Đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc với vở cải lương “Đừng tuyệt vọng tôi ơi”

Đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc với vở cải lương “Đừng tuyệt vọng tôi ơi”

Vừa từ Mỹ về nước sau ngày dài đoàn tụ với chồng, đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc (ảnh) và các cộng sự đang háo hức bắt tay thực hiện dự án cải lương xoay quanh đề tài ma túy, AIDS… Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với chị.

* Đừng tuyệt vọng tôi ơi (kịch bản: Nguyễn Thị Minh Ngọc; đạo diễn: Quốc Kiệt và Xuân Hồng) là một trong những vở diễn của VN tham gia Liên hoan Sân khấu thực nghiệm Mê Công cuối năm ngoái. Kết hợp nghệ thuật cải lương với video art chưa “đã” sao mà giờ chị đưa cả múa đương đại và nghệ thuật sắp đặt vào vở diễn?

Đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc với vở cải lương “Đừng tuyệt vọng tôi ơi” ảnh 1
Ảnh: TH.D.

- Tôi vừa có duyên nợ với cải lương, vừa… nợ nần “vụ” ma túy, AIDS. Duyên nợ với cải lương, vì đã viết không ít kịch bản và dàn dựng các vở cải lương ở nhiều đề tài khác nhau. Còn “nợ nần”, vì tôi có bạn trong giới và người thân từng dính ma túy. Là người trong cuộc, tôi nhận ra, khoảng cách từ cải lương tới đề tài ma túy, AIDS rất gần vì làn điệu cải lương có thể dễ dàng chuyển tải những điều khó nói. Cải lương mang đậm thái độ tình tự và chia sẻ. Với những người mắc vào nghiệp chướng, những câu ca cải lương ngọt lành hy vọng giúp họ lấy lại tinh thần vững vàng để vui sống và phần nào vơi đi nỗi nhọc nhằn của thể xác trong hoàn cảnh khắc nghiệt họ đang phải đối mặt...

Bản thân cải lương dễ dàng chiêu nạp cái mới. Vở diễn tiếp thu cải lương ở làn điệu và kết hợp với múa đương đại, video art, sắp đặt trên sân khấu hiện đại sẽ làm loại hình nghệ thuật tân thời này gần gũi hơn với khán giả.

* Việc kết hợp liệu có… hỗn độn khi những hình ảnh video được lấy từ bộ phim Nỗi đau này không của riêng ai sản xuất từ năm 1983?

- Đầu những năm 1980, nhạc sĩ Trương Quốc Khánh, đạo diễn Mỹ Hà và tôi cùng bắt tay thực hiện bộ phim tài liệu Nỗi đau này không của riêng ai (tên khác là Ma túy – SOS). Bộ phim đoạt giải B- giải thưởng Báo chí TPHCM năm 1984. Video art, múa và sắp đặt, suy cho cùng chỉ là phương tiện để nghệ sĩ chia sẻ với những người không may mắn. Tôi nhớ, trong thời gian viết kịch bản phim, nhạc sĩ Trương Quốc Khánh sống cùng họ. Có người nhảy lầu tự tử, máu tóe vào bản thảo mà anh đang viết. Bao nhiêu năm, nỗi đau chưa nguôi ngoai và những vấn đề chúng tôi đặt ra ngày ấy vẫn còn nóng hổi. Tôi viết lời bình: “Việc cai nghiện là không thể khi đâu đó trên đất nước này vẫn còn những cánh đồng ma túy”. Cụm từ “trên đất nước này” bị sửa thành “trên trái đất này”. Trong khi tư liệu chúng tôi mua ở miền Bắc là cảnh quay những cánh đồng hoa anh túc nở trắng bạt ngàn… ngay trên đất nước ta. Sợi dây xuyên suốt tất cả những chất liệu, những tác phẩm chúng tôi đã và đang làm chính là tâm nguyện muốn đưa nghệ thuật đến gần hơn nữa với công chúng, đặc biệt là những số phận không yên lành…

* Chọn diễn viên cho vở diễn đều là những gương mặt “mới toe”, chắc chị có lý do đặc biệt?

- Yêu cầu của tôi đặt ra với diễn viên là biết ca cải lương. Các em sinh viên hay các nghệ sĩ trẻ đã tốt nghiệp khóa đào tạo của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đều có thể đáp ứng yêu cầu này. Sau mỗi buổi diễn, chúng tôi tổ chức thảo luận để các em thể hiện ý kiến, trao đổi về nội dung vở diễn với khán giả. Vì vậy, chọn người chưa có tên tuổi làm cho khán giả thấy gần gũi hơn…

* Vở diễn sẽ tiếp cận khán giả ra sao?

- Tôi đã làm việc với Tổng đội Thanh niên xung phong TPHCM. Nếu không có điều kiện dựng sân khấu riêng, chúng tôi sẽ diễn một số buổi tại hội trường. Sau mỗi suất diễn, khán giả trở ra và lớp khác vào xem. Như vậy, khán giả… chạy sô, còn nghệ sĩ đợi khán giả…

* Với một vở diễn tổng hợp nhiều loại hình nghệ thuật đòi hỏi kinh phí không nhỏ để triển khai. Vậy chị đã xin tài trợ từ nguồn nào?

- Tôi xin Quỹ UNESCO để dựng vở và diễn phục vụ ở các trại cai nghiện, nhưng kinh phí chỉ đủ hỗ trợ 5 suất diễn. Chúng tôi tiếp tục tìm kiếm tài trợ và mong nhận được những tấm lòng hảo tâm để vở diễn đến được với nhiều người xem hơn nữa. Chỉ cần thêm 5 triệu đồng là chúng tôi có thêm 1 suất diễn. Đầu tư vở diễn khá tốn kém, nhưng chúng tôi đành thắt lưng buộc bụng và anh em nghệ sĩ ai cũng hiểu, khó khăn đến mấy vẫn ấm lòng vì được làm nghệ thuật phục vụ cộng đồng.

* Ngoài dự án cải lương nói trên, về nước lần này, chắc chị còn nhiều dự định?

- Tôi nói với ông xã về chơi, nhưng rồi công việc ào ào kéo đến, nào là viết kịch bản phim, kịch… Những nghệ sĩ mà tôi có dịp làm việc trong dịp này gây cho tôi rất nhiều cảm hứng, như: Ái Như, Thành Hội, Vũ Minh, Đinh Anh Dũng… Một số dự án khá thú vị nhưng tôi chưa muốn nói trước. Một trong những lý do khiến tôi sợ nói ra là nếu biết tôi về nước lại lăn vào làm việc… như điên, hẳn anh ấy sẽ rất buồn!

* Xin cảm ơn chị và chúc những dự án thành công! 

VÕ THÂM

Tin cùng chuyên mục