Văn hóa thể thao : Thế giới xáo trộn

Văn hóa thể thao : Thế giới xáo trộn

1. Thế giới bóng đá hổm rày thiệt lắm xáo trộn. Việc Thierry Henry rời khỏi Arsenal đã được dư luận đánh động từ trước, thậm chí tin tức này đã “bốc khói” từ mùa bóng năm ngoái nhưng khi nó xảy ra vẫn khiến không ít người ngỡ ngàng.

Không thể so sánh việc Henry rời khỏi Arsenal với việc Vieira chia tay Arsenal. Trong thập niên qua, chính huấn luyện viên Arsene Wenger và tiền đạo Henry mới là hai tượng đài đích thực của sân Highbury. Vieira là cầu thủ quan trọng, nhưng chính Henry mới là biểu tượng của đội bóng thành London. Vai trò của Henry với Arsenal giống như vai trò của Cantona với Manchester United, Baresi với AC Milan trước đây.

Văn hóa thể thao : Thế giới xáo trộn ảnh 1

Việt Nam – Jamaica:
Trận đấu quá dễ dàng!

Sự gắn bó tự nhiên này đưa đến cảm giác chàng đội trưởng người Pháp đã được đóng đinh vào Arsenal, bởi không ai, đặc biệt và các  fan của Arsenal, có thể hình dung một ngày nào đó Arsenal không có Henry, cũng như Henry không có Arsenal. Vậy mà điều đó đã xảy ra. Một kết cục buồn với những người duy cảm.

2. Nhưng so với sự chia tay của Henry, sự chia tay của HLV Capello với Real Madrid mới thiệt là cay đắùng. Đã bốn năm qua, Real Madrid luôn trắng tay, luôn bị đại kình địch Barcelona lấn lướt. Hết Queiro, Camacho đến Remon, Luxemburgo, hàng nửa tá huấn luyện viên được mời về nhưng không ai đủ sức giúp Real Madrid lên ngôi vô địch La Liga. Chỉ khi Capello đặt chân đến sân Bernabeu, Real Madrid mới qua mặt được Barca để đăng quang mùa này.

Vậy mà khi vầng hào quang trên đầu Capello chưa kịp tắt, ông đã nhận được quyết định sa thải của ban lãnh đạo Real Madrid - một cách hành xử không thể hiểu nổi. Nhưng nếu chúng ta nhớ lại Real Madrid trong lịch sử của mình đã từng sa thải rất nhiều huấn luyện viên và hầu hết là sa thải vô cớ, ta sẽ hiểu tính đồng bóng của ban lãnh đạo Real Madrid và như vậy ta sẽ không mất thì giờ tìm hiểu động cơ đằng sau quyết định đột ngột này.

Capello từng đến Real Madrid hai lần, mỗi lần chỉ cầm quân trong một mùa. Và dưới sự lèo lái của ông, mùa nào Real Madrid cũng vô địch. Có thể nói, riêng với Real, Capello xứng đáng là nhà luyện kim siêu hạng, hễ ông đụng đến đâu là thành vàng đến đó. Lần trước ông tự động ra đi, lần này ông bị đuổi việc. Chủ tịch Calderon đối xử với ông như cách các lãnh chúa thời xưa đối xử với các thi sĩ: Choàng lên cổ hắn một vòng hoa rồi đuổi hắn ra khỏi vương quốc!

Với vòng hoa đó, có lẽ Capello sẽ ngẩng cao đầu khi tiếng còi tiễn biệt chính thức vang lên.

3. Còn HLV Riedl của chúng ta thì sao? Ông sẽ có dịp ngẩng cao đầu khi Asian Cup kết thúc không? Điều này thật khó nói trước mặc dù trong thâm tâm chúng ta vẫn mong ông trình bày một bộ mặt coi được cho tuyển Việt Nam. Thực tế thì Riedl đã cầm quân hai trận kể từ ngày quay lại từ nước Áo: trận gặp Indonesia ở vòng loại Olympic và trận giao hữu gặp Jamaica chủ nhật tuần rồi. Hai trận đều thắng, ghi năm bàn, trong đó có ba bàn ghi ở tình huống cố định. Kết quả không chê được, nhưng tất nhiên với một Indo đã bị loại đồng thời mất 2 cầu thủ hay nhất và một Jamaica B thiếu nhiệt huyết lẫn động cơ thì những chiến thắng trước họ chưa phải là thứ hàn thử biểu đáng tin cậy.

Tuy nhiên, vẫn có thể thấy những điểm sáng: Sự tiến bộ và hòa hợp nhanh của các cầu thủ trẻ, những tình huống đá phạt đã được cải thiện theo chiều hướng tích cực và đặc biệt là những đường chuyền dài có điểm rơi chính xác cho các tiền đạo bứt phá và khai thác - ưu điểm này bộc lộ rất rõ vì lặp đi lặp lại nhiều lần trong trận Việt Nam - Jamaica mà đường chuyền như đặt của Tấn Tài cho Công Vinh ở phút 54 là một ví dụ. Nhưng cũng cần phải thấy hàng thủ Jamaica đã chơi rất hời hợt và để lộ quá nhiều khoảng trống trong trận đấu hôm đó. Trước một hàng thủ kín kẽ, có tốc độ, đá rát và luôn luôn cảnh giác, chúng ta khó thực hiện thường xuyên những quả chuyền vượt tuyến ngon lành như vừa rồi.

4. Điểm yếu lớn nhất của tuyển Việt Nam qua hai trận gặp Indo và Jamaica có lẽ  là sự lúng túng trong vận hành chiến thuật - chỗ này tôi hoàn toàn chia sẻ với cảm nhận của đồng nghiệp Triết Long bên báo Thể thao và Văn hóa. Riedl luôn miệng bảo ông sẽ áp dụng sơ đồ 4-4-2 nhưng thực tế trên sân cho thấy các cầu thủ vẫn chơi hầu hết trận đấu với sơ đồ 4-5-1 khi một trong hai tiền đạo thường lùi sâu về giữa sân. Riedl nói một đường làm một nẻo, hay ông muốn như thế này nhưng cầu thủ vẫn làm như thế khác theo quán tính. Không giải quyết ổn thỏa được sự “chính danh” này, tuyển Việt Nam sẽ tiếp tục chơi bóng loay hoay cứ như “hồn Trương Ba da hàng thịt”, hoàn toàn kém sáng sủa so với thời Mai Đức Chung cầm quân. Chẳng hạn ở phút 36 trong trận gặp Jamaica, Quang Thanh đang đi bóng thuận lợi trước vòng16,50 mét trong khi Thanh Bình lẫn Công Vinh tăng tốc lao vào khu cấm địa để chuẩn bị nhận bóng thì đáng lẽ mở một quả chọc khe cho hai tiền đạo, Quang Thanh ngập ngừng vài giây rồi... chuyền bóng ra biên. Phút 69 một tình huống y hệt như vậy được lặp lại. Có vẻ như bản năng sáng tạo của cầu thủ kêu gọi thực hiện quả chọc khe nhưng bài bản của ông thầy bắt phải chuyền ra biên khiến Quang Thanh buộc phải chọn con đường xa nhất để đến khung thành chứ không chọn con đường gần nhất như trực giác mách bảo. Vấn nạn này thực ra đã bộc lộ ngay trong những trận cầu lúng túng của tuyển Việt Nam tại Cúp Đông Nam Á vừa rồi và chưa có dấu hiệu gì cho thấy nó sẽ được khắc phục.

Kình địch của tuyển Việt Nam ở vòng đấu bảng Asian Cup sắp tới ngoài Nhật Bản, còn có hai đại gia đến từ Tây Á là Qatar và UAE. Thời gian qua, Olympic Việt Nam có dịp so tài với hai đội Tây Á khác là Olympic Oman và Olympic Lebanon, tối hôm qua lại gặp thêm đội Tây Á thứ ba là Bahrain, đây là những cơ hội thuận lợi để thu thập kinh nghiệm trước khi Asian Cup bắt đầu. Vấn đề là tuyển Việt Nam tận dụng cơ hội như thế nào để nhanh chóng khắc phục những khiếm khuyết như đã phân tích. Có như vậy chúng ta mới hào hứng khi giải đấu khởi tranh, chứ không phải là tặc lưỡi: khỏi tranh!

Chu Đình Ngạn

Tin cùng chuyên mục