Ngành xuất bản hậu WTO, vẫn ám ảnh sách lậu

Nước từ xa đã nhảy
Ngành xuất bản hậu WTO, vẫn ám ảnh sách lậu

Ngày 7-11-2006, Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO. Gần 3 năm sau Công ước Berne, hơn nửa năm sau WTO, các nhà xuất bản (NXB) trong nước đang ngày càng bộc lộ rõ khoảng cách chênh lệch giữa những người mạnh và kẻ yếu.

Nước từ xa đã nhảy

Ngành xuất bản hậu WTO, vẫn ám ảnh sách lậu ảnh 1

Các em học sinh chọn mua sách Harry Potter.

Năm 2007 chứng kiến những cuộc chạy đua quyết liệt giữa các NXB với nhau trong việc đáp ứng nhu cầu bạn đọc. Đầu tiên là Công ty Văn hóa truyền thông Nhã Nam với hàng loạt đầu sách dịch hấp dẫn mang giá trị văn học cao của các nhà văn châu Âu như Mùi hương, Đo đạc thế giới (Đức), Tình ơi là tình (Áo), Xạ thủ nằm bắn (Pháp)… thì NXB VHTT lại thiên về hướng những tác phẩm đang gây xôn xao dư luận thế giới như bộ sách của nhà văn Dan Brown hay ấn phẩm vừa mới phát hiện của nhà văn Pháp thiên tài Alexandre Dumas: Hiệp sĩ Saint Hemine.

Công ty CPVH Phương Nam chọn cho mình hướng đi riêng với việc mua bản quyền hàng loạt các tác phẩm của nhà văn Trung Quốc như Báu vật của đời, Thủy tiên đã cưỡi chép vàng đi… NXB Văn hóa Sài Gòn lại “một mình một chợ” với các chương trình sách đồ sộ mang tính khoa học cao như Bộ sách 100 câu hỏi về Sài Gòn-TPHCM cùng nhiều tựa sách mang tính khảo cứu khác.

Bên mảng sách cho thiếu nhi cũng không kém phần gay cấn với cuộc ganh đua hè 2007 giữa hai NXB Trẻ và Kim Đồng, cả hai đơn vị này đã liên tục tung ra những tác phẩm được xem là hấp dẫn nhất của mình như Trẻ với các bộ Tôi là Bêtô, Nhà giả kim, Máu mực, Pendragon… Kim Đồng với các tác phẩm Phù thủy xui xẻo, Tôi là Coriander, Ngôi nhà cây thần kỳ, Mũi nhỏ, Vương quốc bí mật...

Có một điểm chung giữa các đơn vị kinh doanh văn hóa, xuất bản thành công sau Berne và WTO là tất cả đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ nhiều năm trước khi Việt Nam gia nhập các công ước, hiệp định trên. Theo ông Bùi Việt Bắc, Giám đốc NXB VHTT thì để có thể mua được bản quyền các ấn phẩm nổi tiếng thế giới với mức giá chấp nhận được, NXB đã phải xây dựng, liên kết từ trước với một đội ngũ những người giao dịch có kinh nghiệm thương trường và hiểu biết về thị trường sách.

Với NXB Trẻ hay Kim Đồng thì để có được ngày hôm nay họ đã phải tiến hành công việc thương thuyết bản quyền từ những năm đầu thế kỷ 21. Chính nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước đó đã giúp cho các đơn vị xuất bản giành được sự quan tâm của bạn đọc.

Trong hội nghị các nhà xuất bản châu Á-Thái Bình Dương APPA diễn ra tại TPHCM đầu năm 2007, có một bài học kinh nghiệm mà các đại biểu tới từ các NXB trong khu vực rút ra được sau một thời gian gia nhập Berne hay WTO là tính đào thải. Chỉ có những đơn vị nào chuẩn bị tốt từ trước khi gia nhập mới có thể tồn tại trong bối cảnh thị trường chung rộng mở. Các NXB, đơn vị kinh doanh nào chậm chân dần dần sẽ không còn cơ hội tồn tại và thực tế đã có rất nhiều NXB tại các nước phải đóng cửa sau khi bước vào thị trường chung.

Ám ảnh sách lậu

Một cách thẳng thắn thì quãng thời gian 3 năm của Berne hay nửa năm của TRIPs (hiệp định quyền sở hữu trí tuệ trong WTO) tuy đã giúp cho ngành xuất bản Việt Nam có sự thay đổi khá rõ nét nhưng vẫn chưa đủ để thực sự trở thành một nền xuất bản chuyên nghiệp. Một trong những rào cản nghiêm trọng nhất ngăn cản ngành xuất bản tiến tới chuyên nghiệp hóa chính là vấn nạn sách lậu, sách nhái.

Các đại gia làm sách lậu bây giờ cũng đã kịp thời “đồng hành” cùng WTO với việc cập nhật thông tin thị trường kết hợp với trình độ in ấn tiên tiến để cho ra những cuốn sách lậu khó phát hiện như trường hợp vừa qua tại TPHCM cơ quan chức năng đã phát hiện ra một vụ in sách lậu bằng máy móc hiện đại nhất, thậm chí cả tem chống giả cũng được in như thật.

Trong khi đó, về phía các đơn vị như người làm sách, NXB, phát hành vẫn chưa có sự phối hợp với nhau trong việc chống sách lậu, đó là chưa kể các hình thức xử phạt in lậu sách còn quá nhẹ, thiếu hẳn tính răn đe đã tạo điều kiện để giới in sách lậu mặc sức hoành hành. Không có gì lạ khi trong phần những vấn đề nổi cộm trong năm do Bộ VHTT đưa ra năm nào cũng có câu “vấn nạn in lậu kéo dài…”.

Dự kiến giải quyết nạn in lậu vào năm 2010 của Bộ VHTT hầu như không được một ai trong ngành xuất bản tin tưởng. Bên cạnh đó, Berne hay TRIPs không chờ đợi ngành xuất bản đến năm 2010, việc không bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ sẽ khiến các NXB Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi thương lượng mua bản quyền vì đã nhiều lần họ gây mất lòng tin nơi đối tác khi không đảm bảo được quyền sở hữu trí tuệ của mình ngay trong nước.

Cũng tại Hội nghị APPA, đại diện các NXB lớn trên thế giới và trong khu vực có nhiều năm thực thi Berne, TRIPs đều cho rằng chừng nào chưa ngăn chặn được nạn in sách lậu chừng đó ngành xuất bản Việt Nam chưa thể thực sự tiến đến Berne hay WTO.

Tường Vy

Tin cùng chuyên mục