Đầu xuân, sách theo người đi xa

Sáng mùng 4 tết, toàn bộ hơn 20 nhà sách của Công ty cổ phần Phát hành sách TPHCM (Fahasa) đồng loạt mở cửa. Tại nhà sách Nguyễn Huệ, sau màn chúc tết, lì xì cán bộ công nhân viên, ông Phạm Minh Thuận, Tổng Giám đốc Fahasa không quên dặn dò: “Chú ý khách Việt kiều”.
Đầu xuân, sách theo người đi xa

Sáng mùng 4 tết, toàn bộ hơn 20 nhà sách của Công ty cổ phần Phát hành sách TPHCM (Fahasa) đồng loạt mở cửa. Tại nhà sách Nguyễn Huệ, sau màn chúc tết, lì xì cán bộ công nhân viên, ông Phạm Minh Thuận, Tổng Giám đốc Fahasa không quên dặn dò: “Chú ý khách Việt kiều”.

Đầu xuân, sách theo người đi xa ảnh 1

Tìm những cuốn sách hay trong những ngày đầu xuân để mang đi xa là nhu cầu của đông đảo bà con Việt kiều. Ảnh: T.V.

Ông Thuận cho biết, thường thời gian sát tết, hoạt động của Fahasa khá cầm chừng do khách hàng chuẩn bị ăn tết là chính, thế nhưng thời gian sau tết thì ngược lại. Đặc biệt, đây cũng là quãng thời gian khách Việt kiều về quê ăn tết đi mua sách nhiều nhất.

Ngay khi ông Thuận đang nói, một nhóm khách ồn ã vào nhà sách. Đi đầu là hai cậu bé khoảng 10-12 tuổi, tiếp đến là một cặp vợ chồng và sau cùng là hai ông bà, cả ba thế hệ cùng đi mua sách.

Qua trao đổi, chúng tôi được biết đây là gia đình ông Nguyễn Hữu Nhạc, Việt kiều Mỹ, đợt này ông đưa ba mẹ và 2 con về quê ăn tết.

Ông cho biết mỗi lần về Việt Nam, khi trở lại Mỹ, sách luôn là món quà được ưu tiên nhất trong hành lý của ông. Vừa thuận tiện trong chuyên chở và thủ tục hải quan lại vừa là món quà kỷ niệm đầy ý nghĩa cho chính ông cũng như gia đình, bạn bè, người thân.

Ba mẹ và các con ông cũng cùng suy nghĩ đó nên dịp đi mua sách này trở thành một chuyến du xuân của cả gia đình.

Không chỉ thuần túy làm những món quà quê hương, sách còn phần nào phản ánh đời sống tinh thần của những người con xa xứ.

Như trường hợp ông Nhạc, lần này chủ yếu tìm mua sách về châm cứu, sách đông y, mảng sách văn học ông cũng chỉ tìm mua một số tác phẩm xưa như Truyện Kiều, Tam Quốc Chí.

Ông cho biết, sau một thời gian xa xứ hầu như ông không có ý niệm gì về văn học hiện đại nên rất ngại mua sách văn học của các nhà văn hiện nay vì không biết ai hay, ai dở, có hợp không, lại không thể mua quá nhiều sách do giới hạn của hành lý.

Ông Nhạc tiếc rẻ: “Giá mà có cuốn sách nào tổng quát về văn học Việt Nam hiện đại thì tốt quá”. Khác với trường hợp ông Nhạc, vợ chồng chú Toản và cô Hợp, Việt kiều Úc lại chú tâm tìm kiếm các tác phẩm tiểu thuyết như những ấn bản của nhóm Tự lực Văn đoàn và các tác phẩm mới của những nhà văn trẻ hiện nay để đối chiếu tư tưởng giữa các thế hệ, một hình thức tìm hiểu sự thay đổi của đất nước khá lạ. Ngoài ra, mảng sách nghiên cứu, sách tham khảo cũng được khách Việt kiều chú ý.

Một điều khá thú vị là mảng sách dịch các tác phẩm nổi tiếng như những ấn bản Harry Potter, Eragon, Pendragon hay những tác phẩm đoạt giải Nobel, giải Man Brooker như Tình ơi là tình, Biển… cũng được nhiều khách Việt kiều quan tâm.

Ông Trần Mai Thảo, Việt kiều Mỹ, hiện đang sinh sống tại New Jersey giải thích lý do mua bộ Harry Potter: “Đương nhiên là bên đó cũng có nhưng là bản tiếng Anh, tôi mua thêm bộ tiếng Việt để cho mấy đứa nhỏ ở nhà tập đọc tiếng Việt cho khỏi quên, đây là bộ truyện chúng thích nên sẽ dễ tiếp thu, chưa kể là chỗ nào không hiểu có thể đối chiếu với bản tiếng Anh”.

Tuy nhiên, mảng sách văn học vẫn không phải là mảng sách được khách hàng Việt kiều lựa chọn nhiều nhất. Theo một thống kê nhanh của Fahasa trong ngày mở cửa đầu xuân 2007 thì các loại sách kỹ năng, sách xã hội vẫn là ưu tiên hàng đầu trong hành lý rời quê hương của bà con Việt kiều.

Ngày đầu xuân dạo qua các nhà sách để tìm những tựa sách ưng ý không chỉ là một thú vui đầy tao nhã mà còn là một nét đẹp văn hóa. Với những người con đất Việt xa quê, những cuốn sách mua ngày đầu xuân nơi quê hương sẽ trở thành nhịp cầu góp phần gìn giữ một nét văn hóa của quê hương nơi xứ người.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục