Câu chuyện huấn luyện viên

Thay quả na bằng... một quả mãng cầu?

1.
Thay quả na bằng... một quả mãng cầu?

1. Thay hay không thay HLV Riedl? Đó là câu hỏi rộ lên những ngày này trên các phương tiện truyền thông, trong dư luận quần chúng, cả trong văn phòng Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF). Thực ra việc thay một HLV đội tuyển là chuyện hết sức bình thường ở bất cứ đâu trên thế giới. Tele Santana của tuyển Brazil hay Sven-Goran Eriksson của tuyển Anh còn bị thay, tầm cỡ Riedl chỉ là chuyện nhỏ.

HLV Riedl: Đường dài nghĩ tới mà kinh!
HLV Riedl: Đường dài nghĩ tới mà kinh!

Biết bao nhiêu lời bàn ra tán vào quanh đề tài này. VFF băn khoăn “Coi chừng! Thay Riedl không có lý do chính đáng, phải bồi thường”. Lại nói “Chờ ổng về Áo thay thận để xem sức khỏe ổng ra sao rồi tính”. Ý là nếu Riedl nằm viện quá thời hạn, VFF sẽ có lý do để cắt hợp đồng mà khỏi tốn tiền bồi thường.

Tính toán kiểu này thì nhỏ mọn và bất nhẫn thiệt. Báo chí và người hâm mộ nằng nặc “Khả năng chuyên môn của Riedl đã đụng trần, đội tuyển đá chẳng ra đường lối gì hết”. Cái này thì đúng. Tôi cũng nghĩ không thể chờ đợi ở HLV Riedl sự đột biến về phương pháp huấn luyện, cũng như không hy vọng đội tuyển Việt Nam có thành tích gì cao hơn dưới sự huấn luyện của ông.

Riedl phản ứng “Đội tuyển Việt Nam đã chơi tốt ở Asiad Doha, huy chương bạc King’s Cup, huy chương đồng AFF Cup. Đội tuyển đã đi đúng hướng.” Riedl tự phong như vậy. Rồi kết luận “Trừ phi tôi chết sau ca mổ, tôi sẽ quay lại Việt Nam. Tôi không có lý do gì để từ chức”. Về điều này, Riedl có lý. Tôi không nghĩ ông nói lấy được. Bởi những điều ông nói đều là sự thật. Vấn đề thực ra nằm ở chỗ: Thế nào là đúng hướng?

2. Hóa ra Liên đoàn bóng đá Việt Nam chẳng có cái hướng nào hết. Nên bây giờ chẳng biết đáp trả làm sao. Rield tuyên bố: “Một đội tuyển quốc gia mất cùng lúc 7 tuyển thủ qua vụ án bán độ ở SEA Games 23 (sau này ông tăng lên 9 - chỗ này ông hơi... ăn gian khi tính luôn Anh Đức, Vũ Phong, vốn bị chấn thương dưới sự huấn luyện của ông) mà đá được như vậy là quá tốt rồi!”.

Đó là niềm tin của ông Riedl và chúng ta nên tôn trọng niềm tin đó, cũng như nên tôn trọng và biết ơn những gì ông đã làm được cho bóng đá Việt Nam trong 8 năm qua. Nhưng sau 8 năm, chẳng lẽ cuộc sống cứ mãi dẫm chân tại chỗ? Những chiếc huy chương bạc và đồng Đông Nam Á bây giờ là nỗi đau chứ không còn là vinh dự nữa rồi.

Trong giai đoạn phát triển mới, yêu cầu chuyên môn và thành tích của nền bóng đá nước nhà bắt buộc phải cao hơn và khả năng của HLV Riedl rõ ràng không đáp ứng được những đòi hỏi của sự  nâng cấp. Đơn giản vậy thôi.

Chẳng qua VFF vốn là một tổ chức không có tầm nhìn lẫn tham vọng nên ông HLV đội tuyển cũng có não trạng như vậy. Cũng với những giải đấu kể trên, giới truyền thông và người hâm mộ nhìn kết quả của đội tuyển dưới một thứ ánh sáng hoàn toàn khác với Riedl: “Bị loại ngay từ vòng bảng ở Asiad, hạng nhì ở giải giao hữu King’s Cup sau khi thua Thái Lan cả hai trận, rồi lại thua tiếp Thái Lan trận thứ ba trong vòng một tháng ở bán kết AFF Cup”. Nhìn dưới nhãn quan đó, khó có thể bảo là đội tuyển vẫn đi đúng hướng.

Thay quả na bằng... một quả mãng cầu? ảnh 2
Chỉ các cổ động viên cuồng nhiệt không thôi chưa đủ giúp Tuyển Việt Nam … đoạt cúp vàng!

Nhưng tại sao ông Riedl vẫn khăng khăng như thế? Ông biện minh chăng? Hay ông cãi chày cãi cối? Tôi không nghĩ như vậy. Tôi tin đó là sự xác tín của ông. Bởi vì VFF đâu có đặt ra cho ông một mục tiêu có tham vọng. VFF không những rụt rè khi đặt ra mục tiêu phải chinh phục mà ngay một kế hoạch tổng thể để phát triển bóng đá nước nhà với những mục tiêu ngắn, trung và dài hạn lẫn lộ trình thực hiện cũng không có nốt.

3. Nếu ta không có khâu huấn luyện và đào tạo trẻ bài bản, khoa học, ta bỏ bê bóng đá học đường, ta không xác định được lối đá đặc trưng và phù hợp với tố chất con người Việt Nam, ta không tạo ra được một môi trường chuyên nghiệp thực sự, ta vẫn quen kiểu gặt hái thời vụ; hay khái quát hơn, nếu ta không rõ bóng đá Việt Nam đang thiếu gì và cần gì, đang hướng tới những mục tiêu cụ thể nào trong thời gian bao lâu, nghĩa là không giải quyết được cái gốc tư tưởng mà chỉ lo đối phó phần ngọn thì thay ông HLV này bằng ông HLV khác cũng chẳng khác nào thay quả na bằng quả... mãng cầu. Vậy trước khi vò đầu bứt tóc để nghĩ xem nên thay ông Riedl bằng cách nào là ổn thỏa nhất, thiết tưởng VFF nên suy nghĩ về một vấn nạn căn cơ hơn: Thay để làm gì?

Nếu thay chỉ để trấn an người hâm mộ sau những thành tích nghèo nàn mà không có một ý đồ nào sâu xa hơn thì VFF mãi mãi là một tổ chức được dựng lên để suốt đời lo đối phó với dư luận thay vì để đưa bóng đá nước nhà đi lên!

Chu Đình Ngạn

Tin cùng chuyên mục