Văn hóa ứng xử

Văn hóa học đường đang bị... “ô nhiễm”!

Đó là câu thốt lên đầy bức xúc của một giáo sư ngành ngôn ngữ học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Vị giáo sư này còn nói rằng: “Sinh viên thời nay có quá nhiều người không chỉ làm ảnh hưởng tới môi trường học đường nói chung, mà họ còn tự biến mình trở nên thiếu văn hóa qua cách nói năng, cách ăn mặc...”.

Vâng! Quả là lời phàn nàn nhận xét về sinh viên bây giờ của vị giáo sư quá đúng vì hiện nay có một bộ phận sinh viên đã và đang làm cho xã hội nhìn vào giới với con mắt “giảm” thiện cảm. Ở đây tôi chưa nói tới các khía cạnh khác mà chỉ xin đề cập môi trường học đường - nơi sinh viên cắp sách tới để học hành, trau dồi kiến thức cho hành trang vào đời. Văn hóa học đường là cách xử sự giao tiếp giữa sinh viên với nhau, giữa sinh viên với thầy cô giáo, cách học và tiếp thu kiến thức. Văn hóa còn được thể hiện qua cách phát ngôn, cách ăn mặc...

Đến bất cứ giảng đường của một trường đại học, cao đẳng nào bây giờ, nếu vào mùa đông còn đỡ, chứ mùa hè thì hình ảnh đập vào mắt bất kỳ ai đầu tiên đó là không ít cô, cậu sinh viên với gương mặt thanh tú, đẹp đẽ lại mang trên mình những bộ áo quần hở hang, te tua, vá víu... mà họ tự cho đó là thời trang, là mốt (?!).

Có nhiều sinh viên nữ mặc các bộ đồ quá ngắn, thậm chí siêu ngắn vào lớp học. Nếu đem so sánh với học đường ở Singapore, Hồng Công, Nhật Bản... thì các bộ đồ ấy không đáng xuất hiện ngoài đường, bởi sinh viên của họ bất kể vào giảng đường hay đi dạo phố đều ăn mặc rất lịch sự, chỉnh tề, kín  đáo. Một bộ phận sinh viên nữ có quan niệm khá… cởi mở khi họ nghĩ cứ hở một chút là đẹp và cứ ngắn, cứ xẻ... là thời trang.

Chính vì thế mà họ tự biến môi trường học đường thành một sân khấu thời trang ứng dụng. Các bạn sinh viên nam thì coi quần jean phải xé ngang đùi, ngang gối vài chỗ mới là sành điệu. Có bạn trai còn mặc các bộ quần bò trễ cạp đến hở cả đồ lót để chứng tỏ mình là dân chơi, xài đồ hiệu... Vẫn biết rằng việc đồng phục khi lên giảng đường ở ta là khó lòng thực hiện được, nhưng cách ăn mặc quá tự do đang làm xấu đi hình ảnh sinh viên vốn đẹp, trang nhã, giản dị từ lâu...

Có đến 50% - 60% sinh viên văng tục, chửi bậy, dùng từ lóng ở nơi giảng đường. Họ còn gọi thầy cô là “ông khốt”, “bà khốt” hay “lão hâm”, “bà dở hơi”... Tất nhiên họ nói với nhau sau lưng thầy cô giáo, nhưng như thế là họ thiếu tôn trọng người dạy dỗ mình.

Cách ăn mặc, nói năng là vậy, còn trong giờ học cũng ngày càng thiếu kỷ cương. Trong lúc thầy, cô giáo lên lớp, sinh viên tất nhiên không được nói chuyện riêng, không làm các công việc khác..., thế nhưng bây giờ nhiều phòng học như chợ vỡ, sinh viên ra vào tự do bừa bãi... và còn sử dụng điện thoại di động trong lớp một cách tùy tiện...

Đây quả là một vấn đề đáng báo động, đáng lo ngại và để cải thiện cái “môi trường” ấy thì không ai có thể làm được, ngoài sự tự nhận biết cùng ý thức của mỗi sinh viên mà thôi.

TRẦN ANH QUỐC (Đại học dân lập Phương Đông)

Tin cùng chuyên mục