Nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Thu Phương

Tôi đang nhập cuộc “Phiên chợ số”

Các giải thưởng:
Tôi đang nhập cuộc “Phiên chợ số”

Tôi đang nhập cuộc “Phiên chợ số” ảnh 1

Năm 1995, từ những trang viết đầu tay khá bỡ ngỡ, đến nay Nguyễn Thu Phương (ảnh) đã có 13 tập truyện và nhiều kịch bản sân khấu, kịch bản phim. Năm 1998, khi kịch bản “Thời con gái đã xa” được đạo diễn Đoàn Bá dàn dựng khá thành công, nhà biên kịch trẻ này đã quyết định bước hẳn vào con đường sáng tác kịch bản chuyên nghiệp.

- PV: Thời con gái đã xa viết sau Nhà có ba chị em chỉ sau một năm thế nhưng vì sao mãi đến 6 năm sau mới được dàn dựng và khá thú vị khi nó được nhiều đơn vị nghệ thuật đề nghị chuyển thể?

Nhà văn, nhà biên kịch NGUYỄN THU PHƯƠNG: Mỗi tác phẩm gần như đều có số phận như con người, hay sao ấy! Nhà có ba chị em ban đầu cũng hơi lận đận, cuối cùng nó đã may mắn khi được Nhà hát Tuổi Trẻ dàn dựng và nổi đình đám thời gian qua ở Hà Nội. Tác phẩm cũng được Trung tâm Sản xuất phim truyện (VFC) - Đài Truyền hình Việt Nam chuyển thể, phim đã đoạt giải thưởng trong Liên hoan truyền hình toàn quốc 1-2007.

- Xem ra về sáng tác kịch bản, Thu Phương khá “bén duyên” với truyền hình trước khi đến với sân khấu?

Vâng, tôi đến với truyền hình từ kịch bản Cũng một con đường được đạo diễn Nguyễn Văn Phúc dàn dựng; kịch phát sóng vào dịp tết năm 1996. Kế đến Một câu chuyện đời, được đạo diễn Lê Văn Tĩnh dàn dựng. Kịch bản này do tôi chuyển thể từ truyện ngắn khá cảm động của tác giả Phan Cao Toại.

Sau này khoảng đầu năm 2001, khi hãng TFS vận động sáng tác kịch bản truyền hình, tôi đã tham gia với kịch bản Phép thử, phim được đạo diễn - NSƯT Lê Dân thực hiện và sau đó đổi tên là Ngoại tình. Nhờ sự giúp đỡ tận tình của các anh chị hãng TFS như đạo diễn Vinh Hương, đạo diễn Đinh Đức Liêm… kịch bản Công ty thời trang ra đời trong bối cảnh nghề người mẫu đang bùng nổ...

- Kịch bản Thám tử tư của Thu Phương đang được đạo diễn - NSƯT Mỹ Hà thực hiện và mới đây nhất, tại Sàn giao dịch bản quyền, hãng TFS lại đặt hàng Thu Phương viết kịch bản Phiên chợ số, 30 tập, bí quyết nào giúp chị cập nhật với những đề tài có vẻ được gọi là… “nóng” của xã hội?

Tôi thường để ý những chuyện đang xảy ra xung quanh đập vào mắt mình hàng ngày, kể cả những câu chuyện đăng trên sách, báo. Vốn sống bên ngoài xã hội đang phơi bày ngồn ngộn. Tôi viết kịch bản Thám tử tư từ sự thú vị khi đọc một bài phóng sự đăng trên báo. Sau đó, có dịp ra Hà Nội, tôi đã gặp tác giả bài báo và tiếp xúc với những người trong nghề, tìm hiểu công việc của họ tại một “công ty thám tử tư”.

Vừa qua được hãng TFS đặt hàng viết Phiên chợ số cũng là một thử thách không nhỏ đối với tôi. Không đầy nửa năm nay, thị trường chứng khoán đã “nhập” vào nếp nghĩ, nếp sống của số đông người, thật đáng kinh ngạc. Quan sát xung quanh, đôi khi tôi hơi bất ngờ khi biết có người bạn lâu nay không hề biết thị trường chứng khoán là gì, bỗng dưng, họ trở nên “sinh động” ăn nói lưu loát và có thể gọi đến mình vào lúc khuya khoắt để thuyết phục, rủ rê mua cổ phiếu trước khi nó “lên sàn”.

Tôi nghĩ thị trường chứng khoán bùng nổ như một “đấu trường” qua những con số nhảy múa! Chắc chắn, con người với bao trạng thái hỉ, nộ, ái, ố sẽ bộc lộ mình qua những phiên chợ số. Khát vọng? Thất vọng? Ảo vọng? Và kỳ vọng?… Biết bao câu chuyện đời đang diễn ra. Chính trên cái nền ấy, tâm tư, tình cảm, đời sống, số phận con người sẽ xuất hiện. Kịch bản này phải hoàn thành sớm phim có thể phát sóng vào năm 2008. Công việc rất thú vị nhưng cũng rất khó khăn! Tốt nhất là mình phải lao vào nhập cuộc, đi “họp chợ” với mọi người...

- Đến với con đường sáng tác không lâu nhưng Thu Phương đã gặt hái khá nhiều thành công. Chuyện nghề chắc cũng lắm niềm vui và nỗi buồn?

Các giải thưởng:

– Giải thưởng Văn học tuổi trẻ (2005) tập truyện ngắn “Luân Sinh”.

– Huy chương vàng Liên hoan Sân khấu Mùa thu 1998, Giải thưởng của Hội Sân khấu TPHCM, Giải A Hội Nghệ sĩ sân khấu VN 1998, Giải thưởng của Hội LH Văn học nghệ thuật TPHCM 1997 - 1998, Tặng thưởng của UBND TPHCM 1997 - 1998, Giải thưởng của Bộ Quốc phòng 4 năm 1996 - 2000 dành cho kịch bản Thời con gái đã xa (đạo diễn: NSƯT Đoàn Bá)…

– Giải thưởng kịch bản sân khấu 1999 - 2000 do Bộ VH-TT, Cục Nghệ thuật - Biểu diễn tổ chức, Quỹ Ford tài trợ vở Nhà có ba chị em.

– Giải thưởng kịch bản Cây lẻ bạn, Một nửa thiên đường (2001); Không có hoa hồng (2005) của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam v.v...

Vâng, đủ cả. Nhìn lại, tôi biết mình đã đi khá xa so với cái “ngẫu hứng tài tử” ban đầu. Giờ, không có con đường nào để tháo lui đâu! Bởi vậy, tôi đã quyết định thi và tốt nghiệp đạo diễn tại Trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TPHCM. Tôi mê nghề viết văn. Có lẽ, điều này một phần là nhờ từ bé mẹ tôi đã ươm mầm, đã giáo dục con cái tiếp xúc, gần gũi với thế giới văn chương, nghệ thuật. Tính suy luận, quyết đoán của ba tôi, vốn là một kỹ sư quân đội cũng giúp tôi có thêm nghị lực mỗi khi thực hiện công việc mình đang đeo đuổi là phải làm cho bằng được.

Được làm việc với các nghệ sĩ, các đạo diễn nổi tiếng ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh miền Trung nhiều năm qua, đối với tôi vừa là áp lực mà cũng là động lực để tôi luôn hướng về phía trước. Tôi quan niệm và tự ra chỉ thị “phải vượt lên chính mình ngày hôm qua”.

- Một chút suy nghĩ của Thu Phương về thời sự văn học qua cái nhìn của một nhà văn trẻ?

Tôi nghĩ mình không còn trẻ nữa khi bước vào lứa tuổi U30. Hồi đó mới viết khoảng hai tác phẩm đầu tay mà đạo diễn Lê Văn Tĩnh “chọc quê” tôi vì ngỡ mẹ tôi viết giùm, ông bảo nhân vật của tôi sao mà già ngắc (!). Từ đó, song song, tôi đã viết nhiều truyện ngắn.

Nhìn về phía thế hệ nhà văn 8X, tôi cho rằng họ có nhiều ưu thế về tuổi trẻ, sức trẻ. Họ có nhiều điều kiện học tập, nắm bắt tri thức thời đại; sử dụng nhanh nhạy phương tiện kỹ thuật hiện đại; xê dịch, đi lại nhiều nơi. Xu thế hội nhập của Việt Nam càng giúp họ mở rộng tầm nhìn ra thế giới, tiếp xúc, giao lưu thu thập tinh hoa tri thức thế giới. Nhà văn trẻ phản ánh cuộc sống xã hội hoặc tình yêu muôn thuở có vẻ “mới”, “táo bạo” theo cách của họ qua tác phẩm in sách hoặc tải trên mạng. Tuy họ có nhiều ưu thế, nhưng theo tôi, cái cần thiết nhất chính là phải thể hiện được đúng bản lĩnh sống và bản lĩnh văn hóa của một thế hệ trẻ Việt Nam.

- Xin cảm ơn nhà văn Nguyễn Thu Phương.

Kim Ửng

Tin cùng chuyên mục