Bắt đầu từ cầu mây?

1.
Bắt đầu từ cầu mây?

1. Tôi viết bài này ngay khi trận chung kết cầu mây nữ Việt Nam - Thái Lan kết thúc. Tôi định sẽ viết một bài chung về Asian Games 2006 sau khi cuộc tranh tài kết thúc nhưng e rằng khi đó cảm xúc đã trôi tuột mất.

Điều bất ngờ đầu tiên là tôi không lường được cuộc quyết đấu ở môn cầu mây kéo dài đến vậy. Gần bốn tiếng đồng hồ - gấp đôi một trận bóng đá, thiệt là kinh khủng và tôi đành phải xin lỗi bao nhiêu người vì đã thất hứa trong buổi chiều hôm đó vì không đến nơi hẹn được.

Trước đó một ngày, tôi đã xem trận bán kết môn cầu mây nữ giữa Việt Nam - Hàn Quốc và cái cách các cô gái của chúng ta dễ dàng vượt qua đội bạn đã đánh lừa tôi về mặt thời gian: Trận thắng vất vả 2-1 trước tuyển Thái có thời lượng dài gấp đôi, gấp ba một trận thắng 3-0 chóng vánh trước tuyển Hàn.

Bắt đầu từ cầu mây? ảnh 1

Đội cầu mây Việt Nam.

Kết quả bất ngờ của đội cầu mây nữ Việt Nam trước tuyển Thái vào buổi chiều thứ tư tuyệt vời đó có ý nghĩa lớn lao hơn nhiều một trận thắng đơn thuần: đem lại chiếc huy chương vàng đầu tiên cho đoàn thể thao Việt Nam tại Asiad 15 sau gần một tuần lễ trắng tay - và chiếc huy chương quý giá này có vai trò như một thứ đòn bẩy tinh thần nhằm kích hoạt ý chí quyết thắng ở các bộ môn khác trong những ngày còn lại.

Một ý nghĩa khác, không kém phần quan trọng: chúng ta thoát được ám ảnh “một lần á quân, mãi mãi á quân” khi lúc nào cũng đứng sau Thái Lan ở môn thể thao vốn ra đời từ xứ sở của họ.

2. Có lẽ cần nhìn vào sự thật: Thắng được người Thái đối với chúng ta là một mục tiêu cần phải thực hiện, không chỉ ở môn bóng đá. Trong lãnh vực thể thao, người Hàn, người Nhật,  người Trung Quốc (mai mốt có thêm người Úc nữa) ở một đẳng cấp khác so với chúng ta - đặt ra chỉ tiêu vượt họ (thậm chí bắt kịp họ) trong lúc này là không có cơ sở.

Còn ở Đông Nam Á, nền thể thao các quốc gia khác cũng sàn sàn như ta, trừ Thái Lan. Thái Lan xứng đáng là một tấm gương để ta noi theo, là một thách thức để ta nỗ lực đuổi bắt. Trình độ của Thái Lan hiện nay hơn ta, nhưng không hơn xa đến mức làm ta nản chí. Thái Lan tuy vượt trội hơn nhưng vẫn cùng một đẳng cấp với Việt Nam, vì vậy họ là một đối thủ lý tưởng để ta cạnh tranh, là một thước đo quý giá để ta nhìn lại mình.

Về một số mặt, cách làm thể thao của họ là cách làm mà ta phải học tập: cũng như ta, người Thái rất muốn thoát khỏi thân phận “vùng trũng” và họ phần nào cho thấy họ có những bước đi đúng đắn và đã đạt được những thành công nhất định.

Xem tuyển bóng đá Thái ở Doha những ngày này thì biết. Trong khi tuyển Olympic của ta chỉ cố gắng... đứng thứ ba trong bảng của ta thì người Thái quyết tâm đứng đầu trong bảng của họ.

Không thể nói khác hơn, chỉ bằng thái độ đó thôi họ đã kiêu hãnh hơn ta, ngay cả khi bóng chưa lăn. Họ quyết “ăn thua đủ” ở đấu trường châu lục, và trong khi chúng ta “ngẩng cao đầu” vì chỉ thua Hàn Quốc và Bahrain có một, hai trái và hả hê vì bắt nạt được tiểu quốc Bangladesh tới những 5-1 thì đội Olympic Thái Lan đã lặng lẽ toàn thắng cả ba trận vòng bảng để bước vào tứ kết một cách hiên ngang.

Mà bảng của họ cũng không hề nhẹ hơn bảng của ta, với các đội bóng đến từ Trung Á và Tây Á: Kuwait, Kyrgyzstan và Palestine.

3. Bạn đã xem các cuộc thi cử tạ ở Asiad bao giờ chưa? Đó là môn mà các vận động viên Trung Quốc giống như những người đến từ hành tinh khác. Chẳng hạn ở cuộc thi cử tạ nữ dưới 58kg. Ở môn cử giật, Dương Thị Bích Tuyền của Việt Nam chỉ nâng được 77 kg, vận động viên về nhì là Wandee của Thái Lan cũng chỉ nâng được 98kg sau lần cử thứ ba, thì ngay ở lần nâng tạ đầu tiên, Yanquing của Trung Quốc đã nâng ngay 103 kg.

Trong môn cử đẩy, Bích Tuyền chỉ đạt 95 kg, á quân Wandee đạt 126 kg trong khi Yanquing đạt tới mức “không tưởng”: 140kg. Ở các hạng cân khác cũng vậy, Trung Quốc như một người khổng lồ so với phần còn lại của châu Á.

Ở đây cũng cần nói thêm: Trong các hạng cân có Việt Nam tham gia, Bích Tuyền thất bại thảm hại nhất. “Bi kịch” này có phần lỗi của ban huấn luyện Việt Nam: không chú ý đúng mức đến trọng lượng vận động viên. Để đạt tiêu chuẩn “dưới 58kg”, 8 vận động viên còn lại của các quốc gia khác ổn định trọng lượng cơ thể ở mức “dưới 58kg - trên 57kg”, thậm chí Elena của Uzbekistan đạt 57,94kg, Bayarmaa của Mông Cổ đạt 57,97 kg , nghĩa là chỉ dưới mức 58kg từ 3 - 6 gam.

Trong khi Bích Tuyền chỉ cân nặng có 55,82 kg, thua quá xa so với các đối thủ ở môn thể thao mà sự hơn kém từng gam trọng lượng cơ thể có ảnh hưởng mạnh mẽ đến thành tích. Thất bại của “niềm hy vọng vàng” Hoàng Anh Tuấn và “niềm hy vọng đồng” Nguyễn Thị Thiết là do một lỗi khác của ta: sự chủ quan.

Nếu sự “hụt vàng” của Hoàng Anh Tuấn là do không đánh giá đúng sự tiến bộ của đối thủ cạnh tranh duy nhất là Li Zheng thì sự “hụt đồng” của Nguyễn Thị Thiết là do không đánh giá đúng sức mạnh tiềm tàng của chính Nguyễn Thị Thiết. Tôi tiếc hùi hụi khi thấy Thiết cử mức tạ 102kg ở lần 3 của môn cử giật một cách nhẹ nhàng so với các đối thủ, tiếc vì mức tạ giữa lần 2 và lần 3 của Thiết chỉ dám tăng có... 1kg.

Chính sự nhút nhát này làm Thiết bị “trạng thái: khi bị đối thủ chính Thaw Yae của Myanmar bắt kịp ở môn cử đẩy và rốt cuộc đành chấp nhận vị trí thứ tư - chỉ thua Thaw Yae (huy chương đồng) vỏn vẹn có... 2kg. Y chang trường hợp “hụt vàng” của Hoàng Anh Tuấn. Thiệt là vừa tiếc lại vừa tức!

Thái Lan không thế. Tôi đã theo dõi sự rượt đuổi ngoạn mục giữa Pawina (Thái Lan) và Xiaofang (Trung Quốc) ở môn cử tạ nữ dưới 63 kg, đã tâm phục khẩu phục ý chí của cô gái Thái khi cô không hề run sợ trước “người khổng lồ” Xiaofang.

Dĩ nhiên Pawina đoạt HCV có phần do Xiaofang bị chấn thương phút chót, nhưng ở môn cử đẩy, cô dám quyết định tăng trọng lượng tạ mỗi lần 5kg (132kg - 137kg - 142kg) để quyết tâm phá kỷ lục thế giới thì thành công của cô đâu phải do ăn may.

Vì thế mới thấy người Thái đáng sợ. Và họ hoàn toàn xứng đáng là tấm gương cho chúng ta học tập. Học tập cách làm đã đành mà trước hết học tập thái độ nghiêm túc và niềm kiêu hãnh của họ khi họ quyết tranh tài sòng phẳng với các nền thể thao hàng đầu châu lục.

Họ quyết bơi ra khỏi ao làng Đông Nam Á. Ta có dám làm như vậy không? Nếu có thì coi như ta bắt đầu từ... môn cầu mây nữ của những Nguyễn Hải Thảo, Lưu Thị Thanh, Thúy An, Thu Ba. Tại sao không?

Chu Đình Ngạn

Tin cùng chuyên mục