Nữ sĩ Mộng Tuyết

“Lánh Tần, riêng một cõi tiêu tao...”

“Lánh Tần, riêng một cõi tiêu tao...”

Chiều 26-6, khi đồng chí Trương Quốc Tuấn – Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang- vào bệnh viện thăm nữ sĩ Mộng Tuyết thì bà còn hé mắt nhìn dù không nói và có thể không nhận ra ông. 15 giờ ngày 29-6, nữ sĩ Mộng Tuyết hôn mê sâu. Gọi điện cho tôi từ TPHCM, nữ sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương vừa luôn miệng “Mô Phật!” để tự trấn an chính mình vừa cho biết bà đang sắp xếp cùng các thân hữu đi ngay TP Rạch Giá. Đúng 8 giờ 5 phút ngày 1-7-2007, trái tim nữ sĩ Mộng Tuyết đã im lặng sau 90 năm sống tận tụy với cuộc đời và 76 năm dào dạt tình thơ. Nhưng nào phải bây giờ, mỗi lúc đến thăm bà tại Đông Hồ thi nhân Kỷ niệm đường, cầm tay bà, ngắm nhìn mái tóc tuyết pha của bà, lắng nghe hơi thở mỏi mòn dần của bà... tôi biết bà đã cạn ngày nơi “cõi tạm” ...

“Lánh Tần, riêng một cõi tiêu tao...” ảnh 1

Nhà thơ Dương Trọng Dật thăm nữ sĩ Mộng Tuyết (năm 2003)

Lần đầu tiên tôi “biết” nữ sĩ Mộng Tuyết là... trong giờ Văn học lớp 7 tại Trường Vinh Sơn – Sơn Trà (Đà Nẵng) khi thầy giáo lớp tôi được tin người thầy đáng kính của ông - thi sĩ Đông Hồ - vừa mất vào ngày 25-3-1969. Ông nói: “Đông Hồ có 3 thứ yêu nhất: tiếng nước Nam, Hà Tiên và Mộng Tuyết!”.

Rồi thầy tôi ra đứng khóc ngoài hành lang. Tan buổi học, tôi tìm “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh- Hoài Chân và những dòng nhận xét trong cuốn sách đã làm tôi khó quên tên người đàn bà có hạnh phúc được Đông Hồ “yêu nhất”: “ ...Người xem thơ bỗng thấy lòng run run như được đọc thư tình gửi cho một người bạn: người thấy mình đã phạm vào chỗ riêng tây của một tâm hồn, trong tay dường như nắm cả một niềm ân ái...”. Mãi sau này tôi mới hiểu lớp nghĩa ẩn dưới đoạn văn: Tác giả “Thi nhân Việt Nam” cảm nhận được những lời thơ chan chứa “một niềm ân ái” của Mộng Tuyết là “thư tình gởi cho một người”: Thi sĩ Đông Hồ!

Lần đầu tiên gặp bà – mùa xuân năm 1987 – tôi bị choáng ngợp. Bà rất đẹp! Đẹp từ phong thái trang nhã, ánh nhìn minh triết. Và khi bà mỉm cười nhìn lên chân dung cố thi sĩ Đông Hồ, tôi thấy một tình yêu say đắm, thanh tân chỉ có thể lấp lánh được trong đôi mắt người thiếu nữ. Bà kể với tôi rằng bà “võ vẽ” làm thơ từ năm 15 tuổi. Khi làm một bài thơ “coi cho được” thì bà bắt đầu yêu và thi sĩ Đông Hồ là mối tình đầu tiên và duy nhất của bà. Tôi với bà ngồi dưới cây liễu đang nở đầy hoa như vắt kiệt máu mình trút cho hoa màu đỏ rực. Tôi ngớ ngẩn hỏi bà làm sao có thể suốt một đời chỉ yêu duy nhất một người như thế trong khi thế gian này bà đã gặp nhiều đàn ông tài hoa và đáng yêu chẳng kém... thi sĩ Đông Hồ. Bà nói rất nhỏ: “Trong lòng phải luôn si tình người ấy! Luôn cảm nhận mình yêu người ấy nhiều hơn ngày đầu tiên, ít hơn ngày cuối cùng, mà “ngày yêu cuối cùng” thì chẳng bao giờ có!”. 20 năm nhìn lại màu hoa đỏ, tôi thấm thía những lời bà nói.

Nữ sĩ Mộng Tuyết tên thật là Lâm Thái Úc (Út), sinh ngày 9-11-1918 ở Mỹ Đức (Hà Tiên). Đối với bà, thi sĩ Đông Hồ là người anh bao dung, người thầy nghiêm khắc, người tình say đắm và người chồng mẫu mực. Đông Hồ hơn Mộng Tuyết 12 tuổi. Những tấm ảnh cũ còn lưu giữ ở “Đông Hồ Thi nhân Kỷ niệm Đường” cho thấy cả hai là một đôi “tài tử – giai nhân” hiếm có, nhưng họ đến với nhau trước hết bằng rung động văn chương. Chính Đông Hồ là người sớm phát hiện ra văn tài Mộng Tuyết: “văn Mộng Tuyết đẹp cũng như thơ Mộng Tuyết, thứ văn đẹp và tinh, đây đó không thiếu gì những ý thơ trong trẻo, văn ai đọc đến mà không thấy lòng đượm một tình yêu phơi phới và cảm một mối cảm gần gũi thân mật nhất với lòng mình” (Đông Hồ – “Ở Đông phương có người con gái hay chữ”).

Quả thật văn chương của nữ sĩ Mộng Tuyết rất đẹp, nó toát ra từ tâm hồn băng thanh ngọc khiết của bà. Khi ung dung tự tại: “Một bóng đứng trơ cùng tuế nguyệt, nghìn thu cười mãi với ba đào” (tập thơ “Hang tiền: Hang Tiên – Hang tình”); khi truyền vào lòng ta lòng say đắm: “Đêm nay hoa mở lòng trinh trắng, hứng bóng người qua dưới ánh trăng” (Dưới mái trăng non); lúc tràn ngập lòng yêu thương những đồng bào miền Bắc trong trận đói kinh hoàng năm 1945: “Hồng lạc người chung một giống nòi, có đâu Nam Bắc đất chia hai, xót tình máu mủ cơn nguy biến, xẻ áo nhường cơm ai hỡi ai, máu chảy ruột mềm đau xót lắm...” (“Xẻ áo nhường cơm” trích trong “Mười khúc đoạn trường”).

 Nhà thơ Xuân Diệu trong lá thư ngày 1-5-1982 gởi thăm bà cũng đã dành cho nữ sĩ những lời trân trọng nhất: “Xuân Nhâm Tuất này tôi đã được một phần thưởng của chị, là những lời rất mực tri âm, thái độ vô hạn trân trọng đối với những bài tôi viết về Nguyễn Trãi, Nguyễn Du; phải có trình độ uyên thâm văn cổ điển như chị mới thấy được”. Và Xuân Diệu ân cần: “chị của tôi phải giữ gìn sức khỏe, sống thật lâu...”. Nhà văn Nguyễn Tuân coi nữ sĩ Mộng Tuyết như em gái. Trước năm 1954, ông gởi từ Hà Nội về Hà Tiên cho bà từng hộp bánh Trung thu Đông Hưng Viên nổi tiếng.

Sau năm 1975, lần nào vào Nam, ông cũng lặn lội thăm “muội muội “ và không quên mang theo khi trái cam bố hạ, khi chùm vải thiều cứ như bà vẫn còn là cô em bé bỏng. Quà có thể hào phóng nhưng khó tính như Nguyễn Tuân thì chẳng mấy người được ông tặng sách. Nữ sĩ Mộng Tuyết có đủ sách Nguyễn Tuân từ bản in đầu tiên với dòng chữ dịu dàng: “Tặng Tuyết muội muội”. Đủ thấy bà là người được ông rất thương quý (nữ sĩ Mộng Tuyết dùng từ rất Nam bộ: “được cưng”).

20 năm trước – ngày “cất đám” nhà văn Nguyễn Tuân (31-7-1987), nữ sĩ Mộng Tuyết nức nở: “Ông anh cả Nguyễn Tuân ơi! Tuổi già hạt lộ như mưa, mưa dầm tháng bảy bao giờ tạnh đây?”. Bây giờ đến lúc bà cũng ra đi để hội ngộ với thi sĩ Đông Hồ, với gần như đầy đủ từ tác giả đến các thi hữu trong “Thi nhân Việt Nam” và “anh cả Nguyễn Tuân”. Biết bà ra đi “Vườn cũ màu thu dầu đã nhạt, hoa vàng cuối tiết vẫn thơm tho” nhưng lòng tôi cảm thấy sao mà bơ vơ quá! Thôi đành nhìn theo bông tuyết tan trong giấc mộng mùa hạ 2007 mà nhớ những lời thơ thoát trần của bà:

“Tiên cốc, Đào nguyên nay mở lối,
Lánh Tần, riêng một cõi tiêu tao ...”. 

NGUYỄN THỊ KỲ 

Theo nguyện vọng của những người quý trọng nữ sĩ Mộng Tuyết
Tang lễ sẽ tổ chức vào ngày 4-7-2007

Sau khi Báo SGGP 12 Giờ đưa tin nữ sĩ Mộng Tuyết đã từ trần và tang lễ sẽ tổ chức vào sáng 3-7-2007 (19-5 Đinh Hợi), nhiều thi hữu của nữ sĩ và công chúng quý trọng nữ sĩ Mộng Tuyết trong cả nước – nhất là TPHCM – đã liên hệ với Tỉnh ủy Kiên Giang và gia đình nữ sĩ bày tỏ mong mỏi tang lễ của bà tổ chức vào ngày 4-7-2007 để những người ở xa rộng thời gian sắp xếp về Hà Tiên đưa tiễn nữ sĩ đến nơi yên nghỉ cuối cùng.

Trân trọng tấm lòng của đông đảo thi hữu của nữ sĩ và công chúng, gia đình nữ sĩ và Ban tổ chức tang lễ đã quyết định: Tang lễ nữ sĩ Mộng Tuyết sẽ tổ chức vào ngày 4-7-2007 (20-5 Đinh Hợi) tại Đông Hồ thi nhân Kỷ niệm đường, số 46 đường Đông Hồ, thị xã Hà Tiên – Kiên Giang.

N.T.K.

Tin cùng chuyên mục