Đào tạo ca nhạc, cải lương ở các “lò”

Nhiều và ít!

Bao la “lò” ca nhạc
Nhiều và ít!

Hiện nay, lực lượng ca sĩ, nghệ sĩ, nhạc sĩ (đờn) trẻ xuất hiện ngày càng đông. Đây là điều đáng mừng, nếu như chất lượng luôn đồng hành cùng số lượng. Chỉ tiếc là, có những bạn trẻ đến với nghề này, chẳng qua mê vẻ hào nhoáng và sẵn sàng đổ tiền đến các “lò” để học mà không biết rằng đó chỉ mới là tiền đề…

Bao la “lò” ca nhạc

Nhiều và ít! ảnh 1
Nhạc sĩ Danh Phận (trái) đang dạy học trò đánh đàn trong căn nhà nhỏ hẹp.

Trở thành những ngôi sao ca nhạc nổi tiếng, được các phương tiện thông tin đại chúng ca ngợi, tung hê, luôn được đông đảo công chúng ngưỡng mộ chào đón và đi kèm với những sô diễn tiền cát sê cao, lại nhanh chóng có một cuộc sống khá giả, đã trở thành ước mơ của nhiều bạn trẻ.

Chính vì điều đó, ở TPHCM có không ít “lò” đào tạo ca nhạc mọc lên ngày càng nhiều. Gần như, ở các trung tâm văn hóa, nhà văn hóa quận huyện đều có những lớp chiêu sinh dạy thanh nhạc cấp tốc, cùng các “lò” của một số ca sĩ, nhạc sĩ thành danh khác đang hoạt động khá nhộn nhịp.

Nhạc sĩ Trần Thanh Tùng, người được xem khá mát tay trong việc đào luyện những nhóm hát nổi tiếng như: Mắt Ngọc, Ty MyTy, Ve Sầu… khiến nhiều người vẫn tưởng anh là người đào tạo ca sĩ chuyên nghiệp.

Kỳ thực, theo nhạc sĩ Trần Thanh Tùng, do anh phụ trách đội văn nghệ Nhà văn hóa Thiếu nhi TP, trong quá trình theo dõi những mầm non văn nghệ này, phát hiện những em có khả năng đặc biệt, anh mới có ý tưởng ráp các em lại với nhau, đào tạo thành nhóm hát và công việc này cũng không phải là thường xuyên. Dù vậy, trong giới nhiều người vẫn thừa nhận anh là người rất có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên nhìn vào sân khấu ca nhạc hiện nay, với quá nhiều ca sĩ không được đào tạo từ trường lớp, nhưng vẫn có người thành “sao” này “sao” nọ, anh cho rằng, đây là điều đáng lo ngại trong đời sống âm nhạc, bởi chắc chắn hệ quả của nó là tương lai, sân khấu ca nhạc sẽ vắng bóng những ca sĩ có tài năng đích thực!

“Lò” cải lương, ngày càng ít

Nếu như ở lĩnh vực ca nhạc, ngày càng nở rộ các điểm đào tạo ca sĩ, nhóm hát thì cải lương hoàn toàn ngược lại. Các “lò” đào tạo cải lương mỗi năm một… ít dần. Trước đây, khi nhắc đến những “lò” đào tạo cải lương ở TPHCM, người ta sẽ nghĩ ngay đến: “lò” của nhạc sĩ Văn Bền, “lò” của thầy Út Trong, “lò” của nhạc sĩ Văn Vỹ, nhạc sĩ Danh Phận, nhạc sĩ Mười Phú… và cả “lò” đào tạo cải lương tuồng cổ “Đồng ấu Bạch Long” của nghệ sĩ Bạch Long.

Chính các “lò” này đã góp phần đào tạo nên nhiều nghệ sĩ cho sân khấu chuyên nghiệp và không chuyên ở TPHCM cũng như các tỉnh thành lân cận. Nhưng nay, trong số những địa chỉ này, chỉ còn một số nơi hoạt động, bởi nhiều nguyên nhân.

Nhiều và ít! ảnh 2

Hai nghệ sĩ Vũ Luân (trái) và Tú Sương, trưởng thành từ lò đào tạo “Đồng ấu Bạch Long” của nghệ sĩ Bạch Long.

Nhạc sĩ Văn Bền cho biết: “Hiện nay, vẫn còn những bạn trẻ yêu thích cải lương đến học ca, học đàn, nhưng số lượng cũng ngày một ít hơn trước. Và điều đáng buồn hơn là các cháu có độ tuổi mười mấy đến học còn hiếm hoi, hầu như không thấy”. Còn ở “lò” đào tạo của nhạc sĩ Danh Phận thì có vẻ khả quan hơn, số lượng học viên đến học từ 13, 14 tuổi trở lên đều có đủ.

Tuy nhiên, có một thực tế mà nhạc sĩ Danh Phận nhận xét khi mới nghe qua ai nấy cũng phải “hết hồn”, lo cho cải lương: “Mấy năm gần đây, tuy số lượng các bạn trẻ đến học vẫn không thay đổi, nhưng kỳ thực số lượng người học trở thành nghệ sĩ quá hiếm, coi như chất lượng học viên thì… không có!”.

Trăn trở

Trong số các “lò” đào tạo cải lương nói chung, thì “lò” của nghệ sĩ Bạch Long được xem là nơi cung cấp cho sân khấu cải lương tuồng cổ khá nhiều nghệ sĩ trẻ sau này thành danh như: Vũ Luân, Tú Sương, Trinh Trinh, Quế Trân, Tâm Tâm, Thy Trang, Chinh Nhân, Kim Nhuận Phát, Ái Hằng, Kim Đài Trang, Trường Hải, Chấn Cường…

Tuy nhiên, đó là chuyện của… quá khứ, còn thực tại, “lò” đào tạo của Bạch Long đã ngưng hoạt động. Nghệ sĩ Bạch Long cho biết: “Năm 2002, tôi có mở lớp dạy lại, thu nhận các học viên nhỏ tuổi học, nhưng tiếc là chẳng có mấy học viên theo học, mà cũng chỉ là người lớn thôi, nên tôi nghỉ dạy đến nay”. Có phải bây giờ đã hết các em nhỏ mê cải lương? Nghệ sĩ Bạch Long tiếp lời: “Tôi nghĩ là vẫn còn. Trước đây, chúng tôi dạy được nhiều học viên (có lúc cả 50 em ở TPHCM và các tỉnh theo học). Bên cạnh học lý thuyết, tập dượt, chúng tôi còn tổ chức cho các em thường xuyên diễn ở rạp Đại Đồng, có khán giả mua vé vào xem rất đông. Nhưng nay, điểm diễn không có thì ai dám cho con em mình theo học?”.

Có thể nói, việc đào tạo ca nhạc, cải lương ở các “lò” đã góp phần không nhỏ trong việc cung cấp cho đời sống văn hóa những “hạt mầm nghệ thuật” của sân khấu hôm qua, hôm nay và mai sau. Tuy nhiên, có một thực tế cần phải nhìn nhận là “lò” đào tạo ca nhạc thì ngày càng nở rộ, còn “lò” đào tạo cải lương lại… ít dần đi. Và đó là điều đáng lo ngại cho việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

HUY MIÊN – VÂN AN

Tin cùng chuyên mục