Vẫn… thích điểm số cao

Việc duy trì cách đánh giá năng lực học tập của học sinh thông qua điểm số như hiện nay đang gây ra nhiều hệ lụy cho nền giáo dục, làm méo mó sản phẩm đầu ra. 
Mới đây, sau khi đi họp phụ huynh tổng kết năm học, biết kết quả học tập của con trai học lớp 2, chị H. cảm thấy buồn rười rượi khi con mình lọt vào tốp có điểm số thấp nhất lớp. Con chị học ở một trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia của quận trung tâm và chọn học chương trình tiếng Anh tích hợp. Lớp chỉ có 30 học sinh nhưng có đến 25 em đạt toàn điểm 10 cho hai môn Toán, tiếng Việt và chỉ có 4 em đạt hai con 9, 1 em đạt hai con 8. Mặc dù giáo viên chủ nhiệm đánh giá là những học sinh đạt điểm 9 cũng là giỏi rồi nhưng chị H. và gia đình bắt con hè này phải học thêm hai môn Toán, tiếng Việt. Tội nghiệp cậu học trò nhỏ còn ham chơi, thích nghịch ngợm chạy nhảy hơn là ngồi rèn chữ, làm Toán. Vì thế, nó mếu máo nói rằng: “Con thích nghỉ hè, không thích học nhiều…”. 
Theo quy định của Thông tư 22 về đánh giá học sinh tiểu học thì các môn đạt 9 điểm trở lên là được khen thưởng. Thông tư này ra đời với mục tiêu thay đổi cách đánh giá học sinh bằng điểm số, giảm bớt áp lực và giúp các em học hành nhẹ nhàng. Thế nhưng, nhiều phụ huynh và giáo viên tiểu học vẫn xem điểm số là tiêu chí chính để đánh giá năng lực học sinh. Và trong lễ tổng kết năm học 2016-2017 này, lớp lớp, trường trường vẫn “bội thực” về danh hiệu học sinh giỏi được khen thưởng. Thực tế này phản ánh rõ quan niệm, tư duy về điểm số không dễ thay đổi. 
Ở bậc học cao hơn là THCS và THPT, trường nào cũng tự hào, đánh bóng tên tuổi bằng tỷ lệ học sinh khá, giỏi cao. Còn giáo viên bộ môn và giáo viên chủ nhiệm cũng nơm nớp lo sợ học trò bị điểm kiểm tra cuối học kỳ và điểm tổng kết cả năm thấp, sẽ bị ảnh hưởng đến xếp hạng thi đua… Vì thế, có không ít trường hợp giáo viên chủ nhiệm phải xin điểm cho học trò để nâng tỷ lệ học sinh giỏi của lớp lên cao. Hơn nữa, một số giáo viên dạy thêm cũng cậy nhờ đồng nghiệp “chiếu cố” nâng điểm kiểm tra cho học trò của mình bằng nhiều cách.
Chuyện khen thưởng học trò sau mỗi năm học kết thúc là cần thiết vì tạo động lực khuyến khích các em phấn đấu, vươn lên để đạt thành tích cao hơn. Tuy nhiên, việc duy trì cách đánh giá năng lực học tập của học sinh thông qua điểm số như hiện nay đang gây ra nhiều hệ lụy cho nền giáo dục, làm méo mó sản phẩm đầu ra. Thậm chí, có học trò năng lực kém, phải học lại nhưng vì bệnh thành tích, từ giáo viên đến ban giám hiệu quyết làm sạch điểm để đẩy em này lên lớp. Chỉ khi nào bệnh thành tích trong ngành giáo dục bị triệt tiêu và cách đánh giá học sinh thực sự đổi mới theo hướng khách quan, thực học, thực dạy thì nền giáo dục mới có thể phát triển lành mạnh và khai sáng. 

Tin cùng chuyên mục