Múa lân – sư – rồng tại TPHCM

Ngày càng chuyên nghiệp, hấp dẫn

Ngày càng chuyên nghiệp, hấp dẫn

Năm nào cũng thế, những ngày đầu năm mới, mặc dù đường phố luôn ít xe cộ lưu thông, nhưng trên nhiều tuyến đường người ta vẫn thấy sự nhộn nhịp bởi những đoàn lân - sư - rồng (LSR) với các tiếng trống “tùng tùng, tùng tùng, cắc cắc…”.

  • Học nghề cũng lắm gian nan
Ngày càng chuyên nghiệp, hấp dẫn ảnh 1

Đoàn lân - sư - rồng Thanh Liên với màn biểu diễn lân lên mai hoa thung.

Hiện nay, ở TPHCM có khoảng gần 100 đoàn LSR lớn nhỏ ở khắp các quận huyện, từ nội thành đến cả ngoại thành. Các đoàn LSR được nhiều người yêu thích và tiếng tăm có thể kể đến: Hằng Anh Đường, Nhơn Nghĩa Đường, Liên Nghĩa Đường, Tâm Hoa Đường, Thanh Liên, Phù Đổng…

Đoàn LSR nhỏ nhỏ cũng có vài chục thành viên, đoàn nào lớn thì có đến trên trăm người với nhiều lứa tuổi và hầu hết đều là dân “luyện võ” thứ thiệt. Các đoàn LSR thường thu nhận thành viên mới từ 8, 9 tuổi trở lên và phải “lì đòn, chịu khó luyện võ”.

Điều khá đặc biệt là các thành viên của các đoàn LSR mặc dù mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau (học sinh, sinh viên, bán vé số, công nhân…), nhưng đều đến với nghề múa LSR bằng một niềm đam mê mãnh liệt. Sau mỗi ngày lao động, học tập vất vả, tối đến, họ tập trung lại để cùng luyện võ, tập múa LSR và việc học múa LSR cũng trải qua nhiều bước, từ dễ đến khó, từ thấp đến cao như: lân leo cột; lân – sư nhảy mai hoa thung…

Lúc đầu, tập múa dưới đất, kế đến là tập múa trên những chiếc bình thật uyển chuyển để chiếc bình không vỡ. Sau đó sẽ tập múa lân trên mai hoa thung (trên những chiếc trụ sắt) và độ khó ngày càng cao hơn, đòi hỏi tính chuẩn xác rất cao để tránh những tai nạn không đáng có như té từ trên cột sắt xuống đất… Và chuyện các “diễn viên” tập luyện, biểu diễn bị trầy sước, trật tay – chân là… thường!

Em Nguyễn Trang Hùng Dũng (học sinh lớp 9, Trường THCS Lam Sơn), người vừa thể hiện khá thành công màn biểu diễn múa lân trên mai hoa thung tại Công viên văn hóa Đầm Sen vào sáng 24-2 phấn khởi cho biết: “Mới hôm tết em biểu diễn ở Công viên Tao Đàn bị tai nạn nghề nghiệp, té trầy sước cả tay chân, đổ máu, nhưng vẫn diễn đến nay, cũng đỡ đau rồi. Em rất thích múa LSR, vui lắm! Sau giờ học là em tranh thủ đi luyện võ để múa lân cho thiệt giỏi. Ở nhà em có hai anh em trai, em của em năm nay được 11 tuổi cũng theo em đi học múa LSR… Em ước muốn sau này trở thành một huấn luyện viên múa LSR giỏi…”.

  • Năm nào cũng múa, khán giả vẫn thích xem!
Ngày càng chuyên nghiệp, hấp dẫn ảnh 2

Đoàn lân - sư - rồng Phù Đổng đang biểu diễn tại Đầm Sen sáng 24-2.

Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về hay dịp khai trương… nhiều gia đình, cửa hàng, doanh nghiệp… thường mời các đoàn LSR về múa với mong muốn xua tan những xui xẻo, phiền muộn của năm cũ, may mắn trong năm mới hay mua bán, làm ăn được “thuận buồm, xuôi gió”.

Và có thể nói, múa lân – sư – rồng là loại hình nghệ thuật có sức hấp dẫn người xem đến kỳ lạ. Về nội dung biểu diễn, đa số các đoàn LSR đều thể hiện khá giống nhau và gần như năm nào cũng biểu diễn cảnh: “Con lân tung hoành bốn phương, rồi nghỉ tại một nơi nào đó bị con kiến cắn đánh thức trong lúc ngủ. Con lân tức giận lật cả ổ kiến lên và phát hiện có linh khí từ một hang động thoát lên, con lân biết được bên trong có linh chi và đột nhập vào hang động, nào ngờ gặp phải con bò cạp lớn đang giữ cây linh chi nên con lân múa dụ bò cạp bò ra khỏi hang động để tiêu diệt và hái được linh chi…”.

Ở cảnh này, con lân thể hiện các trạng thái: hỉ, nộ, ái, ố, động, tịnh, kinh, nghi, thị, tỉnh với nhiều tư thế nhảy, ngồi, nằm, đứng, tiến, vặn mình, lăn vòng… khá độc đáo, làm người xem thích thú dõi theo từng động tác của lân.

Bên cạnh đó, có những đoàn LSR tự nghĩ ra những cách trình diễn với nội dung khác nhau, tùy theo phái võ mà trưởng đoàn truyền dạy cho các đệ tử, như: vận công dùng tay, chân đập vỡ trái dừa tươi, dùng đầu đập vỡ những viên gạch rắn chắc; để bàn chông dưới lưng, trên bụng và có người đặt gạch lên, dùng búa tạ đập vỡ viên gạch, nhưng thân hình vẫn không hề hấn gì, hoặc dùng cổ uốn cong thanh sắt…

Anh Tăng Kỹ Quang – phụ trách đoàn LSR Thanh Liên cho biết: “Để thu hút khán giả, đoàn LSR của mình không chỉ rèn luyện võ thuật thường xuyên mà còn phải sáng tạo ra nhiều “chiêu” mới lạ. Năm 2004, tôi được xác lập kỷ lục Việt Nam với chiêu Thiết đầu công, trong 36 giây dùng đầu đập vỡ 30 viên gạch tàu. Sang năm 2007 này, tôi đã đăng ký xác lập kỷ lục Việt Nam dùng đầu đập vỡ 100 viên gạch tàu liên tục (mỗi lần đập từ 2 đến 3 viên) trong thời gian ngắn nhất và lân nhảy mai hoa thung trong đêm tối không cần đèn với chiều cao của cột sắt từ 0,8 - 2,8m…”.

Ngày càng chuyên nghiệp, hấp dẫn ảnh 3

Các “diễn viên” đánh trống, đánh chập chã, một phần không thể thiếu để làm nên sự thành công của đoàn Lân-Sư-Rồng.

Từ nhiều năm nay, LSR không chỉ múa tại gia và múa mừng khai trương tại các cửa hàng, doanh nghiệp… mà vào những dịp lễ, tết, ở các lễ hội, các công viên văn hóa cũng mời các đoàn LSR về biểu diễn phục vụ công chúng từ hàng trăm đến hàng ngàn lượt người xem.

Huấn luyện viên Võ Thị Hồng Loan - Đoàn LSR Phù Đổng cho biết: “Hầu như năm nào, đoàn LSR Phù Đổng cũng được Đầm Sen mời biểu diễn phục vụ khán giả mấy ngày tết và rất vui khi rất đông du khách thích thú ngồi xem.

Thấy các khán giả xem khoái chí là các thành viên của đoàn càng diễn hăng say hơn…”. Múa LSR ngày tết, ngày khai trương cũng lắm giá cả, cỡ nào cũng có từ vài trăm ngàn đồng đến hàng chục triệu đồng, tùy theo tên tuổi của đoàn LSR và biểu diễn thời gian bao lâu, với bao nhiêu tiết mục. Chẳng hạn như, đoàn LSR Thanh Liên diễn 10 tiết mục, có giá từ 8 - 10 triệu đồng…

Có thể nói, những ngày đầu xuân mới, xem nghệ thuật múa lân – sư – rồng cũng là một thú vui của nhiều người dân thành phố. Có lẽ, chính nhu cầu ấy mà vài năm trở lại đây, các đoàn lân – sư – rồng trên địa bàn TPHCM luôn phát triển không ngừng và ngày càng chuyên nghiệp hơn! Đó cũng là một nét đẹp văn hóa, niềm tự hào của TPHCM!

ĐỖ HẠNH

Tin cùng chuyên mục