Văn hóa Việt Nam, hội nhập và phát triển

Nhập khẩu ngôn ngữ

Nhập khẩu ngôn ngữ

Tiếng Việt vốn rất phong phú. Ngày nay, khi xã hội Việt Nam hòa nhập với thế giới, tiếng Việt lại càng thêm phong phú khi được Việt hóa từ tiếng phương Tây. Đôi khi trong chúng ta chưa nhận thức hết cách sử dụng sao cho đúng ngôn ngữ ngoại nhập để làm phong phú thêm  tiếng Việt…

Nhập khẩu ngôn ngữ ảnh 1

Học tiếng Việt.Ảnh: K.CH.

Thật sự mà nói, hiện tại hầu như các nhân viên làm việc trong môi trường công ty nước ngoài, liên doanh hay thậm chí ở một số công ty trong nước thì việc dùng tiếng nước ngoài pha lẫn tiếng Việt là chuyện bình thường.

Vấn đề ở đây không phải là việc sử dụng tiếng nước ngoài trong môi trường làm việc hay giao tiếp là sai, nhưng chuyện hình thức “nửa nạc nửa mỡ” trong một câu nói hay câu văn viết lại ít nhiều gây phản cảm.

Và, chuyện sử dụng tiếng nước ngoài pha lẫn tiếng Việt đang trở thành phong trào rất phổ biến hiện nay.

Đơn cử, một nhân viên công ty du lịch nọ gọi điện thoại: “Anh ơi, anh vui lòng confirm (xác nhận) cho em sớm để em note (ghi lại) vào contract (hợp đồng) lần cuối luôn!”. Trong một thư điện tử giao dịch công việc hẳn hoi: “Anh resize (thu nhỏ) tấm hình để nó fit (phù hợp) với layout (bản thiết kế) giùm em”; hay trong một buổi họp: “Campaign (chiến dịch) này rất cần có những celebrities (người nổi tiếng) để endorse (cổ vũ) cho brand (nhãn hiệu) tốt hơn”…

Đôi khi, việc sử dụng pha lẫn này gây ra phiền toái không nhỏ. Tôi tham dự buổi lễ khai trương phòng trưng bày sản phẩm của một công ty vốn 100% Việt Nam, Ban tổ chức rất chu đáo trong việc sắp xếp khách mời tham dự.

Tuy nhiên, chỉ vì sử dụng ngoại ngữ không đúng chỗ đã gây nên sự lộn xộn, hiểu lầm của một số khách mời không biết mình thuộc loại nào. Thay vì ghi tiếng Việt, thì công ty này ghi trên thẻ đeo hoàn toàn bằng tiếng Anh, ví dụ như Thẻ Media (báo chí), Thẻ Staff (nhân viên), Thẻ VIP (khách đặc biệt), Thẻ Guest (khách mời), Thẻ Visitor (người tham quan).

Ở Singapore, quốc gia với 2 ngôn ngữ chính là tiếng Anh và tiếng Hoa (tiếng phổ thông), người ta sử dụng tiếng Anh trong môi trường công sở và trong đời sống cho những giao dịch nhưng đó là một sự đồng nhất.

Nghĩa là, nếu ai sử dụng tiếng Anh thì tất cả hay thậm chí một câu đều hoàn toàn bằng tiếng Anh, còn không ngược lại là tiếng Hoa, không thấy có chuyện nửa Anh nửa Hoa trong một câu nói hay viết. Cũng vậy, ở Ấn Độ, Malaysia, Philippines, Indonesia… người ta đều dùng tiếng bản xứ hay tiếng Anh thuần nhất mà thôi không hề có chuyện pha lẫn.

Trên thực tế, tiếng Việt chúng ta thêm phong phú cũng nhờ vào những từ ngoại nhập, nhưng đó là những từ du nhập qua thời gian hình thành thói quen trong câu nói hằng ngày, hay là từ quốc tế hóa và cũng khó dịch sang tiếng Việt.

Ví dụ như xe tắc xi, ti vi, bia, rượu sâm banh… Việc dùng từ tiếng nước ngoài vào ngôn ngữ hàng ngày đòi hỏi cả một nghệ thuật. Việc “nhập khẩu” ngôn ngữ để sử dụng sao cho hay, cho đẹp, cho đúng chỗ đúng lúc rất cần được nhận thức đúng đắn hơn.

HOÀNG CỬU LONG (Singapore)

Tin cùng chuyên mục