Các nhà văn 8X ở Trung Quốc

Những ngôi sao... vụt tắt

Nhà văn thế hệ 8X từng một thời được xem là những ngôi sao sáng trong văn đàn Trung Quốc, nhiều danh tiếng và tiền bạc. Thế nhưng, họ như những ngôi sao lóe lên rồi vụt tắt, chỉ sau vài tác phẩm đầu hầu hết các nhà văn lứa này đã lặng lẽ biến mất trên văn đàn.
Những ngôi sao... vụt tắt

Nhà văn thế hệ 8X từng một thời được xem là những ngôi sao sáng trong văn đàn Trung Quốc, nhiều danh tiếng và tiền bạc. Thế nhưng, họ như những ngôi sao lóe lên rồi vụt tắt, chỉ sau vài tác phẩm đầu hầu hết các nhà văn lứa này đã lặng lẽ biến mất trên văn đàn.

  • Lóe sáng... 
Những ngôi sao... vụt tắt ảnh 1

Hai tác phẩm tiêu biểu nhất của dòng Linglei được phát hành tại Việt Nam nhưng số bán không vượt quá nổi 1500 bản. Ảnh: T.V.

Một trong những nhân vật điển hình nhất cho trào lưu nhà văn 8X là nữ nhà văn Xuân Thụ. Sinh năm 1983, đang học trung học phổ thông thì bỏ học, trong lúc rảnh rỗi, cô viết tác phẩm Búp bê Bắc Kinh, một tác phẩm được xếp dạng Linglei với những tư tưởng nổi loạn trong cuộc sống đặc biệt là trong vấn đề tình dục.

Tác phẩm ra đời đúng vào thời điểm trào lưu văn học này đang bùng phát sau tác phẩm Điên cuồng như Vệ Tuệ (xuất bản tại Trung Quốc năm 2003) của nữ văn sĩ Vệ Tuệ nên đã nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt của bạn đọc.

Đã có lúc sách được bán tại hơn 20 quốc gia, được chuyển thành kịch bản phim và mang về cho tác giả hơn 1 triệu nhân dân tệ. Búp bê Bắc Kinh cũng đã góp phần đưa Xuân Thụ lên vị trí hàng đầu trong số những gương mặt của thế hệ nhà văn 8X tại Trung Quốc lúc đó, thậm chí cô còn được xuất hiện trên trang bìa tạp chí Time với cái danh “đại diện cho thế hệ nhà văn trẻ của Trung Quốc hiện đại”, có thể nói vào thời điểm đó vinh quang và tiền bạc vây quanh cô gái mới hơn 20 tuổi này.

Thế nhưng, sau Búp bê Bắc Kinh, Xuân Thụ lâm vào sự bế tắc cả trong sáng tác và cuộc sống. Hai tác phẩm tiếp theo của cô là Cuộc hoan lạc kéo dài nửa đêm và Sao Mai hầu như không được ai để ý.

Câu chuyện của Xuân Thụ không phải là trường hợp cá biệt. Năm 2004 khi những sáng tác của các nhà văn thế hệ 8X còn được xem là một món hàng hấp dẫn thì văn đàn Trung Quốc điểm danh có tới gần 1.000 nhà văn loại này. Ấy vậy mà chỉ trong vỏn vẹn có 2 năm con số đó đã giảm đi hơn 99%. Thực tế, hiện nay chỉ còn chưa đến 10 người là còn đang viết, trong đó số thực sự sáng tác chỉ còn chừng 1-2 người.

Sau một cuộc điều tra về công việc hiện tại của các nhà văn từng được xếp vào thế hệ 8X, phóng viên tờ báo Thiên Long (Trung Quốc) đã rút ra kết luận: có 90% bỏ nghề viết do nhu cầu của cuộc sống bắt buộc, 10% còn lại tuy còn sáng tác nhưng chỉ thuần túy là thú vui chứ không coi sáng tác là công việc kiếm sống chính, hoặc chuyển qua viết thuê cho các đầu nậu sách. 

  • Đề tài nhàm chán  

Lý giải hiện tượng này, nhiều nhà phê bình Trung Quốc cho rằng vấn đề nằm ở chỗ đề tài của các nhà văn trẻ này đã cạn kiệt và không còn hấp dẫn người đọc. Điểm qua phần lớn các tác phẩm của thế hệ 8X tại Trung Quốc, điều dễ nhận thấy là hầu hết đều mang đậm phong cách tự sự, dựa vào những trải nghiệm của chính bản thân để mô tả hiện thực.

Các tác phẩm tập trung thể hiện cuộc sống xã hội hiện đại thông qua những nhận thức đầy mới mẻ, tân tiến của những con người rất trẻ, đặc biệt nhấn mạnh những tâm trạng bức bối của tầng lớp thanh niên trưởng thành trong thời đại mới nhưng vẫn phải chịu sự ràng buộc bởi những tập tục của xã hội cũ. Trong số này, giới nữ được coi là có sự nổi loạn mạnh mẽ nhất. Tuy nhiên, từ những bức xúc của bản thân để đến được một tác phẩm hay được công chúng chú ý là một khoảng cách không dễ gì lấp được.

Sự nổi loạn chỉ có thể tạo được sức thu hút độc giả trong một khoảng thời gian ngắn, đó là chưa kể sự nổi loạn giống nhau của nhiều tác giả còn gây nên nhàm chán nơi độc giả. Một dạo cứ nhắc đến Linglei là nhắc đến tình dục bừa bãi, lối sống bất cần… Hệ quả là sau những giây phút xôn xao, các tác phẩm Linglei kiểu đó nhanh chóng bị đào thải.

Đề tài chính không còn đất sống đã đặt các nhà văn 8X vào sự lựa chọn, hoặc chuyển sang sáng tác theo hướng khác đòi hỏi tay nghề viết văn thật sự hoặc bỏ nghề. Một thế hệ nhà văn nổi lên theo một trào lưu nhất thời đã nhanh chóng tan rã khi trào lưu đó bị đào thải, sự tồn tại của nhà văn lúc này hoàn toàn dựa vào tài năng của mỗi người và những người không có tài năng thật sự phải chấp nhận ra đi.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục