Vẫn tiêm vaccine ComBe Five trên toàn quốc

Ngày 6-3, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), khẳng định, thông tin việc tạm dừng tiêm vaccine ComBe Five là không chính xác. 

Trước một số trường hợp trẻ nhỏ bị phản ứng, tai biến sau khi tiêm vaccine ComBe Five và thông tin cho rằng sẽ dừng không sử dụng loại vaccine này nữa, ngày 6-3, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), khẳng định, thông tin việc tạm dừng tiêm vaccine ComBe Five là không chính xác.

Bộ Y tế vẫn đang chỉ đạo các tỉnh, thành tiêm vaccine ComBe Five cho trẻ đúng kế hoạch. Đồng thời thực hiện đúng quy trình tiêm chủng an toàn, khám sàng lọc, theo dõi trẻ 30 phút tại trạm y tế sau tiêm chủng.

Hiện nay, chỉ có tỉnh Bình Định tạm dừng tiêm vaccine ComBe Five sau khi xảy ra vụ một trẻ 2,5 tháng tuổi tử vong sau khi tiêm loại vaccine này để làm rõ nguyên nhân. Qua báo cáo của các địa phương, sau khi triển khai tiêm vaccine ComBe Five, ngoài phản ứng thông thường như sốt nhẹ, sưng đau nhẹ tại chỗ tiêm, các triệu chứng khác như khó chịu, quấy khóc... đã ghi nhận một số trường hợp sốt cao, quấy khóc kéo dài.

Trong khi đó, theo tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ phản ứng thông thường đối với các vaccine chứa thành phần ho gà toàn tế bào như ComBe Five là sốt 38-39°C chiếm tới 44,5%; phản ứng 38,5%; nóng đỏ tại chỗ tiêm có thể tới 56,3%; đau 25,6%; các phản ứng khác như quấy khóc kéo dài là 3,5%. Các phản ứng nặng có thể gặp như co giật, giảm trường lực cơ, sốc phản vệ vào khoảng 20 trường hợp trên 1 triệu liều vaccine sử dụng.

Tất cả vaccine nhập khẩu về Việt Nam nói chung và ComBe Five nói riêng đều được chuyển về theo lô, được kiểm định riêng biệt không phải kiểm định một lần. Những lô vaccine được đưa vào tiêm chủng đều đạt tiêu chuẩn an toàn qua kiểm định, được cấp giấy phép lưu hành. Trước khi sử dụng ở Việt Nam, vaccine ComBe Five đã được sử dụng tại 39 quốc gia khác với 400 triệu liều.

* Bà Rịa- Vũng Tàu: Số ca mắc sốt xuất huyết và sởi tăng đột biến

Ngày 6-3, Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh ghi nhận 691 ca sốt xuất huyết (SXH), cao gấp 4,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong thời gian tới, ngành y tế tiếp tục chủ động phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh thông qua 5 hình thức giám sát dịch bệnh, khoanh vùng và xử lý kịp thời các trường hợp bệnh, ổ dịch nhỏ, vùng nguy cơ cao để không cho dịch bệnh lây lan bùng phát. Tăng cường tổ chức tiêm chủng đủ mũi cho trẻ em, tổ chức tiêm vét những trường hợp chưa được tiêm để tăng miễn dịch cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục