Tranh Đông Hồ, hàng Trống đến Sài Gòn

Tranh Đông Hồ, hàng Trống đến Sài Gòn
Tranh Đông Hồ, hàng Trống đến Sài Gòn ảnh 1

Tranh Đông Hồ “Em bé chơi cá”.

Nhân chương trình hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân, bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp cùng bảo tàng Mỹ thuật TPHCM đã tổ chức triển lãm chuyên đề “tranh dân gian Việt Nam” tại 97A Phó Đức Chính, quận 1 (từ 2-2 đến 28-2-2007).

Lần đầu tiên 178 tác phẩm trong bộ sưu tập tranh Đông Hồ và tranh Hàng Trống được giới thiệu rộng rãi với công chúng phía Nam.

Thuở nhỏ, tôi thường theo bố đi chợ Tết và ngắm nhìn người ta bán tranh Đông Hồ. Những kỷ niệm ấy cho đến bây giờ vẫn không bao giờ tôi quên được. Không biết vì sao những bức vẽ ấy cứ làm tôi mê mải…

Nghệ nhân Lê Đình Nghiên, người vẽ tranh Hàng Trống được mời trình diễn trong buổi triển lãm  đã kể lại việc học vẽ và nối nghiệp người bố ở làng Đông Hồ. Trong gia đình 7 người con nhưng chỉ có một mình ông là nối nghiệp vẽ tranh Hàng Trống truyền thống.

Nghệ nhân Lê Đình Nghiên cho biết tranh dân gian còn gọi là tranh Tết vì tranh được dùng trang trí trong những ngày Tết cổ truyền. Nó có ý nghĩa mang lại nhiều hạnh phúc, ấm no, thịnh vượng cho mọi người. Đôi khi thật dí dỏm. Tết là vậy, phải vui.

Bởi vậy, dù nhà giàu hay nhà nghèo, trong nhà người ta treo nhiều bức tranh em bé  ôm gà, em bé ôm trái đào, gà đàn, lợn đàn, cá chép trông trăng, vinh quy bái tổ, đám cưới chuột … được thể hiện khá gần gũi cuộc sống.

Tranh Đông Hồ, hàng Trống đến Sài Gòn ảnh 2

Bộ tranh Hàng Trống “Bốn mùa”.

Về thể loại tranh dân gian, ông Lê Đình Nghiên cũng giới thiệu thêm các loại tranh phổ biến. Ví dụ với tranh thờ cúng, sẽ có những bức vẽ thần, thành hoàng, bà chúa thượng Ngàn, Ông hoàng cưỡi ngựa; tranh lịch sử với những bức vẽ bà Trưng, bà Triệu, Đinh Bộ Lĩnh; tranh châm biếm, tạo tiếng cười phê phán tinh tế như Đánh ghen, Thầy đồ cóc, Cóc kiện trê; hoặc tranh truyện thơ Nôm như Nhị Độ Mai, Thạch Sanh…

Bây giờ đang làm việc ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, ông Lê Đình Nghiên cũng không giấu được niềm vui khi biết rất nhiều họa sĩ đã đem chất liệu tranh dân gian Đông Hồ, tranh Hàng Trống vào tác phẩm của họ như họa sĩ Phạm Văn Đôn, Mai Khanh, Nguyệt Nga, Trần Khánh Chương, Nguyễn Đức Hòa nhất là thật tuyệt vời với nét vẽ của họa sĩ lão thành Nguyễn Tư Nghiêm…

Được biểu diễn vẽ, in tranh Hàng Trống giới thiệu với người dân thành phố Hồ Chí Minh trong cuộc triển lãm lần này, ông Lê Đình Nghiên cũng cho rằng là một niềm vui lớn và hy vọng cuộc trưng bày tranh dân gian sẽ là món quà xuân đầy nét văn hóa đặc sắc trong đời sống người dân Việt Nam…

YÊN NGỌC

Tin cùng chuyên mục