Khi sách làm “báo”

Khi sách làm “báo”

Có người gọi đó là sách “chợ”, lại có người coi đó là sách “chuyên đề”, nhưng cũng có người mỉa mai đó là sách “báo”, còn chính nó thì tự nhận mình là sách “xã hội”. Những cuốn sách mỏng hơn 100 trang in toàn chuyện giật gân câu khách đang bán ở khắp nơi được gọi bằng nhiều cái tên khác nhau như vậy.

Cái tên nào cũng có phần đúng, sách “chợ” vì loại sách này dù được bán ở đâu cũng bị xem nhẹ. Tại các quầy sách báo, những cuốn sách này luôn được xếp ở một vị trí thấp nhất so với những cuốn sách khác, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Khi sách làm “báo” ảnh 1

Gọi là sách “chuyên đề” cũng không sai vì đề tài của những cuốn sách này thường tập trung vào một chủ đề nào đó mà quen thuộc nhất là những chủ đề mang tính giật gân như vụ án, tình dục và nhất là vào những chủ đề đang gây nóng trong dư luận.

Chính vì nội dung tập trung nhiều nhất vào những vấn đề xã hội nên những người thực hiện loại sách này hay tự gọi nó là sách “xã hội” hoặc hoa mỹ hơn là sách “phóng sự xã hội”.

Chính ở đây, cái từ sách “báo” lại là có vẻ hợp với thể loại sách này hơn hết.

H.V - một nhà báo chuyên về đề tài xã hội với những bài báo khá sâu sắc về các vấn đề tranh chấp kinh tế, thị trường - than trời khi được bạn bè bắt khao vì “bài của mày in đầy trong sách kìa”, anh than thở: “Toàn bài mình đăng báo rồi họ lấy lại in lên thành sách nhưng có thèm cho mình biết đâu, đừng nói gì tới nhuận bút”.

Trường hợp nhà báo K.T thì may mắn hơn, bài của anh về đời sống người dân thành phố này, về chuyện xuất khẩu lao động… được đầu nậu sách tới mua đàng hoàng nhưng khi hỏi sẽ in trong sách nào thì chính đầu nậu cũng nhún vai trả lời: “Chưa biết được”.

Phải mãi mấy tháng sau anh mới thấy bài của mình được đăng trong một cuốn sách cùng các bài về sản xuất máy bay và nghệ thuật nấu phở!!

Theo một chuyên gia về làm sách cho biết, cách làm loại sách này nhanh nhất là tập hợp những bài báo từ các tờ báo trong cả nước về một đề tài được coi là có thể thu hút bạn đọc rồi làm thành sách.

Điển hình như khi dư luận rầm rộ về vụ phẫu thuật thẩm mỹ chết người thì một đầu nậu đã nhanh nhạy gom các bài phóng sự trên các báo như SGGP, TN, TT, NLĐ… thành một cuốn sách với rất nhiều thông tin về đề tài này với tên một tác giả duy nhất (?!).

Cũng vì việc sao chép các bài báo để thành sách đã làm nảy sinh ra những chuyện cười ra nước mắt, như một cuốn sách chép các bài báo trên mạng do làm vội vàng đã quên không đổi font chữ được dùng trên trang web cũng như bỏ luôn khâu biên tập, nên khi in thành sách cả một đoạn dài được in bằng một kiểu chữ bị lỗi khiến không ai có thể đọc nổi!

Một cuốn sách khác đưa ảnh một đôi trai gái quấn quít đầy kích dục với nhau trong mưa với chú thích “Một chiều mưa rừng trong chiến tranh” để minh họa một bài báo về đề tài tình yêu thời chiến của các chiến sĩ quân Giải phóng (?!). Lỗi lớn cỡ đó còn bị bỏ qua thì những sai sót kiểu câu chữ, ngữ pháp được coi là bạn đồng hành của loại sách này.

Nhưng sao chép thông tin trên báo vẫn còn được coi là cách thực hiện đàng hoàng. Một cuốn sách lấy chuyên đề về tình dục tuổi mới lớn với đề tựa “Giáo dục và định hướng cho thanh thiếu niên lứa tuổi vào đời” nhưng trong sách chỉ toàn thấy những câu chuyện về trai gái thay người yêu như thay áo, phản bội, lừa gạt, có thai đi phá hay đem con bỏ rơi, rồi tự tử, trả thù đời… mà không hề thấy một lời khuyên nào có tính giáo dục. Không hiểu sau khi đọc xong, bạn đọc trẻ sẽ tìm ra được bài học gì cho mình?

Các cuốn sách dạng này đều được xuất bản dưới tên hiệu của các nhà xuất bản, nhưng thực tế hầu như để mặc cho các đầu nậu sách thao túng. Siết chặt quản lý nội dung của các loại sách này không phải là việc không thể làm được, vấn đề chỉ là bao giờ?.

Tường Vy

Tin cùng chuyên mục