Vẫn tranh luận về xử lý hình sự trẻ vị thành niên phạm tội

Sáng nay 3-4, Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách đã khai mạc tại Nhà Quốc hội. Sau phần phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đã trình bày Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 và tiến hành thảo luận về nội dung này dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.

(SGGPO).- Sáng nay 3-4, Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách đã khai mạc tại Nhà Quốc hội. Sau phần phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đã trình bày Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 và tiến hành thảo luận về nội dung này dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.

Quang cảnh hội nghị sáng 3-4-2017.

Theo Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, kết quả phiếu thăm dò ý kiến ĐBQH tại Kỳ họp thứ 2, có 266/397 ĐBQH đồng ý với phương án vẫn cần thiết xử lý hình sự người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về cả tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng đối với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Tội hiếp dâm và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, chỉnh lý dự thảo Luật, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ GD-ĐT, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lại cho rằng, việc xử lý hình sự người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về cả tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng đối với 3 tội danh nêu trên là quá nặng, chưa nhất quán về chính sách hình sự của BLHS năm 2015 (thu hẹp phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi), đồng thời chưa phù hợp nguyên tắc “những lợi ích tốt nhất của trẻ em phải là mối quan tâm hàng đầu” đã được ghi nhận trong Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.

“Việc sớm đưa các em vào vòng tố tụng không phải là phương án tốt nhất để giáo dục các em trở thành người tốt cho xã hội. Trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội thuộc loại tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng thì áp dụng các biện pháp giáo dục tại nhà trường, xã, phường, thị trấn; hòa giải tại cộng đồng; khiển trách; xử lý hành chính… là phù hợp, đủ sức răn đe và tạo môi trường thuận lợi hơn cho các em phát triển lành mạnh”, bà Lê Thị Nga nhận định.

ĐB Nguyễn Văn Sơn

UBTVQH cho rằng, để bảo đảm phù hợp với chính sách chung của BLHS năm 2015, quan điểm của Đảng, Nhà nước ta và phù hợp với các Công ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên thì nên sửa đổi khoản 2, Điều 12 của BLHS năm 2015 theo hướng chỉ xử lý hình sự người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, trong đó có Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Tội hiếp dâm và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.

Đồng tình với quan điểm của UBTVQH, ĐB Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) phân tích thêm, tuy thực tiễn đang có tình trạng trẻ hóa tội phạm thật, nhưng “muốn giải quyết phải bằng biện pháp tổng hợp, không nên đẩy sang xử lý hình sự”.

ĐB Nguyễn Ngọc Phương

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) vẫn không đồng tình. ĐB Phương phản biện: “Nhân đạo thì khi xử sẽ lượng hình. Tình trạng tội phạm đang diễn biến rất phức tạp, đặc biệt gần đây tội hiếp dâm gia tăng rất mạnh. Tôi cũng không cho rằng không xử lý hình sự là vì “lợi ích tốt nhất cho trẻ em”. Vì nhân từ với một số ít tội phạm lại ảnh hưởng đến quyền lợi của số đông trẻ em khác”.

ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cũng e ngại nếu không nghiêm trị những người trẻ phạm tội thì những người này sẽ “quen tay, quen tính”, không bắt họ chịu tráchn hiệm hình sự là dung túng mầm họa.

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng đồng ý với quan điểm này, nhưng nói thêm: “Để bảo vệ quyền lợi của trẻ vị thành niên thì Luật nên có thêm tình tiết giảm nhẹ”.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 sẽ tiếp tục được hội nghị thảo luận trong buổi chiều cùng ngày.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục