Ca sĩ Bích Hồng: “Tự thắp đuốc cho mình đi”

ảnh
Ca sĩ Bích Hồng: “Tự thắp đuốc cho mình đi”

Ca sĩ Bích Hồng (ảnh) với chất giọng Soprano khá độc đáo, chị thành công rất sớm khi vừa chạm ngõ vào làng ca nhạc, từng đoạt huy chương vàng đơn ca Liên hoan văn nghệ công nhân viên chức toàn quốc 1985; giải nhì cuộc thi “Giọng ca chuyên nghiệp TPHCM - 1990”; giải nhì cuộc thi hát thính phòng toàn quốc năm 1996; giải “Giọng hát vàng ASEAN - Hà Nội - 1996”; Cúp vàng đơn ca “Liên hoan nghệ thuật hữu nghị quốc tế mùa xuân” tại Bình Nhưỡng 1997. Hiện là giảng viên khoa Thanh nhạc, Nhạc viện TPHCM.

Ca sĩ Bích Hồng: “Tự thắp đuốc cho mình đi” ảnh 1

* PV: Chào ca sĩ Bích Hồng, lần này nghe một thông tin mới chị đang tham gia đóng phim “Acappella” của đạo diễn Mỹ Khanh?

* Ca sĩ BÍCH HỒNG:
Thực ra, phải nói rằng tôi và một số giảng viên khác như NSƯT Hoàng Điệp và nhiều sinh viên nhạc viện được đạo diễn Mỹ Khanh mời tham gia đóng một số cảnh liên quan đến buổi trình diễn vở opera trong phim. Chúng tôi chỉ hát như từng biểu diễn trên sân khấu, bởi vai diễn quá đúng với nghề nhạc. Cốt truyện và nhân vật chính xoay quanh các chàng trai nhóm AC&M và diễn viên Ngọc Thuận. Đây là kịch bản phim đầu tiên có nội dung đề cập và đi sâu vào dòng nhạc thính phòng nên thầy trò nhạc viện đều cảm thấy vui, tham gia khá nhiệt tình.

* Câu chuyện này xem ra cũng mang tính “thời sự” về đào tạo ca sĩ, về đời sống âm nhạc của xã hội, với tư cách là một giảng viên thanh nhạc, chị có thể nêu một số nhận xét về tình hình này?

* Vâng, thực ra vấn đề này rất rộng và phức tạp, còn liên quan đến một số khía cạnh khác nữa. Tôi chỉ nói theo kinh nghiệm và nhận xét riêng của mình như một sự sẻ chia và cũng hơi “méo mó nghề nghiệp” một chút bởi mình cũng là người trong cuộc. Về đào tạo thanh nhạc ở nhạc viện, từ lâu đã giúp cho nhiều thế hệ ca sĩ thành danh khi nắm bắt được nền tảng, rèn luyện kỹ năng thanh giọng. Nhưng cũng không ít người có quan niệm sai lệch khi cho rằng học thanh nhạc ở nhạc viện chỉ là hát opera. Họ không biết rằng chính từ việc hát opera đã giúp ca sĩ có thể hát nhạc nhẹ một cách nhẹ nhàng… Bản thân tôi cũng chứng minh điều này qua biểu diễn nhạc nhẹ. Sân khấu “nhạc nhẹ tại gia” Café Bích Hồng ở cư xá Đô Thành của tôi cũng là địa điểm thể hiện và thể nghiệm một cách rõ nét.

* Về dòng nhạc trữ tình hiện nay, theo con mắt người trong nghề như thế nào?

* Âm nhạc là ngôn ngữ không có rào cản và nhất là những giai điệu trữ tình của nó dễ tác động đến trái tim người nghe, hướng người ta đến ý nghĩa của Chân, Thiện, Mỹ. Tất nhiên đó là tính chất tích cực của âm nhạc trữ tình và trái ngược lại, ở khía cạnh khác khi tính trữ tình mang nét tiêu cực là vì sự bộc lộ sự não tình, bi quan, yếm thế. Hai tính chất này xuất hiện và ở mức độ nào, phần lớn tùy thuộc vào quan niệm của người sáng tác, tùy thuộc phương tiện chuyển tải và tâm lý cảm thụ thẩm mỹ âm nhạc của người nghe.

Theo tôi, dòng nhạc trữ tình Việt Nam hiện nay phát triển khá mạnh mẽ. Phần lớn là sáng tác của nhạc sĩ trẻ, do ca sĩ trẻ thể hiện và người nghe cũng thuộc về giới trẻ. Nhạc hay rất hiếm hoi, nhạc não tình lại chiếm số đông. Vì vậy, nhiều người nghe đã quá ngán ngẩm những tính chất não tình của nó nên lại quay về với tính trữ tình trong sáng của dòng nhạc cổ điển như một điều tất yếu. Người ta chưa tin vào những sáng tác của người trẻ cũng là vì thế. Nhưng theo tôi, vẫn có những nhạc sĩ trẻ tài năng và tâm huyết qua sáng tác trữ tình như giai điệu khá đẹp, làm rung động người nghe qua ca khúc “Không còn mùa thu” của Việt Anh hay giai điệu thật xúc động qua ca khúc “Đứa bé” của Minh Khang…

* Là người thầm lặng nhưng công bằng mà nói, chị là người thành công và nổi tiếng khá sớm khi rẽ ngang từ nghề điện sang nghề nhạc?

* Hồi nhỏ, lúc còn học trường phổ thông ở Nha Trang, bạn bè đã cho rằng tôi có năng khiếu đàn, hát. Lớn lên, tôi làm việc ở Công ty Xây lắp điện II; rồi từ phong trào ca nhạc quần chúng, tôi thi và tốt nghiệp đại học, tốt nghiệp cao học khoa Thanh nhạc và trở thành giảng viên của Nhạc viện TPHCM; đoạt một số thành tích như Huy chương vàng Giọng ca hay chuyên nghiệp, Giọng hát vàng v.v… Thú thật, suy ngẫm trong đời, tôi nghĩ ở mỗi chặng đường đời của mỗi người không phải lúc nào cũng bằng phẳng hay nói bóng bẩy một chút là luôn được trải thảm đỏ. Bởi vậy, tôi rất tâm đắc và luôn xây dựng cho mình một quan niệm sống theo câu châm ngôn “Tự thắp đuốc cho mình đi”. Tôi luôn nghĩ “quyết tâm đi có nghĩa là người ta sẽ đến”…

* Ngoài nghề là ca sĩ, giảng viên thanh nhạc, chị cũng được bạn bè khen tặng là “người tề gia, nội trợ giỏi”?

* Do gia đình gốc Huế nên Bích Hồng cũng thích nấu ăn món Huế, bạn bè quá yêu quý Bích Hồng nên khen tặng như thế chứ nào phải mình giỏi giang gì lắm đâu. “Ông xã” thường đi công tác xa, cho nên trong nhà, chuyện chăm sóc, giáo dục con cái đối với Bích Hồng thật quan trọng. Bích Hồng rất thích quan sát trẻ con. Thế giới của bọn trẻ phong phú, lạ lùng, đáng yêu lắm. Bởi vậy, sắp tới đây, Đài Truyền hình TPHCM mời tham gia công việc giáo dục trẻ con qua âm nhạc, Bích Hồng nhận lời ngay. Giáo dục âm nhạc cũng là một cách giáo dục lòng nhân ái, phải không?

* Cảm ơn ca sĩ Bích Hồng. 

KIM ỬNG

Tin cùng chuyên mục