Quốc hội thảo luận về sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng dân sự: Kiểm sát viên có cần tham gia phiên tòa?

Quốc hội thảo luận về sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng dân sự: Kiểm sát viên có cần tham gia phiên tòa?

Hôm qua 22-3, Quốc hội nghe báo cáo tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự và cho ý kiến về dự thảo này.

Tòa cấp huyện có dám tuyên hủy quyết định của chủ tịch huyện?

Theo bà Lê Thị Thu Ba, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH, nhiều nội dung quan trọng đã được sửa đổi, bổ sung so với bản dự thảo trước. Cụ thể, chỉ khi xét thấy cần thiết, kiểm sát viên mới tham gia phiên tòa. Các tiêu chí để xác định sự “cần thiết” được giao cho Viện Kiểm sát Nhân dân hướng dẫn.
 
Về thời hiệu giải quyết vụ việc dân sự, UBTVQH cho rằng, thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy có một số quan hệ pháp luật đặc thù như yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự; mất tích, đã chết hoặc trong trường hợp các tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, thuê tài sản... thì không thể quy định thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự như các quan hệ pháp luật khác. Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo trình QH lần này bổ sung quy định loại trừ về thời hiệu đối với các quan hệ pháp luật đặc thù nêu trên.

Tại phiên họp, nhiều ĐBQH quan tâm đến vai trò của Viện Kiểm sát trong quá trình xét xử án dân sự. Các ĐB Nguyễn Duy Hòa (Thanh Hóa), Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) có cùng quan điểm cho rằng, sự tham gia của đại diện Viện Kiểm sát tại tất cả các phiên xét xử là cần thiết, không nên quy định “mở” là có thể tham gia hoặc không.

ĐB Hà Công Long (Gia Lai) cũng cho rằng, quy định giao Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao hướng dẫn về tiêu chí “cần thiết” hay “không cần thiết” dễ tạo ra sự tùy tiện. “Việc tham gia có ý nghĩa quan trọng nhất là để đại diện Viện Kiểm sát nghe được đương sự phát biểu, đảm bảo biên bản xử án tại tòa là chính xác. Nếu không ngồi tại tòa làm sao kiểm sát viên biết việc xét xử có vi phạm trình tự thủ tục hay không”, ông Long đặt vấn đề.
 
ĐB Nguyễn Minh Thuyết tán thành quy định tòa án được quyền tuyên hủy quyết định trái pháp luật của các cơ quan, tổ chức nhưng yêu cầu nêu cụ thể tòa án cấp nào được quyền tuyên hủy quyết định của cấp nào.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ĐB Trần Thế Vượng, Trưởng ban Dân nguyện phân tích thêm, trước đây đã từng có quy định tương tự nhưng suốt 15 năm (1989 – 2004) không có trường hợp nào tòa án ra bản án hủy quyết định sai lầm của cơ quan, tổ chức khác!

“Hiện nay tòa vẫn tổ chức theo đơn vị hành chính. Tòa gắn với cơ quan hành chính thì tòa án cấp huyện có “dám” tuyên hủy quyết định của chủ tịch huyện không? Mặt khác, hủy xong phải ban hành văn bản khác thay thế, mà tòa lại không thể ban hành văn bản thay thế này. Cho nên phải có cách “gỡ” mới đảm bảo tính khả thi của luật”, ông Vượng nói.
 
Theo chương trình nghị sự, dự luật sẽ được QH biểu quyết thông qua vào cuối kỳ họp này.

Siết chặt quy định thường trú ở nội thành Hà Nội
 
Hà Nội cần có cơ chế, chính sách đặc thù để có thể khai thác hiệu quả tiềm năng, phát huy thế mạnh nhằm xây dựng, quản lý và phát triển thủ đô xứng đáng là bộ mặt của cả nước. Đó là quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thủ đô tại phiên làm việc của Quốc hội chiều 22-3. Thảo luận về dự luật này, một số ý kiến ĐBQH cho rằng đã tới thời điểm để chính thức thông qua dự án Luật Thủ đô.
 
Theo bản giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thủ đô, do quy định về điều kiện đăng ký thường trú khá “mở”, tốc độ phát triển dân cư trên địa bàn Hà Nội thời gian qua rất nhanh và số dân nhập cư vào nội thành ngày càng gia tăng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, sức ép về dân số đang thực sự là thách thức đối với chính quyền. Hà Nội đang phải đối mặt với sự quá tải về cơ sở hạ tầng, dịch vụ, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng. Do đó, việc bổ sung các điều kiện cư trú chặt chẽ hơn tuy chưa phải là giải pháp tối ưu nhưng cần thiết nhằm giãn bớt số lượng dân cư trú trong nội thành.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Hà Nội cần phải có chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn để bảo đảm trật tự quản lý hành chính.
 

Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (TPHCM) phát biểu tại hội trường. Ảnh: MINH ĐIỀN

Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (TPHCM) phát biểu tại hội trường.
Ảnh: MINH ĐIỀN

Thảo luận về dự án Luật Thủ đô, đa số dại biểu QH đồng ý với quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. ĐB Đinh Xuân Thảo (Kiên Giang) cho rằng, dự luật không có gì trái với Hiến pháp. Thực tế, việc phạt hành chính ở nội thành cao hơn mặt bằng chung nhiều nước đã áp dụng.

ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cũng cho rằng Hà Nội cần có cơ chế đặc biệt để đảm bảo an ninh. Tuy nhiên, ông cho rằng nếu chỉ tăng mức phạt thì chưa đủ cũng như nếu chỉ dùng biện pháp hành chính thì khó đạt mục đích giãn dân nội thành. Vì thực tế, rất nhiều người dân ngoại tỉnh đang làm việc và sống ở nội thành Hà Nội mà chẳng cần nhập khẩu.

Thế nên, ĐB Thuyết cho rằng, cùng với hạn chế thường trú phải mở rộng đô thị để giãn dân ra. Đồng thời, có thể quy định thu phí môi trường, hạn chế xe thô sơ ở một số tuyến đường theo giờ… như thế mới giải quyết được vấn đề dân cư...

ANH THƯ - LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục