Sẽ giảm “nợ đọng” văn bản hướng dẫn thi hành

- Phóng viên:
Sẽ giảm “nợ đọng” văn bản hướng dẫn thi hành

Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) là sự hợp nhất có sửa đổi, bổ sung của Luật Ban hành VBQPPL năm 2008 và Luật Ban hành VBQPPL của HĐND và UBND năm 2004, liệu có giải quyết được tình trạng “nợ đọng” văn bản hướng dẫn chi tiết? Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng đã dành cho phóng viên Báo SGGP cuộc trao đổi về vấn đề này.

Sẽ giảm “nợ đọng” văn bản hướng dẫn thi hành ảnh 1

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng

- Phóng viên: Thứ trưởng có thể giải thích khái quát về hiệu lực pháp lý của VBQPPL và các văn bản chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc không phải là VBQPPL? Liệu có phải VBQPPL thì tính ràng buộc cao hơn?

>> Thứ trưởng ĐINH TRUNG TỤNG: Mỗi loại văn bản có vai trò, ý nghĩa, tác dụng riêng. VBQPPL như trong dự thảo này là những quy định có tính chung, lặp đi lặp lại, được áp dụng cho nhiều người, cho cả nước hoặc nhiều địa phương, trong khi các loại văn bản khác thì có ý nghĩa đối với những trường hợp cụ thể, không có tính lặp đi lặp lại. Tuy nhiên, hiệu lực pháp lý, giá trị yêu cầu đối tượng áp dụng phải thực hiện là như nhau.

- Ông có nhận xét gì khi công luận phản ánh nhiều VBQPPL được ban hành dưới dạng “công văn” hoặc “thông báo ý kiến chỉ đạo”?

Thời gian qua, qua công tác rà soát kiểm tra xử lý VBQPPL đúng là có phát hiện ra những trường hợp như vậy, tuy không phải là phổ biến. Nguyên nhân chính là do chưa làm rõ được thế nào là VBQPPL. Các luật hiện hành về vấn đề này cũng chưa rõ, dẫn đến cách hiểu chưa thống nhất. Chính vì vậy mà dự thảo luật này đã cố gắng làm rõ khái niệm này. Dự thảo luật đã tập trung quy định về quy trình ban hành VBQPPL, từ người có thẩm quyền ban hành; quy trình từ khâu xây dựng chính sách đến xây dựng chương trình; rồi soạn thảo, thẩm định, thẩm tra và thông qua… Dự thảo cũng đã quy định những nguyên tắc chung nhất về tổ chức thi hành pháp luật.

- Dự thảo lần này vẫn giữ lại loại “nghị định không đầu” mà lâu nay đã có nhiều ý kiến đề nghị bỏ, lý do vì sao?

Nghị định không đầu là cách gọi nôm na của Nghị định quy định về những vấn đề mới, cần thiết để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội, nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật, pháp lệnh. Loại văn bản này vẫn cần thiết, trong điều kiện hệ thống pháp luật của ta vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Thực tiễn đời sống thì đa dạng, phong phú, không phải mọi thứ đều đã có thể đưa vào luật ngay. Nhưng cần nói thêm là loại nghị định này tuy là do Chính phủ quy định, nhưng trước khi ban hành phải được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Tôi cho rằng chắc cũng phải một thời gian khá dài nữa mới bỏ được. Nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời thôi, sau đó sẽ được luật hóa hoặc quy định bằng pháp lệnh.

- Có ý kiến lo ngại về việc dự thảo bỏ một quy định trong luật hiện hành mà theo đó văn bản quy định chi tiết phải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của VBQPPL, nhất là khi tình trạng “nợ đọng” văn bản quy định chi tiết đã và đang gây ra khá nhiều hệ lụy…

Đúng là văn bản quy định chi tiết thì phải có hiệu lực đồng thời với thời điểm có hiệu lực của luật để bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật. Dự thảo không làm thay đổi nguyên tắc đó, mà chỉ là đưa nội dung này vào chương về tổ chức thi hành luật.

- Dự thảo luật có quy định chế tài cho hành vi chậm trễ trong ban hành VBQPPL hay không?

Dự thảo lần này có nêu trách nhiệm của các tổ chức cá nhân liên quan đến việc chậm ban hành VBQPPL, đặc biệt là trách nhiệm công vụ của người đứng đầu cơ quan chịu trách nhiệm ban hành.

- Chúng ta có đặt ra vấn đề bồi thường nếu xảy ra thiệt hại do chậm ban hành VBQPPL không?

Vấn đề này phải tiếp tục nghiên cứu. Luật Bồi thường nhà nước hiện nay không quy định trường hợp này.

- Vậy trong giai đoạn giao thời - tức là luật có hiệu lực rồi, nhưng chưa có hướng dẫn - thì xử lý thế nào?

Những văn bản hướng dẫn cũ không trái với quy định của luật mới vẫn có hiệu lực.

- Nhưng trường hợp luật cũ không có nội dung đó, mà luật mới lại có thì sao?

Đấy chính là lý do để đưa ra quy định phải kịp thời ban hành hướng dẫn đầy đủ! Thường thì luật cũng đã tính đến những khoảng giao thời để đưa ra cách thức xử lý phù hợp; không tạo ra những khoảng trống về luật pháp.

- Theo ông, hiện nay khâu nào có nhiều bất cập hơn? Xây dựng pháp luật hay tổ chức thi hành?

Khâu nào cũng có những bất cập riêng của nó. Đây là luật về ban hành VBQPPL nên tập trung vào quy trình ban hành.

- Như vậy có thể hiểu là sau đó sẽ có những hướng dẫn riêng về tổ chức thi hành?

Tùy lĩnh vực mà có thể thực hiện theo luật chuyên ngành hoặc sử dụng những văn bản dưới luật, như nghị định của Chính phủ.

- Cảm ơn Thứ trưởng!

ANH THƯ thực hiện

Tin cùng chuyên mục