Tản mạn cố hương

Tản mạn cố hương

Vậy là em không đến!

Tôi đã chờ em rất lâu trong khách sạn St. Regis thuộc St. Regis Resort ở quận Cam (Los Angeles – California). Em cũng không gọi điện thoại cho tôi như em đã hứa.

Tản mạn cố hương ảnh 1

Một góc quận Cam, California (Mỹ).
Ảnh: T.Q.

E-mail cũng không thấy. Để đến sát giờ lên máy bay về nước, tôi nhận được điện thoại của một người bạn từ quê nhà gọi sang, thông báo: “Trang Vy không đến đâu, cậu đừng đợi. Nó gọi cho tớ, khóc và nhờ tớ xin lỗi cậu. Nó thú thật là nó sợ…”

45 phút chạy xe từ nơi em ở đến nơi tôi đang trú ngụ, theo lời em bảo. Ở Mỹ, đường cao tốc với 45 phút chạy xe chắc không phải là chuyện khó phải không em? Cách xa nhau nửa vòng trái đất đã hơn 2 năm nay, giờ chỉ còn một khoảng cách mong manh, tôi tin chắc mình sẽ gặp em, dù chỉ đủ thời gian để thấy mặt nhau, nắm tay nhau rồi lại nghìn trùng xa cách. Tôi biết, với tôi và em, như thế đã là đủ, như chúng ta vẫn thường gặp nhau thế mỗi khi tôi quá bận bịu công việc, ngày em còn ở quê nhà…

“Ngày ở quê nhà!” Chưa bao giờ tôi thấy cụm từ mang hàm ý hoài vọng ấy nặng nề như lúc này. Em bây giờ, công dân Mỹ. Còn tôi, công dân Việt Nam được phép tháp tùng đoàn các quan chức Nhà nước Việt Nam sang thăm Mỹ. Khác nhau nhiều lắm sao? Tôi bay hơn nửa vòng trái đất, đến ngay nơi em đang định cư. Còn một bước chân nữa cho phút giây gặp nhau sau bao nhiêu ngày nhớ mong - nỗi nhớ mà em luôn quay quắt và vì nó mà mới chưa đầy năm xa quê hương, đã làm tóc em bạc trắng. Tiếc là em đã quá e dè.

Tôi biết, ngay trước cổng khách sạn St. Regis nơi tôi ở là hàng trăm người Mỹ gốc Việt đang biểu tình. Họ đến đây, với biểu ngữ, với cờ ba sọc và la hét bày tỏ thái độ chống đối người đứng đầu Nhà nước Việt Nam, chống đối cả những người theo đoàn. Họ đi đứng, nằm ngồi suốt cả đêm bên ngoài khách sạn. Em sợ họ, sợ những cái nhìn xoi mói và chắc càng sợ một sự trả thù, một sự quấy nhiễu từ những kẻ quá khích ấy trong những ngày sau này?

Tôi không muốn trách em, vì tôi hiểu căn nguyên nỗi sợ mà tôi nghĩ không chỉ riêng em có. Tôi đã thấy nỗi lo lắng đó ở một số người Việt đang định cư tại Mỹ lúc tôi trao đổi với họ trong đêm 22-6, khi họ đến tham dự buổi gặp mặt Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại quận Cam. Họ nói với tôi những suy nghĩ, tình cảm của mình với quê nhà; nói với tôi về sự kính trọng vị Chủ tịch nước Việt Nam nhân ái, chân tình mà lần đầu tiên họ được gặp… nhưng lại dặn tôi nhớ đừng nêu tên tuổi, địa chỉ của họ trên báo. “Chúng tôi muốn được yên thân để làm ăn”.

Sáng sớm ngày 23-6 ở California, ra trước cổng khách sạn St. Regis, tôi đứng đối diện với những người biểu tình đang tụ tập la hét bên kia đường. Rất nhiều người trong số họ là người đứng tuổi. Có cả những bạn trẻ tai đeo headphone, dắt trên túi quần sau lá cờ ba sọc nho nhỏ và miệng thì lẩm bẩm, chân nhún nhảy, có vẻ như đang hát theo bản nhạc nào đó phát ra từ máy. Họ có thật sự biết mình đang chống đối điều gì, cái gì không nhỉ? Trời California nắng vàng. Những cây cam trồng bên đường vào khách sạn trái cũng chín vàng.

Những cây chuối quạt, những cây cọ dầu và cả những vạt cây tràm lai, bằng lăng mọc rải rác trên những ngọn đồi bên đường như cũng nhuộm vàng ánh nắng. Tôi bất chợt nhớ đến mảnh trăng lưỡi liềm treo trên đầu mình khi bước ra khỏi sảnh tiếp tân của khách sạn lúc rạng sáng. Có khác gì đâu? Tôi nhớ mình đã thở dài khi chợt so sánh cảnh vật nơi đây với miền quê xa tít. California là bang có đông người Việt đến sinh sống nhất trên đất nước Mỹ.

Phải chăng vì chỉ ở đây, người ta mới nhìn thấy thật nhiều bóng dáng quê nhà? Nghĩa là trong trái tim họ, những người Việt tại Mỹ và cả những người đang gào thét chống đối ở phía bên kia đường, dù thế nào đi nữa, quê hương vẫn luôn hiện diện với đau đáu yêu thương trong ký ức? Vậy thì tại sao?

Nhìn thấy tôi và vài thành viên khác trong đoàn đang đứng chờ xe, nhóm người biểu tình gào lên. Họ đòi chúng tôi – những V.C. – cút về nước. “Bảo đúng quá, trước sau gì cũng về thôi. Ở đây làm gì? Chỉ có họ mới không biết mình về đâu!” Một anh bạn trong đoàn mỉa mai. Tôi chợt nhớ lời Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, đừng kỳ thị, đừng thành kiến với họ.

Trong cái nhìn của ông, những người đang đứng biểu tình chống đối mình kia đáng thương hơn đáng giận. Và tất cả chúng tôi, cũng như hàng triệu triệu bà con nơi quê nhà, hãy làm như ông, hãy tìm mọi cách giúp bà con mình ở nơi xa hiểu thêm, hiểu đúng về đất nước. “Chỉ có hiểu đúng về đất nước, bà con mới thôi không có những hành động quá khích như thế này, mới chuyên tâm làm ăn và hướng về đất nước”.

Ông nói vậy, tin vậy và muốn vậy. Với quyền hạn của mình, trách nhiệm của mình, ông đã thay mặt Đảng, Nhà nước tặng bà con Việt kiều món quà quý giá: thông đường về quê hương! Bãi miễn visa về nước cho Việt kiều là con đường tất yếu nếu muốn lộ trình hòa hợp dân tộc hanh thông. Tôi nghĩ vậy. Và nhớ hoài giọt nước mắt với nụ cười của một bác Việt kiều già khi ông ngồi nghe Chủ tịch Nguyễn Minh Triết phát biểu, nghe tuyên bố về thông tin nói trên. Ông là quân nhân chế độ cũ, một quân nhân cỡ bự, nhiều năm rồi thậm chí ông còn né tránh không đến Đại sứ quán Việt Nam ở Mỹ chứ nói gì đến chuyện về lại cố hương.

 “Tôi và nhà tôi phải giằng co mãi mới dám đến đây hôm nay. Người ta nói nhiều thứ về Việt Nam, thứ nào cũng đáng sợ. Trước khi đi tôi còn nghĩ mình già rồi, nếu chẳng may có xảy ra chuyện gì (!) cũng không sao, thôi cứ đến đại một lần cho rõ…” “Bác sẽ về chứ?” “Về, về, sao lại không về được”, giọng ông run run.

Trưa 23-6, ngồi trên xe có an ninh Mỹ hộ tống từ khách sạn ra sân bay lên đường về nước, chúng tôi nhìn thấy bà con Việt kiều “bên kia đường” cũng cuốn cờ, khẩu hiệu rồi mạnh ai nấy lặng lẽ bước lên mấy chiếc xe bus đang chờ sẵn. Không ai nói với ai. Cũng không thấy nụ cười. Xe chở chúng tôi lần lượt chạy ngang từng chiếc xe bus đang đậu. Qua hai lần kính cửa sổ, tôi chỉ nhìn thấy những ánh mắt đờ đẫn, vô hồn.

Họ mệt mỏi vì hơn một đêm và cả buổi sáng đứng gào thét hay bởi thẳm sâu trong tâm hồn họ, tàn cuộc rồi họ vẫn chẳng biết thực sự mình đã làm gì, muốn gì? Trong cái nắng trưa và không gian quạnh vắng trên những triền đồi quận Cam hôm ấy, dáng lầm lũi, xiêu xiêu của những đồng bào xa xứ trông thật buồn bã và ảm đạm. Hình ảnh ấy cứ ám ảnh tôi.

Quá khứ đã xa. Đeo đuổi nỗi hận thù chỉ làm lòng mình thêm cằn cỗi. Em và tôi chẳng phải đã từng là con của những người thuộc hai chiến tuyến? Vậy mà chúng ta đâu có để cho điều ấy ảnh hưởng đến những điều tốt đẹp giữa chúng ta. Em khóc và mất ngủ cả đêm vì xấu hổ với nỗi sợ hãi của chính mình, vì không gặp được tôi. Tôi hiểu và thương em lắm nhưng mà Trang Vy à, tự đáy lòng tôi vẫn không thể không bật lên câu hỏi: Em sợ gì mà khuất phục những con người đã bị bào mòn cuộc sống vì nỗi hận thù nay trở thành lạc lõng, hả Trang Vy?

Trúc Quân

Tin cùng chuyên mục