“Vành đai và Con đường” thu hút hợp tác quốc tế

Diễn đàn BRFIC là một sự kiện quan trọng từ các góc độ kinh tế, chính trị và địa chính trị, đánh dấu sự nổi lên của Trung Quốc là một nhà lãnh đạo toàn cầu với những sáng kiến lớn. 
Diễn đàn Hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” (BRFIC) sẽ diễn ra tại Bắc Kinh vào ngày 14 và 15-5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, với sự tham dự của ít nhất 28 lãnh đạo nhà nước và hơn 60 tổ chức toàn cầu. Hơn 1.200 đại biểu tham dự, gồm Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Ki, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde...
Diễn đàn BRFIC là một sự kiện quan trọng từ các góc độ kinh tế, chính trị và địa chính trị, đánh dấu sự nổi lên của Trung Quốc là một nhà lãnh đạo toàn cầu với những sáng kiến lớn. Diễn đàn được đánh giá là sự kiện ngoại giao lớn nhất năm của Trung Quốc, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về Sáng kiến Vành đai và Con đường (Belt and Road Initiative hay BRI), đưa ra một lộ trình rõ hơn của BRI khi ký kết thêm nhiều thỏa thuận dự án chung.
“Vành đai và Con đường” thu hút hợp tác quốc tế ảnh 1 Sáng kiến Vành đai và Con đường bao gồm “vành đai” kinh tế qua Eurasia và “con đường” hàng hải kết nối các thành phố ven biển Trung Quốc tới châu Phi và Địa Trung Hải
Con đường tơ lụa hiện đại
BRI, trước đây gọi là “Nhất đới, Nhất lộ” (One Belt, One Road), kế hoạch được Chủ tịch Tập Cận Bình thông qua vào cuối năm 2013, với mục tiêu kích thích nền kinh tế Trung Quốc, thúc đẩy cải thiện thương mại và hội nhập kinh tế khắp châu Á, châu Âu và châu Phi. BRI bao gồm “vành đai” kinh tế qua Eurasia và “con đường” hàng hải kết nối các thành phố ven biển Trung Quốc tới châu Phi và Địa Trung Hải, sử dụng các hiệp định thương mại tự do và các dự án cơ sở hạ tầng gồm đường bộ, đường sắt và bến cảng để tạo con đường tơ lụa hiện đại trải rộng khoảng 65 quốc gia, với tổng GDP hàng năm 21.000 tỷ USD. Kế hoạch của Trung Quốc khôi phục tuyến thương mại cổ nối Trung Quốc với Trung Á và châu Âu này đã tiến triển thành một chiến dịch rộng lớn, nhằm thúc đẩy thương mại toàn cầu và tăng trưởng kinh tế. Trong khi toàn cầu hóa đang mất dần sự ủng hộ ở Mỹ và châu Âu, BRI đã được sự chấp nhận ngày càng tăng từ cả các nước phát triển và đang phát triển hy vọng nguồn vốn lớn của Trung Quốc.
Vào năm 2014, Trung Quốc thành lập Quỹ Con đường tơ lụa (SRF) 40 tỷ USD để tài trợ các dự án cơ sở hạ tầng BRI, gồm tạo 6 hành lang kinh tế bằng cách xây dựng đường bộ, đường sắt, đường cao tốc và đường ống dầu khí. Các khoản tài trợ bổ sung sẽ đến từ Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), ngân hàng toàn cầu được Trung Quốc hậu thuẫn thành lập tháng 10-2014 và Ngân hàng Phát triển mới (NDB), trụ sở ở Thượng Hải, dành cho các nước BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).
Nhiều nước châu Âu hoan nghênh BRI, hy vọng thu hút nhiều đầu tư và phát triển của Trung Quốc. Một số quốc gia châu Âu như Anh đã tỏ dấu hiệu sẵn sàng tham gia các tổ chức do Trung Quốc lãnh đạo như AIIB. Tuy nhiên, châu Âu hậu Brexit trở nên khó đoán định về những kế hoạch BRI và một số nước do dự về ảnh hưởng và động lực ngày càng tăng của Bắc Kinh với châu lục này. Trong khi đó, đối với Nga, BRI đã sẵn sàng đem lại lợi ích cho quan hệ Trung - Nga, vì đưa 2 nước lại gần nhau hơn qua các khoản đầu tư và dự án chung. Phần lớn BRI cũng dựa vào sự hợp tác và tham gia của Nga, với ảnh hưởng lịch sử mạnh mẽ ở Trung Á, được xem là cộng sinh về mặt kinh tế.
Nhiều nguồn tài trợ quốc tế
Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các dự án cơ sở hạ tầng ở châu Á vào năm 2030 cần tài trợ 26.000 tỷ USD. BRI được thiết kế giúp đáp ứng nhu cầu này ở châu Á, cũng như giúp tăng tốc phát triển ở châu Âu và châu Phi. Đáp ứng nhu cầu cấp vốn đầy tham vọng của BRI, ngoài các tổ chức tài chính đa quốc gia hiện có, gồm Quỹ Phát triển Trung Quốc - châu Phi (CADF), ADB và WB, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đứng ra thành lập hoặc cùng các nước khác thành lập các tổ chức tài chính mới.
Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBC) Chu Tiểu Xuyên cho biết, các chính phủ không thể tài trợ tất cả cơ sở hạ tầng được hình thành trong BRI và ông đề nghị các nước tham gia BRI làm việc với các thị trường vốn, thành lập các tổ chức tài chính chuyên dụng riêng và cố gắng sử dụng các loại tiền tệ địa phương. 
Quỹ SRF thành lập năm 2014, với nguồn vốn từ dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc và các ngân hàng chính sách gồm Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (EIBC). Trọng tâm của SRF là đầu tư vốn cổ phần trung và dài hạn vào cơ sở hạ tầng và nguồn lực. Giám đốc SRF Jin Qi cho biết, SRF đã đầu tư 6 tỷ USD vào 15 dự án và lập một quỹ 2 tỷ USD để thúc đẩy hợp tác với Kazakhstan. SRF đang tìm kiếm hợp tác các tổ chức tài chính khu vực, như CADF.
Ngân hàng AIIB, trụ sở ở Bắc Kinh, bắt đầu hoạt động tháng 1-2016, vốn 100 tỷ USD, với 70 thành viên, hầu hết tham gia BRI. AIIB sẽ không cho Trung Quốc - cổ đông lớn nhất - vay. Phần lớn dự án liên quan BRI được AIIB đồng tài trợ với các tổ chức phát triển đa quốc gia, như WB và ADB. AIIB cho biết, mục tiêu là huy động vốn tư nhân để xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu vực.
Ngân hàng NDB, trụ sở ở Thượng Hải, bắt đầu hoạt động tháng 7-2015, giải quyết nhu cầu cấp vốn cho các nước BRICS. Năm ngoái, NDB đã được các tổ chức tín dụng Trung Quốc xếp hạng AAA để phát hành trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ, trong khi AIIB không có kế hoạch phát hành trái phiếu. Trong năm nay, NDB sẽ tiếp tục phát hành trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ và sau khi được xếp hạng tín dụng quốc tế phù hợp, ngân hàng sẽ phát hành trái phiếu bằng đồng rupee Ấn Độ. Cả AIIB và NDB hy vọng được các tổ chức tín dụng nước ngoài xếp hạng hàng đầu trong năm nay, một mốc quan trọng cho phép huy động vốn với chi phí thấp trên thị trường vốn quốc tế và tăng thu hút các nhà đầu tư toàn cầu.
Trong chương trình thúc đẩy BRI ở châu Âu, Trung Quốc đã tham gia Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) vào cuối năm 2015. Trung Quốc cũng đồng ý tham gia dự án Junker của Liên minh châu Âu, một hiệp ước đầu tư lớn trị giá 315 tỷ EUR (343 tỷ USD). Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đã dẫn đầu thành lập Quỹ Hợp tác đầu tư Trung Quốc - Trung và Đông Âu vào năm 2014, với giai đoạn đầu tài trợ 435 triệu USD. Quỹ này đăng ký tại Luxembourg, đã đầu tư 2 dự án năng lượng ở Ba Lan.
Vào năm 2016, Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) đã thành lập Công ty Tài chính Trung Quốc - CEE, trụ sở ở thủ đô Riga của Latvia, nhằm huy động 10 tỷ EUR và vay ngân hàng 50 tỷ EUR, chuyên quản lý quỹ đầu tư vào các quốc gia Trung và Đông Âu. Ba Lan, Latvia và Cộng hòa Czech đang thảo luận tham gia, trong khi các tập đoàn đầu tư Trung Quốc như China Life Insurance và Fosun tham gia đầu tư và quản lý công ty này.

Tin cùng chuyên mục