà Nội và TPHCM. Tốc độ phương tiện giao thông ở các đô thị tại Hà Nội và TPHCM tăng lên chóng mặt. Phương tiện tăng lên thì diện tích cho lưu thông, đậu xe, để xe cũng phải tăng theo. Thực trạng hầu hết các tuyến đường đều có ô tô cá nhân, taxi đậu dưới lòng đường, thành ra lòng đường vốn đã hẹp, nay lại càng hẹp hơn. Đa số các cửa hàng, công ty, cơ quan hành chính sự nghiệp chưa có tầng hầm và chỗ để ô tô cho công nhân, viên chức của mình. Dẹp tình trạng tùy tiện đậu ô tô và buôn bán dưới lòng đường là việc phải làm. Hiện nay có rất nhiều xe thô sơ, xe máy tự chế chở hàng hóa cồng kềnh vượt mức cho phép, dễ gây tắc đường và hiểm họa tai nạn giao thông. Ngành cảnh sát giao thông có mở những đợt cao điểm kiểm tra, xử lý đối với xe tự chế chở hàng hóa cồng kềnh, nhưng thường vẫn nương tay. 

Tại Hà Nội và TPHCM, trong những dịp lễ, tết nghỉ dài ngày thường có cảnh đường thông hè thoáng đến không ngờ, do rất nhiều người dân về thăm quê. Qua đó cũng cho thấy lượng dân số tăng cơ học ở đô thị rất lớn. Hãy nhìn hiện tượng ấy để tìm ra giải pháp lâu dài cho giao thông. Thực tế ở các quận nội thành, các trường đại học, cao đẳng, doanh nghiệp không giảm mà ngày càng tăng lên. Có trường học và doanh nghiệp thì ắt sẽ có thêm sinh viên và người lao động. Nhiều sinh viên và người lao động không sử dụng xe buýt công cộng vì chưa thuận tiện, mà cố gắng sắm xe máy cá nhân. Chính vì thế, việc chuyển dịch các trường đại học, cao đẳng và các doanh nghiệp ra xa nội đô phải được thực hiện khẩn trương hơn. Các bệnh viện, cơ sở y tế lớn cũng cần chuyển dịch ra. Phải quy hoạch, hạn chế tối đa việc xây thêm các cao ốc chung cư và khu đô thị mới trong các quận nội thành, để tránh gây thêm tình trạng tăng dân cơ học và quá tải hạ tầng giao thông. Thay vì loay hoay giải tỏa xây thêm đường, mở rộng đường, xén bớt vỉa hè  ở khu vực nội thành tốn ngân sách rất lớn, thì nên kích hoạt giãn dân ra các đô thị vệ tinh. 

Tin cùng chuyên mục