Di tích quốc gia - địa đạo Kỳ Anh (Quảng Nam)

Sẽ không còn gì để... cứu !

Sẽ không còn gì để... cứu !

Theo sự phản ánh của những người dân, chúng tôi đến xã Tam Thăng, Tam Kỳ (Quảng Nam) và chứng kiến di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia - địa đạo Kỳ Anh đang trong tình trạng “hấp hối”.
Cũng như địa đạo Vịnh Mốc (Quảng Trị) và địa đạo Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), địa đạo Kỳ Anh ra đời trong bối cảnh cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước ở giai đoạn ác liệt nhất (1965 -1969).

Sẽ không còn gì để... cứu ! ảnh 1
Ngôi nhà liệt sĩ Phạm Sỹ Thuyết (có 2 ngách thông ra địa đạo) bị bỏ hoang.

Địa đạo Kỳ Anh có chiều dài trên 15 km, phân bố trên 9 thôn của xã Tam Thăng. Tại 2 thôn Thạch Tân và Vĩnh Bình, có 2 điểm di tích quan trọng là đình Thạch Tân và nhà liệt sĩ Phạm Sỹ Thuyết. Đập vào mắt chúng tôi ở thôn Vĩnh Bình là ngôi nhà xiêu vẹo, hoang phế của liệt sĩ Phạm Sỹ Thuyết.

Theo lời dân thôn Vĩnh Bình thì ngôi nhà này bị bỏ hoang từ khi được nhà nước mua lại năm 2004. Do tính cấp thiết bảo tồn nhà liệt sĩ Phạm Sỹ Thuyết (có hầm bí mật, địa đạo và là cơ sở cách mạng), thị xã Tam Kỳ đã chi ngân sách 45 triệu đồng để mua ngôi nhà này.

Tại Đình Thạch Tân, thực tế còn đau lòng hơn, khi ở một góc tường, ảnh của các vị lão thành cách mạnh có công với quê hương cùng danh sách 15 mẹ Việt Nam anh hùng và 160 liệt sĩ thôn Thạch Tân, như bị bỏ quên từ lâu trong cảnh “nhang tàn khói lạnh”.

Tấm bảng đá trước đình ghi rõ: “Đình Thạch Tân có hầm cứu thương, hầm chứa lương thực và các miệng hầm thông ra địa đạo”. Một trong các miệng hầm thông ra địa đạo nằm dưới bức tường sau đình. Miệng hầm tối om và bị tắc từ lâu bởi lớp đất dày màu đen. Trên các con đường ở Vĩnh Bình, Thạch Tân, chúng tôi gặp rải rác những miệng hầm xuống địa đạo tối om, đầy cây dại và cỏ rác. Không ai có thể từ những miệng hầm này nhìn thấy địa đạo vì tất cả đã bị tắc.

Sẽ không còn gì để... cứu ! ảnh 2
Cửa hầm xuống địa đạo sau đình Thạch Tân đã bị tắc.

Ông Chu Quang Ngân, Giám đốc Trung tâm VH-TT thị xã Tam Kỳ thừa nhận: “Do không được đầu tư đúng mức, di tích quốc gia địa đạo Kỳ Anh không những xuống cấp nghiêm trọng mà nhiều đoạn đã bị mất dấu vết...”.

Ông Ngân cũng cho biết, truớc những bức xúc của việc xuống cấp di tích, UBND thị xã Tam Kỳ đã giao cho Trung tâm VH-TT tiến hành lập hồ sơ quy hoạch làng chiến đấu kỳ Anh và trùng tu tôn tạo một số hạng mục cấp thiết như đình Thạch Tân, nhà liệt sĩ Phạm Sỹ Thuyết, cùng 300m địa đạo.

Mốc thời gian để dự án quy hoạch, trùng tu được triển khai là trong tháng 4-2006 nhưng đến thời điểm này, hồ sơ trình cấp thẩm quyền “còn gặp nhiều vướng mắc”. Số phận địa đạo Kỳ Anh còn treo lơ lửng bởi sự đùn đẩy trách nhiệm.

Ông Hồ Xuân Tịnh, Phó giám đốc Sở VH-TT Quảng Nam cho rằng: “...Quản lý lãnh thổ địa đạo Kỳ Anh thuộc về chính quyền địa phương...”. Ông Hoàng Xuân Việt, Chủ tịch UBND thị xã Tam Kỳ bức xúc: “Di tích lịch sử quốc gia phân cấp quyền quản lý cho tỉnh, thị xã không biết lấy đâu nguồn để sửa sang, khắc phục sự xuống cấp...”. 

ĐẠI DƯƠNG

Tin cùng chuyên mục