Vấn nạn thông tin giả: Doanh nghiệp có thể bị “hạ gục” trong tích tắc

Thông tin trên mạng xã hội có phạm vi tiếp cận rộng, tốc độ lan truyền nhanh chóng.
Người dân, doanh nghiệp nhờ tư vấn pháp lý tại Ngày hội Pháp luật TPHCM 2017
Người dân, doanh nghiệp nhờ tư vấn pháp lý tại Ngày hội Pháp luật TPHCM 2017

Ngoài những mặt tích cực, tiện dụng của mạng xã hội hầu như ai cũng biết, thì còn một mặt khác nữa mà không phải người sử dụng nào cũng có thể nhận ra, đó chính là việc truyền tải thông tin giả mạo có chủ đích để hại đối phương, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, uy tín của các cá nhân, tổ chức là nạn nhân. 

Hậu quả khó lường

Đôi khi, chỉ đơn giản vì muốn câu like, muốn được nổi tiếng mà rất nhiều người sẵn sàng bịa đặt ra các câu chuyện “giật gân”, không có thật và đăng tải trên các trang mạng xã hội. Những tin đồn thất thiệt mới đây như người bán trà đá dùng nước rửa chân để bán cho khách, dịch bệnh Ebola bùng phát tại Việt Nam năm 2016… lại chính là những tin đồn có sức lan tỏa trong cộng đồng mạng một cách khủng khiếp. Chị Lê Thị Nhung Thanh, chủ cửa hàng quần áo thời trang trẻ em ngụ tại đường Thống Nhất, quận Gò Vấp, chia sẻ: “Tin đồn giống như dịch bệnh, với tốc độ siêu lan tỏa. Mức độ thiệt hại thật khó lường. Bạn tôi cũng làm trong lĩnh vực kinh doanh hoa quả, bị dính tin đồn trái cây nhiễm hóa chất nên điêu đứng suốt thời gian dài”. 

Trong lĩnh vực kinh tế, từ người buôn bán nhỏ lẻ cho đến các công ty, tập đoàn lớn, tất cả đều có thể trở thành nạn nhân của những thông tin thất thiệt, bôi nhọ trên mạng xã hội. Thông thường, đây là những thông tin bịa đặt, những thông tin chưa được cơ quan chức năng xác nhận hay những thông tin đã bị cắt xén và tỉa gọt có chủ đích, không còn đúng bản chất sự thật ban đầu. Do đó, một khi những thông tin đã được chỉnh sửa này bị phát tán trong môi trường công nghệ cao như hiện nay thì chỉ cần 1 giây sau khi bấm nút “gửi”, thiệt hại của chủ thể mà những thông tin trên hướng tới sẽ ngay lập tức phát sinh. Và đương nhiên, thiệt hại này không chỉ là thiệt hại về tài sản mà nguy hiểm hơn là uy tín, thanh danh. Thậm chí đã có nhiều doanh nghiệp đã phá sản cũng chỉ vì những thông tin thất thiệt như trên.

Vụ việc của Vietfoods vừa qua có thể coi là một ví dụ điển hình. Tuy chưa có kết luận kiểm nghiệm, đơn vị quản lý thị trường đã cung cấp thông tin xúc xích Vietfoods chứa chất cấm gây ung thư cho báo chí và làm dấy lên làn sóng tẩy chay mặt hàng này trong người tiêu dùng, không những khiến Vietfoods lao đao mà cả những hãng sản xuất xúc xích khác cũng bị liên đới. Cuối cùng Vietfoods lại được “minh oan” khi kết luận của Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế khẳng định Vietfoods không sai. Hậu quả của việc vội vàng chia sẻ, phát tán rộng rãi thông tin thất thiệt này đã khiến Vietfoods mấp mé bờ vực phá sản.

Áp dụng các biện pháp phù hợp 

Thông tin từ các luật sư, việc đăng tải thông tin sai sự thật dù trên môi trường mạng máy tính thì vẫn có thể coi là hành vi vi phạm pháp luật. Về nguyên tắc, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải được xử lý nghiêm minh theo đúng các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, khi xem xét đến hành vi phạm tội của các đối tượng cũng cần phải đánh giá tính chất, mức độ hành vi vi phạm, động cơ, mục đích để có thể xử lý theo quy định pháp luật. Chủ thể có hành vi đăng tải các thông tin thất thiệt có thể bị xử phạt hành chính, bồi thường thiệt hại, thậm chí là bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu hành vi đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm. 

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam, chủ thể chịu thiệt hại từ hành vi vi phạm pháp luật có quyền khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền để yêu cầu chủ thể thực hiện hành vi bác bỏ thông tin đã đăng tải, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 32, 34 và 584 Bộ luật Dân sự 2015. Ngoài ra, theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018), hành vi đưa thông tin lên mạng xã hội gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của người khác phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, tùy tính chất của mỗi hành vi, chủ thể thực hiện hành vi phạm tội phải chịu trách nhiệm đối với các tội danh khác nhau.

Vì vậy, cần phải có một chế tài đủ mạnh để đảm bảo một môi trường thông tin lành mạnh và sẽ là hành lang pháp lý cho việc phát ngôn, bảo đảm cho việc nhiều người có trách nhiệm hơn đối với lời nói, bài viết của mình. Luật sư Nguyễn Văn Hậu cũng khuyến cáo, đối với các doanh nghiệp, khi phát hiện có sự cố thông tin xảy ra gây hại trực tiếp cho tổ chức mình thì các doanh nghiệp nên liên hệ trực tiếp với các công ty an ninh mạng có uy tín để xử lý ngay các sự cố đó, tránh trường hợp khi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền vào cuộc thì mọi chuyện đã rồi. Lúc này, các doanh nghiệp đã chịu hậu quả nặng nề hoặc có thể mấp mé bờ vực phá sản. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp phải có các biện pháp tự bảo vệ mình trước các thông tin thất thiệt trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, các doanh nghiêp cần gửi ngay văn bản yêu cầu chủ sở hữu trang mạng đó phải tiến hành các biện pháp cần thiết để loại bỏ và ngăn chặn các thông tin gây ảnh hưởng xấu cho doanh nghiệp mình. 

“Nếu người dân, doanh nghiệp biết áp dụng các biện pháp phù hợp để bảo vệ quyền và lợi ích của mình, thì tình trạng xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác thông qua việc phát tán thông tin sai sự thật sẽ ngày càng hạn chế hơn”, Luật sư Nguyễn Văn Hậu nói.

Mức phạt lên tới 1,5 tỷ đồng

Hành vi “sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội” còn được quy định làm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với các tội danh liên quan đến xúc phạm, danh dự của người khác như tội làm nhục người khác (Điều 155), Tội vu khống (Điều 156). Hình phạt đối với các trường hợp này bao gồm phạt tù có thời hạn (hình phạt chính), phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định (hình phạt bổ sung).

Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng cường, mở rộng áp dụng chế tài phạt tiền là hình phạt chính áp dụng đối với nhóm tội phạm trong lĩnh vực CNTT và mạng viễn thông thuộc trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng (khung hình phạt đến 3 năm tù) hoặc nghiêm trọng (khung hình phạt từ trên 3 năm đến 7 năm tù) với mức phạt tiền thấp nhất là từ 20 triệu đồng đến mức cao nhất là 1,5 tỷ đồng. Mức phạt tiền đối với hành vi này được quy định tăng cao hơn so với mức phạt của Bộ luật Hình sự hiện hành.

Tin cùng chuyên mục