Tình văn nghệ sĩ

°
Tình văn nghệ sĩ

° Văn nghệ sĩ là người của công chúng. Công chúng càng nhiều, càng đông, văn nghệ sĩ càng nổi tiếng. Văn nghệ sĩ là người giàu tình cảm. Họ là những kẻ đa tình, những gã si tình.

Văn nghệ sĩ là người có tài, sáng tác nên tác phẩm văn hóa nghệ thuật. Nguyễn Du từng viết “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Truyền thống đạo đức Việt Nam từ xưa tới nay vẫn xem trọng cái tâm, cái đức: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, “Cái nết đánh chết cái đẹp”…

Tình văn nghệ sĩ ảnh 1

Nghệ sĩ Nhà hát Bông Sen, TPHCM.
Ảnh: TR.M

Văn hóa nghệ thuật là sáng tạo của văn nghệ sĩ trên con đường đi tìm cái đẹp. Cái đẹp ở đây là cái đẹp của cái tâm, cái đức, là tạo nên một lối sống , một nếp sống, một phong cách sống.

Văn nghệ sĩ chân chính là người tự nguyện hiến dâng!

° Vừa qua vợ chồng tiến sĩ Phan Xuân Biên - Phan Thị Yến Tuyết, nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn - Hà Phương; nhà thơ Thanh Thảo - Ý Nhi tổ chức gả chồng, cưới vợ cho con. Đám cưới của các cháu trở thành ngày hội vui, nhất là giới văn nghệ sĩ.

Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, Nghệ sĩ nhân dân Trà Giang, nhạc sĩ Thế Bảo, nhà thơ Chim Trắng, nhà thơ Lê Điệp… cùng bạn bè cười vui mà nói rằng, nhờ có con cháu mà… chúng ta nhận ra mình hơn, mình già đi và lớn hơn. Trong sâu kín lòng mình, ai cũng nghĩ mình phải sống tốt đẹp hơn trong những ngày còn lại...

Chị Trà Giang vui vì trên ti vi đang chiếu phim chị đóng, anh Lư Nhất Vũ vui vì sáng tác mới về An Giang, chị Lê Giang còn viết thật trẻ trung, anh Thế Anh thì khen kịch bản “Giao thời” của Nguyễn Mạnh Tuấn anh vào vai ít được cười, bị lừa nhưng không buồn, anh Chim Trắng sướng vì lên lão được mời đóng phim, nhà thơ Lê Điệp thì kể chuyện thơ anh có mấy nhạc sĩ phổ nhạc… Lê Thành Chơn vẫn năng nổ hừng hực và thích viết, thích làm công tác xã hội-văn chương…

Bức xúc nhưng nhiều niềm vui chia sẻ, chan hòa và trách nhiệm…

° Ở thành phố Hồ Chí Minh có mấy địa chỉ đáng trân trọng. Ấy là Nhà truyền thống Nghệ sĩ, Nhà dưỡng lão Nghệ sĩ, chùa Nghệ sĩ và cả Nghĩa trang Nghệ sĩ. Dù chỉ giới hạn trong phạm vi nghệ sĩ sân khấu cải lương nhưng những địa chỉ ấy âm thầm bền bỉ thể hiện cái tình nghệ sĩ thật cao đẹp.

Từ những năm khó khăn, Hội Ái hữu Nghệ sĩ sân khấu cải lương là chỗ dựa tinh thần cho giới nghệ sĩ. Một trong những người có ý tưởng tốt đẹp lập nên những địa chỉ đó là lão Nghệ sĩ nhân dân Phùng Há. Văn nghệ sĩ vốn cô đơn.

Và càng nổi tiếng họ càng cảm thấy cô đơn, nhất là khi tuổi cao sức yếu. Sự động viên, giúp đỡ, đùm bọc của cộng đồng là điều cần thiết.

Vấn đề còn lại là bản thân văn nghệ sĩ. Thủy chung với mình là cần thiết nhưng là người của công chúng, văn nghệ sĩ hơn ai hết còn phải thủy chung với con người và xã hội.

Lại nhớ về Nguyễn Đình Chiểu… mà đồng vọng!

TRẢNG SA

Tin cùng chuyên mục